Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thu hồi 730 tỷ trong vụ tham nhũng tại Bộ Xóa đói giảm nghèo

Ngọc Anh

Thứ ba, 16/04/2024 - 21:35

(Thanh tra) - Cơ quan chống tham nhũng của Nigeria đã thu hồi được 28,88 triệu USD (tương đương 730 tỷ đồng) sau khi mở cuộc điều tra về cáo buộc gian lận tại Bộ Các vấn đề Nhân đạo và Xóa đói giảm nghèo.

Ảnh minh họa: AFP

Hãng tin Reuters ngày 15/4 cho biết, Ủy ban Tội phạm Kinh tế và Tài chính Nigeria (EFCC) đang tiến hành điều tra các vụ bê bối xảy ra tại Bộ Các vấn đề Nhân đạo và Xóa đói giảm nghèo, liên quan trực tiếp đến 3 người phụ nữ khá quyền lực, trong đó có Bộ trưởng Betta Edu.

Hồi tháng 1 năm nay, nữ Bộ trưởng Betta Edu đã bị Tổng thống Bola Tinubu đình chỉ công tác sau các cáo buộc lạm dụng chức vụ, gian lận.

Người phát ngôn của EFCC, ông Dele Oyewale, cho biết trong một tuyên bố rằng, cuộc điều tra do Tổng thống Bola Tinubu yêu cầu đã phát hiện ra một "hệ thống và mạng lưới phức tạp các hành vi gian lận".

Theo ông Oyewale, đến nay, 32,7 tỷ Naira (28,43 triệu USD) và 445.000 USD đã được thu hồi trong quá trình điều tra hoạt động của các lãnh đạo Bộ trước đây cũng như quan chức bị đình chỉ.

“Các cuộc điều tra đang diễn ra và tiến triển đều đặn”, ông Oyewale nói.

Tuần trước, EFCC cho biết đang điều tra 50 tài khoản ngân hàng liên quan đến 30 tỷ Naira đã được thu hồi trong bê bối tham nhũng tại Bộ Các vấn đề Nhân đạo và Xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh Bộ trưởng Betta Edu, 2 người phụ nữ quyền lực khác bị điều tra là người tiền nhiệm của bà Edu (Sadiya Umar-Farouq), và bà Halima Shehu - điều phối viên của Chương trình Đầu tư Xã hội Quốc gia (tổ chức trực thuộc Bộ Các vấn đề Nhân đạo và Xóa đói giảm nghèo).

Bà Edu đã bị chỉ trích sau khi một bản ghi nhớ bị rò rỉ vào ngày 20/12/2023, tiết lộ rằng bà đã chỉ đạo Tổng Kế toán Liên bang Oluwatoyin Madein, chuyển 585 triệu Naira sang tài khoản riêng thuộc sở hữu của Oniyelu Bridget, người đang giữ chức vụ kế toán dự án tài trợ cho các nhóm dễ bị tổn thương.

Bà Betta Edu đã bị cơ quan chống tham nhũng thẩm vấn. Bộ trưởng khẳng định, khoản thanh toán 585 triệu Naira là dành cho các nhóm dễ bị tổn thương ở bang Akwa Ibom, Cross River, Ogun và Lagos, đồng thời mô tả các cáo buộc chống lại mình là vô căn cứ.

Trợ lý Truyền thông của Bộ trưởng, Rasheed Olarewaju, cho biết trong một tuyên bố rằng, việc các khoản thanh toán như vậy được chuyển vào tài khoản riêng của các nhân viên, đặc biệt là kế toán dự án là hợp pháp trong cơ quan.

Ủy ban Tội phạm Kinh tế và Tài chính Nigeria (EFCC) là cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra và truy tố tội phạm tham nhũng tại Nigeria. Ảnh: punchng

EFCC mới đây cho biết, đang kiểm tra khả năng sử dụng sai mục đích Quỹ Phòng chống dịch Covid-19, khoản vay của Ngân hàng Thế giới và số tiền thu hồi được từ cựu Tổng thống Sani Abacha, vốn được phân bổ cho Bộ Các vấn đề Nhân đạo và Xóa đói giảm nghèo ở quốc gia đông dân nhất châu Phi.

Người phát ngôn của EFCC nói, cuộc điều tra mở rộng ra các cá nhân, liên quan đến nhiều ngân hàng được cho là đã tạo điều kiện cho hành vi gian lận.

“Các ngân hàng liên quan đến cáo buộc gian lận đang bị điều tra. Giám đốc điều hành các ngân hàng bị truy tố đã đưa ra những lời khai hữu ích cho cơ quan điều tra”, theo ông Oyewale.

Nigeria đã phải vật lộn nhiều thập kỷ với nạn tham nhũng tràn lan trong giới quan chức cấp cao. Mặc dù là nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu và là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, quốc gia này vẫn phải chịu cảnh nghèo đói tràn lan, điều mà nhiều người Nigeria đổ lỗi cho giới tinh hoa chính trị, Hãng tin Reuters bình luận.

EFCC mới đây đã kêu gọi cơ quan tư pháp và Quốc hội hỗ trợ Ủy ban trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm