Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 2: Thanh tra xông pha nơi chiến trận

Đỗ Phú Thọ - Diệu Anh

Thứ ba, 30/04/2024 - 14:54

(Thanh tra) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “thanh tra là nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng, nó theo dõi, xem xét chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ.” Trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, ngành Thanh tra luôn ở vị trí xông pha trên trận địa.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tại buổi thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: IT

Theo Luật Thanh tra năm 2022,  thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động thanh tra bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Thanh tra hành chính là thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước. Thanh tra chuyên ngành là thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực.

 Thanh tra Chính phủ (TTCP) là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Mục đích hoạt động thanh tra là phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, trong những năm qua, TTCP và toàn ngành Thanh tra đã giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, trên mặt trận phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ngành Thanh tra đã luôn ở vị trí xung kích, tiên phong, xông pha nơi chiến trận ác liệt.

Trong đó, TTCP có vai trò tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản về phòng chống tham nhũng. Với chức năng này, TTCP có trách nhiệm xây dựng văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật PCTN trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Đồng thời, TTCP cũng soạn thảo các dự thảo luật về PCTN trình Quốc hội.

TTCP là cơ quan đầu mối xây dựng hệ thống dữ liệu chung về PCTN và có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Chính phủ về kết quả công tác PCTN. Theo quy định của Luật PCTN, TTCP có trách nhiệm xây dựng hệ thống dữ liệu chung về PCTN góp phần phục vụ nghiên cứu, đánh giá, dự báo về tình hình tham nhũng, xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về PCTN, giúp cơ quan thanh tra điều tra, kiểm toán và phát huy tối đa hiệu quả sức mạnh của cả hệ thống chính trị và xã hội trong cuộc đấu tranh PCTN. Thông qua kết quả báo cáo, TTCP tham mưu, đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, ban hành các quyết định và những văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với đòi hỏi của thực tế. Bên cạnh đó, TTCP có trách nhiệm giúp Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực xây dựng báo cáo hằng năm về PCTN trong phạm vi cả nước, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng theo quy định của Chính phủ.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về PCTN, TTCP tham gia tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật PCTN với nhiều bộ, ngành, địa phương. Thực hiện tốt công tác này góp phần quan trọng nâng cao các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trên cơ sở đó tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

TTCP cũng thực hiện vai trò PCTN của mình thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN của cơ quan thuộc quyền quản lý của Chính phủ. Thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra của mình, TTCP xem xét, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý, bao gồm các nội dung: Công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; minh bạch tài sản, thu nhập; các quy định khác của pháp luật về PCTN. Ngoài ra, thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra này, TTCP còn xem xét, kết luận về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Bên cạnh đó, TTCP còn tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN của các cơ quan thanh tra nhà nước. TTCP tổ chức các cuộc thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chỉ tính riêng trong năm 2023 vừa qua, TTCP đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo đúng tinh thần các nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 257.703 tỷ đồng, 616 ha đất. Kiến nghị thu hồi 188.607 tỷ đồng và 166 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 69.096 tỷ đồng, 451 ha đất. So với cùng kỳ năm 2022, số tiền sai phạm được phát hiện qua hoạt động thanh tra tăng gần 200%, số tiền kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước tăng hơn 600%.

Về công tác tiếp công dân, trong năm có 362.883 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, có 3.532 đoàn đông người. Các cơ quan đã tiếp nhận 422.601 đơn các loại; đã giải quyết 88,4% số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Riêng về khiếu nại, đã giải quyết 88,9% số vụ việc thuộc thẩm quyền, bảo vệ quyền lợi cho 20 tổ chức, 226 cá nhân; trả lại cho các tổ chức, cá nhân 132,9 tỷ đồng, 8,7 ha đất; kiến nghị xử lý 38 người. Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 86,8% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền; kiến nghị thu hồi cho nhà nước 57,2 tỷ đồng, 0,5 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 8 tập thể, 870 cá nhân. Tình trạng các đoàn khiếu kiện đông người tại trụ sở các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã giảm rõ rệt và được kiểm soát.

Trong công tác PCTN, ngành Thanh tra đã đẩy mạnh công tác phòng ngừa thông qua thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp. Trong năm, toàn ngành phát hiện 114 vụ việc, 176 người tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 22 vụ, 35 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra phát hiện 54 vụ, 97 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 38 vụ, 44 người.

Cũng trong năm 2003 vừa qua, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Tổng TTCP đã ký Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Công ước ghi nhận tính chất nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng và những hậu quả tiêu cực của tham nhũng đối với các giá trị dân chủ, nguyên tắc pháp quyền và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia cũng như cộng đồng  quốc tế. Các quốc gia cần quyết tâm phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng bằng hệ thống các biện pháp toàn diện, đa dạng và hữu hiệu. Đồng thời, các quốc gia là thành viên của Công ước cần tăng cường hợp tác quốc tế về PCTN thông qua hợp tác điều tra, truy tố, trao đổi thông tin thu hồi tài sản, trợ giúp kỹ thuật, gồm cả hỗ trợ tăng cường năng lực xây dựng thể chế. Mục đích của việc thực hiện Công ước là hình thành một khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác các quốc gia trong hoạt động PCTN thông qua hệ thống các biện pháp phòng, ngừa chống hữu hiệu.

TTCP phối hợp với các cơ quan chức năng khác thực hiện áp dụng Công ước trên tất cả các lĩnh vực của công tác PCTN, gồm: Phòng ngừa, điều tra, truy tố tham nhũng và việc phong tỏa, tạm giữ, tịch thu, hoàn trả tài sản có được do phạm tội quy định trong Công ước. Điều này phản ánh mong muốn của TTCP nói riêng và cả một hệ thống chính trị Việt Nam nói chung trong việc xây dựng, thực thi Công ước như một công cụ PCTN toàn diện, có hệ thống, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh PCTN của mỗi quốc gia cũng như từng khu vực và trên toàn thế giới.

Việc ký Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng của chúng ta là đòn chí tử giáng vào các thế lực thù địch với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về công tác PCTN của Đảng và Nhà nước ta./.

Bài 3: Cần thay đổi phương thức tác chiến

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.

Phương Anh

06:00 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm