Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đụng đâu cũng thấy sai phạm

Thứ ba, 15/03/2011 - 10:50

(Thanh tra)- Ngày 5/1/2010, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có Quyết định số 10/QĐ-BGTVT về việc thanh tra quản lý dự án (D.A) tuyến đường nối các huyện ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 1, do Sở GTVT Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Xét báo cáo kết quả thanh tra D.A trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Đức Thịnh đã yêu cầu xử lý một số những tồn tại, vi phạm cùng các biện pháp xử lý kỹ thuật, kinh tế, giảm trừ gần 1,746 tỷ đồng.

* Giảm trừ gần 1,746 tỷ đồng.

D.A tuyến đường nối các huyện ở Tây Thanh Hóa giai đoạn 1 đã được Bộ GTVT cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, sau đó được duyệt tại Quyết định số 1705/QĐ-BGTVT ngày 18/5/2005 (bao gồm tuyến chính dài 190 km, đi qua 5 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân và 3 tuyến đường ngang). Giai đoạn 1, D.A có tổng mức đầu tư là 1.562 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp sau thuế là trên 1.263 tỷ đồng, các chi phí khác trên 112,4 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) 44,609 tỷ đồng, dự phòng trượt giá 142,038 tỷ đồng.

Ngày 3/10/2006, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1561/TTg-KTTH về việc chuyển giao cho địa phương thực hiện, quản lý các D.A giao thông đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo đó, D.A này được chuyển từ Bộ GTVT cho UBND tỉnh Thanh Hóa. Ngày 6/10/2009, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 3466/QĐ-UBND điều chỉnh tổng mức đầu tư D.A này với 3.597 tỷ đồng, tăng 130,266% so với ban đầu; kinh phí tăng thêm trên 2.035 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây lắp tăng hơn 1.731 tỷ đồng, chi phí quản lý D.A (QLD.A), tư vấn đầu tư xây dựng khác tăng 57,4 tỷ đồng, chi phí bồi thường GPMB tăng trên 64,6 tỷ, dự phòng phí tăng gần 182 tỷ đồng.  

Kết luận thanh tra cho thấy, trong quá trình quản lý và thực hiện D.A, chủ đầu tư, các Ban Quản lý (BQL) D.A giao thông I, II, III tỉnh Thanh Hóa; các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát; các đơn vị thi công đã có nhiều cố gắng trong khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện cơ bản đúng trình tự. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sai xót ở nhiều khâu trong quá trình thực hiện. Ngoài các yếu tố khách quan như: Thay đổi các quy định về lập dự toán báo cáo nghiên cứu khả thi được lập và phê duyệt theo Thông tư 03/2005/TT-BXD, sau đó điều chỉnh theo Thông tư 07/2006/TT-BXD, Thông tư 03/2008/TT-BXD, Thông tư 09/2008/TT-BXD thay đổi do trượt giá vật liệu phải điều chỉnh lại (chủ yếu là các vật liệu như sắt, thép, xi măng, nhựa đường, cát đá); do thay đổi giá đền bù GPMB áp giá mới cao hơn so với thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi tháng 3/200, các phương án đền bù GPMB đã điều chỉnh áp dụng giá đất theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất… Nguyên nhân chủ quan cũng được nhận diện rõ: Do công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật của bên tư vấn thiết kế thiếu chính xác dẫn đến phải bổ sung khối lượng; tư vấn thiết kế chưa dự đoán được phát triển kinh tế của địa phương, chưa tính hết các biện pháp tổ chức thi công, chưa tính đến hiệu quả khai thác đồng bộ của D.A dẫn đến phải điều chỉnh một số hạng mục; do năng lực một số nhà thầu còn hạn chế, một số gói thầu bị chậm tiến độ so với hợp đồng phải gia hạn hợp đồng; do yêu cầu của địa phương dẫn đến D.A kéo dài phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2 gấp 1,66 lần so với phê duyệt ban đầu.

Hơn nữa, việc khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ bản vẽ hoàn công, công tác lập và phê duyệt dự toán thiết kế kỹ thuật, dự toán thầu… còn một số tồn tại, sai xót. Cụ thể: Gói thầu R10 (BQL D.A 18 cũ trình duyệt, sau đó chuyển về BQL D.A giao thông I); dự toán duyệt tính trùng đơn giá bốc xúc hạng mục đào đá bằng thủ công trên 205 triệu đồng; gói thầu R4 dự toán thầu đơn giá xúc đá nổ mìn đổ đi tính trùng hạng mục đào đá bằng thủ công giá trị 213 triệu đồng; gói thầu số 8 dự toán thầu đơn giá xúc đá nổ mìn đổ đi tính trùng hạng mục đào đá bằng thủ công giá trị 439 triệu đồng; gói thầu R9 dự toán thầu hạng mục đá xây vữa mác 100, rãnh đỉnh dốc nước, mái ta luy áp dụng nhầm định mức làm giá trị tăng so với giá trị kiểm tra (theo thiết kế kỹ thuật là 137 triệu đồng, theo bản vẽ thi công là 105 triệu đồng); gói thầu R5 tính giá trị phần bê tông tường chắn trong đơn giá dự thầu không tách phần bê tông thân tường và bê tông bệ móng làm giá trị tính sai là 188 triệu đồng. Về chất lượng công trình, công tác bảo đảm giao thông, tiến độ D.A và quản lý và thanh toán vốn… cũng có những tồn tại, sai xót trong công tác thủ tục hồ sơ nghiệm thu chuyển bước, nghiệm thu hoàn thành và công tác kiểm tra chất lượng hiện trường. Một số đơn vị tiến độ thực hiện D.A chậm so với hợp đồng kinh tế đã ký.

Tại Kết luận số 4019/BGTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Đức Thịnh yêu cầu Sở GTVT Thanh Hóa, các BQL D.A giao thông I, II, III rà soát lại những vị trí thi công móng đá dăm, nếu đạt chất lượng thì mới thanh toán, quyết toán cho các đơn vị thi công; nếu không yêu cầu loại khỏi công trường… Khẩn trương rà soát, thẩm định, kiểm tra và phê duyệt bản vẽ hoàn công gói thầu K1 để đẩy nhanh tiến độ thi công, làm cơ sở nghiệm thu khối lượng hoàn thành; nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra các sai xót đã nêu trên… Sở GTVT Thanh Hóa, các BQL D.A giao thông I, II, III giảm trừ số tiền trong các lần thanh toán tiếp theo gần 1,746 tỷ đồng.

           Tố Hoa

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm