Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 20/03/2023 - 11:41
(Thanh tra) - Đề cập đến bản án đã tuyên nhưng khó thu hồi tài sản, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề cập đến vụ án Ocean Bank, ông Đinh La Thăng phải đền bù 600 tỷ đồng. "Đây là bản án khó thi hành nhưng không tuyên không được. Cách nào để bản án thực thi trên thực tế thì chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp”, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng
Sáng ngày 20/3, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thu hồi tài sản tham nhũng “không bao giờ triệt để”
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đã tiến bộ, nhưng vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng của Quốc hội và người dân.
“Chánh án TAND Tối cao phối hợp với các cơ quan liên quan như thế nào để mà thu hồi tài sản tham nhũng được nhiều và đạt được theo kỳ vọng”, ông Hòa hỏi.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, việc thu hồi tài sản tham nhũng ở tất cả các nước “không bao giờ triệt để”. Tại Việt Nam, thời gian qua các cơ quan tố tụng đã phối hợp tốt nên tỷ lệ thu hồi được 40% tổng số tài sản đã tham nhũng.
“Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng”, ông Bình nói.
Theo quy định, các cơ quan chỉ được thu hồi tài sản tham nhũng khi các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát và tòa án) chứng minh được nguồn gốc tài sản là từ tham nhũng. Do đó, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử cần nâng cao và các cơ quan phải kịp thời phong tỏa tài sản có dấu hiệu tham nhũng.
Ông Bình cho hay, trên thế giới xem tham nhũng là tội đặc thù, nên bên cạnh nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản tham nhũng, họ còn có cơ chế khác là tăng nghĩa vụ giải trình của nghi can. Ví dụ, nếu như nghi can có tài sản mà không chứng minh, giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì bị xem là tài sản tham nhũng và bị tịch thu.
“Nếu chúng ta làm được điều này như các nước thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong tương lai sẽ rất cao”, Chánh án TAND Tối cao nói.
Đề cập đến bản án đã tuyên nhưng khó thu hồi được tài sản, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, có hai nguyên nhân. Một là tuyên án không rõ nên khó thi hành, tuy nhiên, tỷ lệ tuyên không rõ của các bán án đã được khắc phục rất nhiều.
Nguyên nhân thứ 2 là những bản án tuyên rõ rồi, đúng rồi, nhưng không thi hành được. Chánh án Nguyễn Hòa Bình ví dụ vụ Trustbank (Ngân hàng Xây dựng), bà Hứa Thị Phấn làm mất của ngân hàng hơn 10.000 tỷ đồng. Tòa tuyên bà Phấn bồi thường số tiền đó, nhưng tuyên xong bà Phấn chết.
“Bản án tuyên đúng pháp luật, không thể không tuyên bà Phấn phải bồi thường”, ông Bình khẳng định.
Ví dụ khác được Chánh án nêu là vụ án Ocean bank, liên quan đến ông Đinh La Thăng. Theo ông Bình, vụ án này làm mất 800 tỷ, trách nhiệm dân sự các bị cáo trong vụ án phải chia đều theo thị phần bồi thường 800 tỷ đó.
“Ông Đinh La Thăng phải đền bù 600 tỷ, đã đi tù rồi. Đây là bản án khó thi hành nhưng không tuyên không được. Cách nào để bản án thực thi trên thực tế thì chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp”, ông Bình cho hay.
Xác định nguồn gốc tài sản tham nhũng “phức tạp”
“Chia lửa” cùng Chánh án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là một trong những trọng tâm, nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra trong ngành tư pháp nói chung, cơ quan thi hành án dân sự nói riêng.
Thời gian qua, nhờ thực hiện nhiều biện pháp, tỷ lệ đạt được “khá tích cực”.
Ông Long ví dụ, trong 5 tháng (bắt đầu từ tháng 10/2022 - đến nay) đã thu hồi được trên 17 nghìn tỷ đồng. Xét về số lượng tuyệt đối thì tăng gần 12 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Tư pháp thừa nhận, còn khá nhiều vấn đề đặt ra. Đó là, khó khăn từ bản thân vụ án như tài sản trong các vụ án lớn, nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trên phạm vi cả nước.
Phức tạp thứ 2 là nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian làm rõ.
Thứ 3 là có trường hợp phải xác minh tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng, tài sản của người phạm tội, người ngay tình đến mức nào…
Ông Long cho hay, thời gian tới sẽ thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Cạnh đó, Bộ trưởng Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát. "Chúng ta có nhiều mắt tập trung vào đây thì việc tẩu tán, dấu tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng sẽ giảm đi”, ông Lê Thành Long nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.
Phương Anh
06:00 22/11/2024(Thanh tra) - Ngày 21/11, Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội nghị tập huấn thông tin về tài chính công, kiểm toán tài chính công cho đội ngũ phóng viên chuyên trách đưa tin hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, nhằm trang bị kiến thức, thông tin về hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Hoàng Nam
20:19 21/11/2024Trần Kiên
20:01 21/11/2024Thu Huyền
16:26 21/11/2024Trung Hà
10:00 21/11/2024Hương Giang
Trần Trung
Thái Hải
Hương Giang
Ngọc Phó
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Thanh Lương
Thái Hải
Thái Hải
LA