Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không để thanh niên “thỏa hiệp” với tham nhũng

Thứ sáu, 07/08/2015 - 08:39

(Thanh tra)- Theo các chuyên gia, để thanh niên không “nới lỏng” tính liêm chính, “thỏa hiệp” với tham nhũng (TN) rất cần quyết tâm chống TN như quyết tâm chống giặc ngoại xâm của các cấp. Cùng với đó, cần tạo ra những “sân chơi” để giúp thanh niên nâng cao khả năng đối phó với TN và khuyến khích tham gia sáng kiến phòng, chống (PC) TN…

Thanh niên tỏ ra lạc quan về vai trò của mình trong lĩnh vực PCTN với 87% số người được hỏi đồng tình với quan điểm này. Ảnh: Thảo Nguyên

87% thanh niên sẵn sàng tham gia sáng kiến PCTN

Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có thêm nhiều cam kết, hành động để giải quyết vấn nạn TN cũng như thực hiện một loạt giải pháp để nâng cao nhận thức của người dân, khuyến khích sự tham gia của xã hội vào công tác PCTN, trong đó có thanh niên. Kết quả khảo sát 1.110 thanh niên Việt Nam (trong độ tuổi 15 - 30) và 432 người lớn tuổi (nhóm đối tượng kiểm chứng, trên 30 tuổi) về tính liêm chính năm 2014 (YIS 2014) vừa được công bố cho thấy, thanh niên Việt Nam nhận thức rất rõ về những điều đúng, sai và đề cao các giá trị gắn liền với liêm chính.

Thanh niên tỏ ra lạc quan về vai trò của mình trong lĩnh vực PCTN với 87% số người được hỏi đồng tình với quan điểm này. Họ cũng sẵn sàng tham gia vào các sáng kiến PCTN hơn, trong đó các hoạt động nhận được sự hưởng ứng cao nhất là: Cam kết không gian lận tại trường học (89%), tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng (80%) và khuyến khích bạn bè không đưa phong bì hối lộ (81%). Thanh niên Việt Nam cho biết, sẵn sàng tố cáo tham nhũng với tỷ lệ 60%.

Bà Đào Nga, Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) cho biết, sáng kiến PCTN (VACI) do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hàng năm được thanh niên rất hứng khởi tham gia như sinh viên báo chí - Học viên Báo chí và Tuyên truyền hai lần được vinh danh (VACI 2013, 2014). Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng khuyến khích vì lo ngại “nhạy cảm”. “Các phụ huynh nên trở thành tấm gương cho con cái hành xử một cách liêm chính. Còn các bạn trẻ hãy chủ động tham gia, đề xuất các sáng kiến về liêm chính, PCTN và khuyến khích bạn bè cùng tham gia để học hỏi, có thêm động lực, truyền cảm hứng cho những người khác thực hành liêm chính, chống TN”, bà Nga nhấn mạnh.

Lo ngại tính liêm chính bị “nới lỏng”

Khảo sát Liêm chính trong thanh niên Việt Nam 2014 (YIS 2014) đã đưa ra những thông số đáng lo ngại. So với năm 2011, thanh niên coi trọng thu nhập của gia đình và giàu có hơn liêm chính. 41% thanh niên sẵn sàng nói dối hơn khi thu nhập gia đình, tình cảm với bạn bè, người thân bị ảnh hưởng, thậm chí 20% sẵn sàng vi phạm pháp luật để giúp đỡ gia đình hay bạn bè. 74% thanh niên không có hoặc có rất ít kiến thức về PCTN. Đánh giá thanh niên về tính liêm chính của các cơ quan cung cấp dịch vụ công cũng có xu hướng xấu đi. Hơn 1/3 số thanh niên tham gia khảo sát cho biết đã gặp hiện tượng TN khi làm việc với cảnh sát giao thông, gần 1/4 đã gặp TN trong lĩnh vực y tế và 1/5 đã gặp TN trong lĩnh vực giáo dục.

Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (đồng tác giả YIS 2014), thanh niên có vẻ dễ “thỏa hiệp” và ngày càng “nới lỏng” tính liêm chính. Họ chưa cảm nhận được những ảnh hưởng tích cực từ các chương trình giáo dục liêm chính và PCTN chính thức. Khi đứng trước lựa chọn giữa liêm chính và tình cảm với gia đình hay bạn bè, thanh niên cho rằng vi phạm liêm chính trong trường hợp này “chấp nhận được”. Hơn nữa, trong những người lựa chọn không tố cáo TN có chiều hướng bi quan hơn khi 37% cho rằng “tố cáo TN chẳng mang lại kết quả gì”, ông Giang nói.

Phải chống TN bằng quyết tâm chống giặc ngoại xâm

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, kết quả khảo sát đã phản ánh đúng thực tế cuộc đấu tranh PCTN. “Tôi có cảm tưởng chúng ta chưa quyết tâm đấu tranh PCTN như quyết tâm đấu tranh với giặc ngoại xâm. Thanh niên giảm lòng tin vào một số dịch vụ công hay dễ dàng thỏa hiệp với TN, nới lỏng những tiêu chuẩn về liêm chính cũng phản ánh thực tế đó”.

Theo GS Thuyết, để giải quyết độ “vênh”, để thanh nhiên không “nới lỏng” với liêm chính, không “thỏa hiệp” với tham nhũng phụ thuộc vào hiệu quả của công tác PCTN. “Kết quả khảo sát cho chúng ta thêm một tiếng chuông cảnh báo để các cơ quan chức năng phải hành động để bảo vệ sự liêm chính trong xã hội cũng như trong đấu tranh PCTN. Coi tham nhũng là “giặc” mà vẫn chung sống với nó thì khó lắm. Cho nên, rất cần sự quyết tâm chống TN từ lãnh đạo cao nhất. Phải xử lý đến nơi đến chốn hành vi TN với những trường hợp có vấn đề. Chỉ cần lãnh đạo cấp cao có quyết tâm thì việc gì cũng có thể làm được, đây không phải là chuyện khó, chỉ khó khi chưa thực sự quyết tâm”, GS Thuyết nhận định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng cường hiệu quả của công tác giáo dục về PCTN và liêm chính. Bà Đào Nga chia sẻ, công tác giáo dục PCTN cần lồng ghép những vấn đề liên quan đến thực tiễn như quyền và nghĩa vụ của công dân, các kênh tố cáo TN và thông tin có thể giúp nâng cao khả năng đối phó với TN của thanh niên trong các tình huống TN hàng ngày. Các dự án có sự tham gia của thanh niên được Chương trình VACI hỗ trợ rất xứng đáng được khuyến khích hơn nữa. Cùng với đó, cần có những biện pháp hạn chế tối đa cơ hội xảy ra TN trong lĩnh vực thanh niên hay tiếp cận như giáo dục, y tế, giao thông, để tăng cường niềm tin của thanh niên đối với các cơ quan Nhà nước.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ Tài chính: Tập huấn công tác kiểm tra, giám sát nội bộ

Bộ Tài chính: Tập huấn công tác kiểm tra, giám sát nội bộ

(Thanh tra) - Hôm nay (10/12), tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục Kế hoạch - Tài chính (Bộ Tài chính) chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tập huấn công tác kiểm tra, giám sát nội bộ năm 2024. Gần 100 đại biểu đại diện các tổng cục, cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tham dự.

Trần Quý

20:22 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm