Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chống lãng phí “đất vàng” - những địa chỉ cụ thể:

Dự án trung chuyển xe buýt chậm tiến độ suốt hơn một thập kỷ: Transerco nói gì?

Thanh Hoa - Đông Hà

Thứ sáu, 14/02/2025 - 22:14

(Thanh tra) - Hơn 12.750m² đất (tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) được giao cho Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) để xây dựng điểm trung chuyển và đầu cuối xe buýt, nhưng suốt nhiều năm qua, dự án vẫn "giậm chân tại chỗ".

Khu đất rộng lớn được UBND TP Hà Nội giao cho Transerco làm dự án nhưng bị chậm tiến độ hàng chục năm, gây bức xúc trong dự luận. Ảnh: C.V

Những hạng mục chính chưa được triển khai, hạ tầng xuống cấp, trong khi đất đai bị bỏ hoang, gây lãng phí nghiêm trọng. Vì sao dự án kéo dài dai dẳng? Ai chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này?

Hàng chục nghìn mét vuông đất "nằm không" chờ đợi

Dự án này được UBND thành phố Hà Nội giao và cho thuê đất từ năm 2012 với tổng diện tích 12.752m². Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, các công trình vẫn chưa hoàn thành. Một số hạ tầng ban đầu đã xuống cấp, trong khi phần lớn diện tích vẫn chưa được đưa vào khai thác hiệu quả.

Trước tình trạng chậm trễ này, ngày 18/4/2022, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội đã tiến hành rà soát và báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, cũng như các chỉ đạo xử lý liên quan đến dự án.

Đến ngày 6/1/2023, UBND thành phố Hà Nội quyết định gia hạn thời gian sử dụng đất thêm 24 tháng đối với diện tích 12.752m² bị chậm tiến độ. Khoảng thời gian này được tính từ ngày ký quyết định gia hạn.

Mặc dù đã được tạo điều kiện về thời gian, nhưng đến nay, dự án vẫn chưa có tiến triển rõ rệt. Tình trạng chậm triển khai tiếp tục kéo dài, dẫn đến việc sử dụng đất không hiệu quả và gây thất thoát nguồn lực.

Ngày 14/2/2025, ghi nhận thực tế tại dự án xây dựng điểm trung chuyển và đầu cuối xe buýt tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, cảnh tượng hoang tàn vẫn bao trùm. Không có dấu hiệu khởi công, công trình vẫn nằm im lìm sau nhiều năm chậm tiến độ.

Tường rào cũ kỹ bong tróc, cổng vào xập xệ, biển hiệu hoen gỉ theo thời gian. Trên khu đất rộng hàng chục nghìn mét vuông, chỉ có lác đác vài chiếc xe buýt cũ kỹ nằm chỏng chơ, phần lớn diện tích bị bỏ không. Một phần sân vừa mới được trải nhựa, nhưng nhiều khu vực khác lại biến thành nơi tập kết phế thải xây dựng.

Sau hơn một thập kỷ được giao đất, dự án vẫn chưa thể triển khai đúng kế hoạch, gây lãng phí nghiêm trọng tài nguyên đất đai. Câu hỏi đặt ra đầy "nhức nhối": Vì sao một dự án quan trọng cho hạ tầng giao thông công cộng lại rơi vào tình trạng “đắp chiếu” kéo dài như vậy?

Vì sao Transerco để lãng phí đất đai?

Trả lời Báo Thanh tra về tiến độ thực hiện dự án, ông Trần Phương Nam - Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Trung tâm Thương mại dịch vụ, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - cho biết đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư mới chỉ thực hiện các hạng mục cơ bản như xây dựng hàng rào, san nền và đưa một số tuyến xe buýt vào hoạt động để phục vụ trung chuyển. Tuy nhiên, các hạng mục xây dựng chính của dự án vẫn chưa được triển khai.

Nhiều khu vực bên trong dự án bị biến thành nơi tập kết phế thải xây dựng, khiến nhiều người không khỏi xót xa cho diện tích đất bị lãng phí. Ảnh: C.V

Lý giải nguyên nhân chậm trễ, ông Nam cho rằng trước đây, đề án đầu tư xây dựng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa thể triển khai thi công. Đồng thời, tại thời điểm đó, do chưa có nhu cầu sử dụng ngay, việc đầu tư sớm có thể gây lãng phí và ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước.

Hiện tại, Transerco đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính trong thời gian gia hạn sử dụng đất. Ngoài ra, công ty đang làm thủ tục xin gia hạn thêm thời gian sử dụng đất. Nếu được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, chủ đầu tư sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để triển khai dự án theo kế hoạch.

Dư luận cho rằng, việc để đất trống trong thời gian dài cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác quy hoạch và quản lý dự án. Việc dự án liên tục chậm tiến độ không chỉ gây lãng phí đất đai mà còn ảnh hưởng đến quy hoạch giao thông công cộng của thành phố. Trong bối cảnh Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, việc trì hoãn này có thể khiến kế hoạch cải thiện hạ tầng xe buýt bị gián đoạn.

Liệu hết thời gian gia hạn, dự án có thực sự được triển khai đúng tiến độ hay tiếp tục “giậm chân tại chỗ”?

Theo quy định, trường hợp hết thời gian được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Kinh phí hỗ trợ khắc phục bão số 3 được triển khai chặt chẽ, kịp thời, minh bạch

Phú Thọ: Kinh phí hỗ trợ khắc phục bão số 3 được triển khai chặt chẽ, kịp thời, minh bạch

(Thanh tra) - Đó là khẳng định của tỉnh Phú Thọ trong buổi làm việc với Đoàn Giám sát Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về việc giám sát việc quản lý, sử dụng, phân bổ kinh phí hỗ trợ Nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, nắm bắt tình hình triển khai công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ngày 20/3.

Nam Dũng

16:36 20/03/2025

Tin mới nhất

Xem thêm