Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thiệt hại do tham nhũng trong lĩnh vực y tế là 455 tỷ USD/năm

Hoài Phương

Thứ ba, 08/03/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thu hẹp bất bình đẳng thu nhập, giảm thiểu tham nhũng và định hướng mở rộng dân số tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản sẽ giúp thúc đẩy hiệu quả của hoạt động chăm sóc sức khỏe ở các nước.

Ảnh minh họa: BBC

Cần sử dụng hiệu quả nguồn lực dành cho y tế trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu tăng cao

Theo IMF, nhu cầu tăng chi tiêu cho y tế đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Các quốc gia cần thêm nguồn lực y tế không chỉ để ứng phó với đại dịch COVID-19 mà còn để thu hẹp khoảng cách trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về y tế ở hầu hết các nước mới nổi và đang phát triển; và để phục vụ nhóm dân số già, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến.

Bên cạnh vấn đề không gian tài chính hạn chế để tăng chi tiêu cho y tế trong bối cảnh dịch bệnh, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung chú ý vào việc đảm bảo rằng các nguồn lực quan trọng này được sử dụng một cách hiệu quả.

Tình trạng khẩn cấp về y tế trong đại dịch COVID-19 đã nâng cao nhận thức toàn cầu rằng, có sự khác nhau giữa các quốc gia về khả năng đáp ứng các lời kêu gọi tăng chi tiêu cho y tế.

Một số nền kinh tế tiên tiến đã tăng chi tiêu cho y tế trung bình 1,5% GDP vào năm 2020, trong khi mức tăng bình quân là 0,9% GDP cả ở các thị trường mới nổi và ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, mức tăng ngân sách này vẫn chưa đáp ứng đủ so với mức chi tiêu y tế bổ sung ước tính cần thiết để chống lại đại dịch, bao gồm sản xuất và phân phối vắc xin, phương pháp điều trị và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe…

Trong khi đó, thất thoát do tham nhũng trong lĩnh vực y tế vẫn là vấn đề nhức nhối với 455 tỷ USD bị mất đi mỗi năm.

Trong tài liệu có tiêu đề “Các mô hình và động lực thúc đẩy hiệu quả chi tiêu cho y tế”, do IMF phát hành ngày 4/3, đã đề cập đến một nghiên cứu trước đó của quỹ cho thấy, các nước đang phát triển có thu nhập thấp sẽ cần tăng trung bình chi tiêu cho y tế hàng năm lên 4,6% GDP vào năm 2030 để đáp ứng SDG3 về y tế, trong khi các thị trường mới nổi yêu cầu mức tăng thấp hơn.

Tài liệu đã tìm thấy mối tương quan giữa mức chi tiêu cho y tế và tác động sức khỏe (tuổi thọ và chỉ số tổng hợp của sức khỏe). Tuy nhiên, điều mang tính quyết định không phải là chi tiêu nhiều hay ít, mà là chi tiêu hiệu quả.

Một tính toán của IMF đã cho thấy mức chi tiêu y tế không phù hợp ở các quốc gia trên thế giới. Do không gian tài khóa hạn chế và các rào cản đối với việc phân bổ lại chi tiêu, hiệu quả chi tiêu cho y tế trở thành vấn đề mang tính cốt lõi. Chi tiêu không hiệu quả dẫn đến các chỉ số sức khỏe kém hoặc chi tiêu cao không cần thiết.

IMF khẳng định, nếu vấn đề không được cải thiện, con đường để đạt được SDG3 về sức khỏe sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tài liệu của IMF cũng cho thấy, các nền kinh tế tiên tiến là nhóm chi tiêu hiệu quả nhất. Các nước đang phát triển có thu nhập thấp và khu vực châu Phi cận Sahara, bị giảm tuổi thọ nhiều nhất (trung bình lần lượt là 8,2 và 10,5 năm) do sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực y tế. Các thị trường mới nổi cũng như khu vực Caucasus và Trung Á chịu sự thất thoát tài nguyên y tế lớn nhất - lần lượt là 1,4 và 1,9% GDP.

Hành đng nhiều hơn nữa

Mặc dù phần lớn hệ thống y tế của các quốc gia đã trở nên hoạt động hiệu quả hơn trong khoảng một thập kỷ (từ 2007 - 2017) với sự gia tăng nguồn lực và tiến bộ công nghệ, nhưng cần phải hành động nhiều hơn nữa để lấp đầy những lỗ hổng vẫn còn tồn tại.

Việc hướng quỹ y tế nhiều hơn vào việc bao phủ sức khỏe toàn dân đối với các dịch vụ thiết yếu là quan trọng vì nó làm tăng đáng kể hiệu quả tổng thể của chi tiêu y tế, đặc biệt là đối với nhóm các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển có thu nhập thấp - nơi các dịch vụ y tế cơ bản thiết yếu tương đối kém.

Bên cạnh đó, theo IMF, việc giải quyết bất bình đẳng thu nhập tổng thể và kiểm soát tham nhũng có tác động đến việc khắc phục tình trạng chi tiêu y tế kém hiệu quả. Cụ thể, việc cải thiện hệ số Gini (hệ số dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước) của các nước đang phát triển có thu nhập thấp lên mức 75 (mức 100 được xác định là quốc gia bình đẳng nhất) sẽ giúp nhóm này tăng tuổi thọ thêm 2,1 năm; và việc tăng chỉ số kiểm soát tham nhũng của các thị trường mới nổi lên mức 75 sẽ cho phép các quốc gia tiết kiệm 0,27% GDP chi tiêu cho y tế, trong khi vẫn duy trì hiệu quả chăm sóc sức khỏe như cũ.

Tài liệu của IMF cũng đưa ra một số động lực chính nhằm thúc đẩy hiệu quả chi tiêu cho y tế và nhận thấy rằng, giảm bất bình đẳng thu nhập, ít tham nhũng hơn và các can thiệp y tế theo định hướng mở rộng dân số tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản sẽ giúp giải quyết vấn đề.

Phạm vi bao phủ của dân số với dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, bao gồm gói tối thiểu (các dịch vụ phòng ngừa, điều trị và phục hồi) được mở rộng, có thể mang lại hiệu quả cao trong việc giải quyết các nguyên nhân quan trọng nhất của bệnh tật và sức khỏe. Do đó, việc phân bổ một phần tương đối lớn hơn các nguồn lực y tế cho phạm vi bao phủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu có thể góp phần đạt được tuổi thọ cao hơn trong một phạm vi tổng chi tiêu y tế nhất định.

Bất bình đẳng kinh tế cũng có thể hạn chế việc chuyển đổi hiệu quả các nguồn tài chính được phân bổ cho lĩnh vực y tế thành tuổi thọ cao hơn. Phân phối không bình đẳng dẫn đến tỷ lệ người nghèo nhiều hơn; sinh kế, nơi ở và các vấn đề khác của nhóm dân cư nghèo có thể khiến họ dễ bị ốm đau, thương tật và rút ngắn cuộc sống. Do đó, IMF nhấn mạnh vào việc giải quyết bất bình đẳng một cách hiệu quả.

Nghiên cứu đã tìm thấy nhiều bằng chứng về tác động ăn mòn của quản trị kém và tham nhũng đối với hiệu quả cung cấp dịch vụ, từ đó cản trở tăng trưởng và phát triển.

Trong lĩnh vực y tế nói riêng, ước tính khoảng 455 tỷ USD chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu đã bị mất mỗi năm do tham nhũng. Sự phức tạp của các hệ thống chăm sóc sức khỏe, các bên liên quan và các điểm thông tin bất cân xứng khác nhau làm gia tăng nhiều loại cơ hội tham nhũng trong chăm sóc sức khỏe.

Các lợi ích đặc biệt là miếng bánh béo bở cho những cá nhân, tổ chức khi chuyển hướng quỹ chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo những cách thức đi ngược với sự công bằng và hiệu quả của các nguồn lực y tế. Do người nghèo ít có khả năng đưa hối lộ để được điều trị cần thiết, nên các dịch vụ chăm sóc hợp lý có nhiều khả năng không được hỗ trợ cho các nhóm yếu thế khi nạn tham nhũng phổ biến.

Thúc đẩy giáo dục có thể nâng cao việc đạt được các kết quả sức khỏe với mức chi tiêu thậm chí thấp hơn, vì nó làm tăng các hành vi cá nhân hỗ trợ sức khỏe bao gồm cả trong các dịch vụ chăm sóc dự phòng, điều này sẽ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Do đó, đầu tư lớn hơn cho giáo dục cũng là vấn đề cấp thiết, theo IMF.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm