Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Lãng phí trách nhiệm đang phổ biến, làm thất thoát lòng tin của nhân dân

Hương Giang

Thứ hai, 31/10/2022 - 18:10

(Thanh tra) - Theo đại biểu Quốc hội, thất thoát, lãng phí trách nhiệm đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường trong hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước, thực thi công vụ… làm thất thoát, lãng phí lòng tin của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (Tây Ninh)

Quốc hội dành trọn 1 ngày (31/10) để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Lãng phí “vô hình” làm nghèo đất nước, suy yếu bộ máy công quyền

Nêu ý kiến, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) bày tỏ rất tâm đắc trong “ngậm ngùi” với đánh giá mà đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra: “Một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển”.

Theo đại biểu, đằng sau những lãng phí hữu hình “rất lớn, nghiêm trọng”, còn có những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, không chỉ “làm mất đi cơ hội phát triển” mà còn làm nghèo đất nước, làm suy yếu bộ máy công quyền…

Ông Hậu đề cập đến “lãng phí trách nhiệm” và nhắc lại, từ kỳ họp 3 đã nêu vướng mắc của các quy định liên quan đến sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong thực hiện việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình công cộng cấp bách bị vướng quy định của Luật Đầu tư công.

Thời điểm đó, cả Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Tài chính đều xác nhận trước Quốc hội “đây là vướng mắc lớn” cần phải sửa. Đến nay vẫn chưa sửa đổi dù Bộ Tài chính đã soạn thảo phương án. “Gần nửa kỳ họp trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì, tôi hỏi 1 vị có trách nhiệm trong Bộ Tài chính thì được biết chưa xong”, ông Hậu cho hay.

Trong khi xây dựng dự toán ngân sách 2023, hiện rất nhiều địa phương “đau đầu” vì nhiều công việc cần thiết nên làm bằng kinh phí chi thường xuyên để tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí… nhưng theo quy định phải sử dụng nguồn đầu tư công với quy trình thủ tục nhiêu khê, tốn kém công sức, thời gian.

Theo đại biểu, Quốc hội không thông qua nghị quyết về vấn đề này thì những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ có rất nhiều cán bộ công chức, viên chức không dám làm chuyện cần làm, tức là trách nhiệm của họ bị thất thoát.

“Có thể có không ít cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị do lấy hiệu quả làm mục tiêu; lấy việc làm tròn trách nhiệm với dân, với địa phương, đơn vị làm trọng mà tìm cách “lách” để làm, sẽ phải giải trình với kiểm toán, thanh tra. Cũng có thể sẽ có những cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị kiểm điểm, nhắc nhở, thậm chí xem xét kỷ luật…”, ông Hậu phát biểu.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Ảnh: P.Thắng

Đại biểu còn chỉ ra: Khi tiêu cực, yếu kém, trì trệ… trở thành phổ biến thì lỗi không chỉ thuộc về những người làm ra tiêu cực, yếu kém, trì trệ mà lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành bộ máy ấy.

“Để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém thì không chỉ dừng ở xử lý những người trực tiếp gây ra nó mà vấn đề căn bản là phải cải tổ bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy ấy”, đại biểu Hậu nhấn mạnh.

Từ đó, ông Hậu tha thiết đề nghị Chính phủ sớm xem xét, thông qua đề xuất của Bộ Tài chính, nhanh chóng trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về vấn đề này.

“Thất thoát, lãng phí trách nhiệm đang trở nên phổ biến trong các cấp, ngành, ở bộ phận không nhỏ cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức. Sự thất thoát, lãng phí này đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường trong hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước; trong thực thi công vụ…. làm thất thoát, lãng phí lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước”, đại biểu Hậu nói thêm.

Luật pháp phải là “phát súng chỉ thiên” cảnh báo ai đang có ý định vượt "lằn ranh"

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cũng đề cập đến những “lãng phí vô hình” khó mà đo đếm được. Theo ông, việc chậm ban hành các cơ chế chính sách là sự lãng phí về cơ hội, thời cơ phát triển.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương). Ảnh: P.Thắng

“Lãng phí này lớn gấp nhiều lần con số có thể định lượng, thậm chí kéo lùi sự phát triển”, đại biểu nói và dẫn chứng như liên kết vùng được nhắc đi, nhắc lại rất nhiều lần trong các văn kiện của Đại hội Đảng, nhưng đến nay thể chế, cơ chế đặc thù cho vùng nhằm tạo điều kiện “tháo bung các nguồn lực, giải cơn khát tăng trưởng” cho những mục tiêu được kỳ vọng rất lớn… vẫn chưa được ban hành.

Ở khía cạnh nữa, ông Nhân đề cập đến việc xử lý cán bộ sai phạm như lời Tổng Bí thư nói là “rất đau xót, nhưng không thể không làm” vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của Nhân dân. Song, ông cũng trăn trở khi để có được một cán bộ cấp cao “không thể cân đong được số tiền cũng như định lượng được công sức mà Nhà nước, xã hội bỏ ra để đào tạo”.

Theo ông, chúng ta đã xây dựng lực lượng phòng chống tham nhũng, nhưng các chính sách xoay quanh chưa đủ mạnh để cán bộ, công chức có thể sống được bằng lương và để họ không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng.

“Lẽ dĩ nhiên, phẩm chất đạo đức được hình thành quan trọng nhất trong giai đoạn giáo dục của gia đình, nhà trường để con người đủ sức đề kháng trước thói hư, tật xấu. Nhưng nếu giáo dục chưa đủ mạnh để nuôi cấy vào tâm thức những giá trị cao đẹp cũng như dũng khí còn chông chênh trước những kẻ xấu thì luật pháp phải là phát súng chỉ thiên để cảnh báo những ai đang có ý định vượt lằn ranh của thể chế”, đại biểu đoàn Bình Dương nhấn mạnh.

Từ đó, ông đề nghị nhanh chóng thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đã giao và thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát; sớm xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Con số tiết kiệm 350.000 tỷ sẽ được nhân lên gấp bội nếu các địa phương phát triển không còn phải “mặc chiếc áo đồng phục thể chế” vốn không còn vừa vặn từ lâu”, ông Nhân nói thêm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: P.Thắng

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh tiết kiệm và lãng phí luôn song hành nhau, nhưng nội hàm lại khác nhau. Theo ông, tiết kiệm để tích luỹ cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài, đời sống mỗi ngày một sung túc... chứ không phải “tiết kiệm là giảm chi tiêu những thứ cần, ngại mua sắm, chi nhỏ giọt”.

“Tôi muốn đề xuất với Chính phủ đáng chi là phải chi, chi mang lại hiệu quả để kích thích lao động sản xuất, chi để tái năng suất như chi tăng lương cho cán bộ, viên chức…”, ông Hòa nói. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, không vì thế mà chỉ không đảm bảo quy định, chi chưa hết năm đã hết tiền hoạt động ...

Tranh luận: Lãng phí có phải do lối sống ích kỷ, thực dụng của bộ phận cán bộ? Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) trăn trở khi lãng phí, thất thoát khu vực công vẫn xảy ra, từ nợ đọng thuế, thất thu thuế đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ. Nguyên nhân căn bản là do một bộ phận cán bộ có lối sống ích kỷ, thực dụng, chỉ quan tâm đến quyền lợi vật chất của bản thân, không vì tập thể, không nỗ lực vì lợi ích chung. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương)  “Tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong mọi hành động từ nhỏ nhất như tiết kiệm thời gian, cho đến lớn hơn là sử dụng một cách hiệu quả nhất, hợp lý nhất mọi tài sản công”, bà Nga nói. Từ đó, bà đề nghị, bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần nâng cao hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử; đồng thời đặc biệt chú ý đến nâng cao đạo đức con người. Tranh luận, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) đồng tình lối sống ích kỷ của cá nhân là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công. Tuy nhiên, theo ông Thắng nguyên nhân chủ yếu, xuyên suốt là thể chế còn nhiều bất cập. “Kết quả giám sát cho thấy, công tác tham mưu xây dựng, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế, kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, có trường hợp còn sơ hở, dẫn đến lãng phí, thất thoát lớn về nguồn vốn, tài sản Nhà nước, tài nguyên đất đai, khoáng sản, nguồn nhân lực”, ông Thắng nói. Ông Thắng kiến nghị nghiên cứu chế tài xử lý với tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ cần bổ sung nguồn lực kinh tế xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng đội ngũ pháp chế.

Những con số “khó có thể làm ngơ”

Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ.

Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó: năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án. Có nhiều dự án trong số 1.086 trường hợp phải xử lý hình sự, đã xét xử.

Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, Hà Nội vẫn còn 1.947 căn hộ trống chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí. TP HCM cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở, 1.274 căn hộ và 1.303 nền đất dùng làm quỹ dự phòng..

Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến. Chỉ tính riêng 7/15 địa phương đoàn giám sát làm việc có báo cáo đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt, nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015 ha. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm