Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kiểm tra đột xuất các dự án liên quan Công ty AIC và nhiều lĩnh vực “nguy cơ tiêu cực”

Hương Giang

Thứ ba, 10/10/2023 - 06:00

(Thanh tra) - Trong 26 cuộc thanh, kiểm tra do Bộ Giao thông Vận tải triển khai từ giữa năm 2022 đến nay có nhiều cuộc kiểm tra đột xuất diện rộng, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; thực hiện các dự án liên quan đến Công ty AIC…

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội. Ảnh: P.Thắng

Nội dung này được Chính phủ đề cập trong báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn liên quan lĩnh vực giao thông vận tải.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo.

Sai đến đâu xử lý ngay đến đó; làm đến cùng, có kết quả cụ thể

Liên quan đến việc siết chặt kỷ cương trách nhiệm trong công tác quản lý và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kế hoạch thanh tra và tổ chức thanh tra, kiểm tra tập trung vào những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lĩnh vực có nhiều phản ánh, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.

Tinh thần được quán triệt là “chủ động nhận diện để phòng ngừa từ sớm, từ xa; sai đến đâu xử lý ngay đến đó; phải làm đến cùng, có kết quả cụ thể”.

Từ tháng 6 năm 2022 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo triển khai 26 cuộc thanh tra, kiểm tra.

Đáng chú ý, trong đó có nhiều cuộc kiểm tra đột xuất, diện rộng, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như công tác tổ chức thực hiện một số dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; công tác điều phối giờ cất hạ cánh (slot); tổ chức thực hiện các dự án/gói thầu liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và hệ sinh thái; công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Công ty DAMCO…

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra đột xuất 9 dự án trọng điểm trong quá trình triển khai thực hiện.

Điển hình, kiểm tra về công tác chuẩn bị và triển khai dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây; Mai Sơn - Quốc lộ 45; dự án thành phần đầu tư xây dựng Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020…

“Qua thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra các tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý dự án”, báo cáo nêu, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khắc phục tồn tại, sai sót.

Đào tạo, cấp giấy phép lái xe “tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực”

Với công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, ông Thắng cho hay, Bộ Giao thông Vận tải đã phân cấp tương đối triệt để cho địa phương; đồng thời, thực hiện mạnh mẽ xã hội hóa các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe.

“Qua thanh tra, kiểm tra định kỳ và chuyên đề, cũng như nắm bắt thông tin từ dư luận xã hội, Bộ Giao thông Vận tải luôn xác định đây là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng, có nhiều diễn biến phức tạp trong thực tiễn”, báo cáo Chính phủ nêu.

Năm 2023, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã quyết định thành lập các đoàn kiểm tra toàn diện, tổng thể công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của các sở giao thông vận tải trên phạm vi toàn quốc.

Qua kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như: aviệc khai thác dữ liệu DAT để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; xét duyệt thí sinh đạt điều kiện dự sát hạch khi chưa đối chiếu đầy đủ dữ liệu qua hệ thống DAT; có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết.

Đặc biệt, qua kiểm tra đã chuyển thông tin nhiều cơ sở đào tạo lái xe nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan công an địa phương để xác minh, làm rõ, xử lý theo đúng thẩm quyền.

Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết sẽ tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nhằm kịp thời phát hiện những nội dung không còn phù hợp để đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cơ quan quản lý cũng sẽ chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; nghiên cứu giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo…

Thống kê hiện cả nước có 371 cơ sở đào tạo lái ô tô, ở 63 tỉnh, TP; 154 trung tâm sát hạch lái xe tại 57 tỉnh, TP. 6 địa phương chưa có trung tâm sát hạch lái xe gồm: Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bắc Kạn và Vĩnh Long.

Việc cấp đổi giấy phép lái xe quốc gia thực hiện theo 3 hình thức: người dân đến làm thủ tục trực tiếp hoặc đăng ký sử dụng dịch vụ công mức độ 3 hoặc sử dụng dịch vụ công mức độ 4 qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đến nay, cả nước đã cấp hơn 12,2 triệu giấy phép lái xe ô tô và hơn 51 triệu giấy phép lái xe mô tô.

Còn cấp giấy phép lái xe quốc tế, hiện đã áp dụng dịch vụ công mức độ 4 trong và cả nước đã cấp 38.931 giấy phép.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm