Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thế giới đón năm mới 2021 theo cách chưa từng có

Thứ sáu, 01/01/2021 - 06:31

(Thanh tra)- Không năm nào mà người ta muốn nói lời tạm biệt hơn năm 2020, điều này làm cho lễ kỷ niệm Giao thừa năm nay trở nên sâu sắc hơn nhiều. Bởi COVID-19, chúng ta có thể không đón năm mới theo cách long lanh, đông đúc như chúng ta vẫn quen, nhưng thế giới sẽ có một Giao thừa thực sự đáng nhớ, một cách đón năm mới chưa từng có tiền lệ...

Chào đón năm 2021 với những người thân trong gia đình để được an toàn với COVID-19. Ảnh: LEO PATRIZI/GETTY IMAGES

Một năm đáng tạm biệt nhất

Năm 2020, thế giới đã trải qua nhiều ngày đêm phố phường trầm lắng, các hoạt động đóng băng, chỉ có những tiếng còi cấp cứu hú dài hối hả và các bác sỹ căng mình quên ăn, quên ngủ trên tuyến đầu chống dịch.

Đọng lại trong ký ức mỗi chúng ta là những lời hát cất lên từ ban công của các hộ gia đình tìm cách giao lưu từ xa trong thời gian giãn cách xã hội, những buổi họp trực tuyến, những lớp học online, những buổi đoàn tụ qua màn ảnh nhỏ...

Một năm qua, đại dịch COVID-19 đã cướp đi nhiều sinh mạng, để lại những tổn thất nặng nề trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội mà phải mất nhiều năm sau mới có thể khắc phục được... Đó thực sự là một năm mà người ta muốn nói lời tạm biệt nhất.

Trung Quốc: Người dân Vũ Hán chia sẻ ký ức về phong tỏa, hy vọng vào năm mới

Tại Vũ Hán, Trung Quốc - tâm chấn đầu tiên của đợt bùng phát COVID-19, cư dân của thành phố đang trở lại cuộc sống bình thường, nhưng những ký ức về đợt bùng phát ban đầu, gây ra nỗi sợ hãi vẫn tiếp tục ám ảnh họ.

Ngày hôm nay, các nhà hàng, những con phố mua sắm và quán bar trở nên đông đúc. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn đang phải trải qua tác động lâu dài của việc phong tỏa đối với sức khỏe, tinh thần và công việc.

Khi năm mới cận kề, thành phố kỷ niệm tròn 1 năm bùng phát dịch bệnh (31/12/2019 - 31/12/2020), cũng là lúc người dân khắp Vũ Hán hồi tưởng lại những hình ảnh, khoảnh khắc không thể nào quên mà họ đã trải qua. Họ cũng chia sẻ sự lạc quan dù trong giai đoạn khó khăn nhất của thành phố và bày tỏ hy vọng năm 2021 sẽ là một năm tươi sáng.

Duan Ling, 36 tuổi và chồng - bác sỹ Fang Yushun, đi bộ trên phố, gần 1 năm sau khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

An Junming là một tình nguyện viên Vũ Hán đã hoạt động miệt mài trong suốt 76 ngày bị phong tỏa nghiêm ngặt của thành phố. Anh làm công việc giao thực phẩm cho những người bị mắc kẹt trong nhà của họ.

“Có thể nói rằng, vào năm 2020, không có người trên đường phố của toàn bộ Vũ Hán, chỉ có động vật hoạt động ở bên ngoài", An Junming nhớ lại và cho biết, lúc đó, anh chỉ được ăn 1 bữa trong ngày, vì quả thực rất nhiều việc phải làm, trong khi số tình nguyện viên lại rất ít...

"Tôi hy vọng rằng, toàn bộ thành phố sẽ thịnh vượng vào năm 2021", An Junming chia sẻ.

Trong khi đó, Zhang Xinghao, ca sĩ chính nhóm nhạc Mad Rat ở Vũ Hán cho biết, dịch bệnh đã khiến anh suy ngẫm về rất nhiều điều, "đây là lần đầu tiên trong đời tôi trải qua một thảm họa như vậy... Trên thực tế, tôi nghĩ con người chúng ta khá mong manh”.

Cũng chiêm nghiệm về cuộc sống này, Lai Yun, 38 tuổi, chủ một nhà hàng Nhật Bản ở Vũ Hán cảm thấy thời gian trôi thật nhanh, "giống như việc đóng cửa thành phố chỉ như mới ngày hôm qua... Tôi nghĩ nguồn cảm hứng mà COVID-19 mang lại cho chúng ta là một cơ thể khỏe mạnh quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác”...

Nhật Bản: Các đền thờ Thần đạo áp dụng biện pháp chống dịch trước thềm năm mới

Người dân Nhật Bản thường đến đền thờ và chùa vào đêm Giao thừa, nhiều nơi mở cửa suốt đêm để khách rung chuông cầu may mắn cho năm mới. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, các đền thờ trên khắp đất nước mặt trời mọc đã đồng loạt áp dụng những biện pháp để hạn chế rủi ro lây nhiễm COVID-19.

Sau khi xuất hiện dịch COVID-19, nhiều đền thờ Thần đạo và đền thờ Phật giáo đã tháo muôi hishaku (muôi múc nước làm bằng tre) để rửa tay và dây suzunoo để rung chuông, vì lo ngại du khách bị nhiễm có thể lây lan virus sang người khác khi tiếp xúc với các vật dụng đó.

Vào tháng 6, đền Yasaka ở Kyoto đã thay thế suzunoo bằng một chiếc loa phát âm thanh chuông khi du khách đưa tay qua một cảm biến.

Tuy nhiên, ngôi đền đã xem xét loại bỏ loa trong dịp năm mới, vì tính năng mới này có thể thu hút du khách đến trải nghiệm và tăng nguy cơ lây nhiễm.

Đền Yasaka ở Kyoto đã thay thế dây suzunoo bằng một chiếc loa phát ra âm thanh của chuông khi du khách đưa tay qua một bộ cảm biến. Ảnh: KYODO/ Japantimes

Trong khi đó, đền Ikuta ở Kobe đã giới thiệu một hệ thống giảm thiểu sự tiếp xúc đối với thẻ vận may omikuji. Thay vì rút các thẻ đánh số từ hộp, du khách có thể quét mã QR bằng điện thoại thông minh của mình để rút một số ảo, sau đó nhận thẻ vận may bằng giấy từ nhân viên của đền.

Lo ngại việc đổ xô đến thăm đền thờ trong những ngày lễ có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus corona, đền Meiji tại Tokyo - một trong số những ngôi đền Thần đạo nổi tiếng nhất của Nhật Bản đã quyết định đóng cửa.

Đền Meiji là địa điểm đông khách bậc nhất khi thu hút khoảng 3,1 triệu người chỉ trong 3 ngày đầu năm.

Đây là lần đầu đền Meiji đóng cửa, không tổ chức lễ đón năm mới kể từ sau Thế chiến II.

Bên cạnh đó, nhiều địa điểm tôn giáo cũng kêu gọi tín đồ và khách tham quan đặt vé hoặc đến thăm trước đêm Giao thừa. Một số đền thờ thực hiện phân phát các vật phẩm cầu may cho năm 2021 trước ngày đầu năm mới.

Kashima Jingu, một ngôi đền ở Kashima, tỉnh Ibaraki, kêu gọi mọi người không đặc biệt đến thăm chỉ vào 3 ngày đầu tiên của năm mới mà hãy trải dài các chuyến thăm của họ trong 33 ngày đầu năm 2021, đến hết ngày 2/2.

Châu Âu đón năm mới với những quy tắc đặc biệt

Những lo lắng về sự gia tăng các ca mắc trong dịp Giáng sinh, năm mới đã khiến nhiều quốc gia châu Âu thắt chặt các hạn chế.

* Tại Hà Lan, đợt phong tỏa thứ hai bắt đầu vào ngày 22/12 và kéo dài trong ít nhất 5 tuần.

Các hộ gia đình ở Hà Lan không được phép có nhiều hơn 2 khách trên 13 tuổi tới nhà và tất cả địa điểm công cộng, bao gồm cả tiệm làm tóc và trung tâm chăm sóc ban ngày, phải đóng cửa cho đến ngày 19/1.

Mọi người mua sắm Giáng sinh ở thành phố Eindhoven trước những hạn chế mới ở Hà Lan. Ảnh: Sky News

Các trường học đóng cửa cho đến ngày 18/1 và mọi người được khuyến cáo ở nhà, không đi làm và tránh tiếp xúc với người khác càng nhiều càng tốt.

Từ ngày 24 - 26/12, mỗi hộ gia đình được phép có 3 khách tới thăm.

* Thụy Điển là quốc gia phản đối áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, nhưng dịp Noel, năm mới 2021, nước này cũng đã phải đưa ra những hạn chế được cho là ngặt nghèo nhất.

Từ ngày 18/12, tất cả các nơi làm việc công cộng không thiết yếu, phòng tập thể dục, hồ bơi và thư viện phải đóng cửa và được mở cửa trở lại vào ngày 24/1.

Mọi người dân Thụy Điển phải đeo khẩu trang trong giờ cao điểm trên các phương tiện giao thông công cộng.

Chỉ có 4 người có thể gặp nhau bên trong một nhà hàng, nhưng các trường học được thông báo là vẫn mở cửa - ngoài kỳ nghỉ Giáng sinh - cho đến ít nhất là ngày 24/1.

* Ở Thụy Sĩ, từ ngày 22/12, tất cả nhà hàng, quán bar, địa điểm văn hóa và cơ sở thể thao phải đóng cửa trong 1 tháng.

Các khách sạn vẫn được phép mở cửa và các cửa hàng bán đồ ăn mang đi có thể tiếp tục hoạt động.

Tuy nhiên, các cửa hàng phải đóng cửa lúc 7 giờ tối và hoàn toàn không mở cửa vào Chủ nhật.

26 bang của Thụy Sĩ có thể xem xét quyết định có mở các khu trượt tuyết hay không.

Tối đa 5 người từ 2 hộ gia đình khác nhau có thể tập trung trong nhà từ ngày 24 - 26/12 và vào ngày 31/12 để mừng năm mới.

* Tại Bỉ, các hộ gia đình chỉ được phép tiếp xúc gần với 1 người khác ngoài gia đình mình vào dịp Giáng sinh.

Những người sống một mình có thể gặp gỡ với 2 người khác.

Pháo hoa bị cấm vào đêm Giao thừa và du lịch nước ngoài bị ngăn cản mạnh mẽ.

* Ở Cộng hòa Séc, các nhà hàng, khách sạn và địa điểm thể thao trong nhà phải đóng cửa từ ngày 25/12.

Các cuộc tụ tập được giới hạn 6 người ở cả trong nhà và ngoài trời, và lệnh giới nghiêm áp dụng trên toàn quốc từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng.

Các trường học cũng đóng cửa sớm vào dịp Giáng sinh, mặc dù các cửa hàng vẫn mở cửa.

* Nước Đức thực hiện một đợt phong tỏa nghiêm ngặt bắt đầu vào ngày 23/12, với các trường học và cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa trong suốt Giáng sinh và năm mới.

Trước đó, Đức đã áp dụng phong tỏa nhẹ kể từ đầu tháng 11, với các quán bar, nhà hàng và điểm du lịch phải đóng cửa, nhưng vẫn được phép mua sắm và giáo dục.

Thành phố Dresden trong lệnh phong tỏa ngặt nghèo của Đức. Ảnh: Sky News

Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng, việc mua sắm vào dịp Giáng sinh là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng "đáng kể" các mối quan hệ xã hội, khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Các hạn chế mới sẽ kéo dài đến ngày 10/1 nhưng lại được nới lỏng một chút từ ngày 24 - 26/12, với giới hạn 10 người, nhưng Thủ tướng Đức khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà trong 1 tuần trước đó.

Không được uống rượu ở nơi công cộng và việc bắn pháo hoa trước giao thừa cũng bị cấm. Trong khi đó, các cuộc tập trung tôn giáo được cho phép, nhưng chỉ khi mọi người tuân thủ giữ khoảng cách 1,5m và không hát.

* Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng cho đến giữa tháng 1, ngoài đêm Giáng sinh, trong bối cảnh Pháp là nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất châu Âu.

Bảo tàng, nhà hát và rạp chiếu phim cũng như các nhà hàng, quán bar, quán cà phê đóng cửa ít nhất đến tháng 1.

Pháp dỡ bỏ những hạn chế nghiêm ngặt nhất trước Giáng sinh. Ảnh: Sky News

Tối đa 6 người lớn được phép tập trung ở trong một nhà.

Các khu nghỉ mát trượt tuyết của Pháp tiếp tục đóng cửa và được phép mở cửa trở lại vào tháng 1 "trong điều kiện thuận lợi".

* Tại Tây Ban Nha, từ ngày 23/12 đến 6/1, mọi người được phép đi du lịch giữa các vùng trong nước, nhưng chỉ để thăm bạn bè và gia đình.

Các cuộc tụ tập xã hội vào đêm Giáng sinh, ngày Giáng sinh, đêm Giao thừa và ngày Tết Dương lịch được giới hạn cho 10 người - bao gồm cả trẻ em.

Các khu nghỉ mát trượt tuyết ở Tây Ban Nha đã mở cửa trở lại trước Giáng sinh. Ảnh: Sky News

Giờ giới nghiêm, kéo dài từ 10 giờ tối đến nửa đêm tùy theo khu vực, được lùi lại đến 1 giờ 30 sáng vào đêm Giáng sinh và đêm giao thừa.

Các chính quyền khu vực có quyền cứng rắn hơn với các quy định này.

*Người dân Italy bị cấm đi du lịch bất cứ nơi nào trong khoảng thời gian từ 24 - 27/12, 31/12 - 3/1, và 5 - 6/1.

Các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa trong thời gian đó, tất cả quán bar và nhà hàng đóng cửa từ ngày 21/12 đến ngày 6/1.

Các cửa hàng được phép mở cửa từ ngày 28 - 30/12 và vào ngày 4/1. Thời gian này, mọi người cũng được tự do rời khỏi nhà.

Các nhà thờ vẫn mở cửa, nhưng thánh lễ truyền thống lúc nửa đêm không được diễn ra trong năm nay.

Đường phố Bologna chật cứng trước lệnh cấm đi lại giữa các vùng của Italy. Ảnh: Sky News

Thủ tướng Giuseppe Conte mong muốn, người Italy có một "Giáng sinh đúng mức hơn, không có những cuộc tụ họp, ôm và hôn trong đêm Giáng sinh".

Rome cũng áp đặt "khu vực đỏ" phong tỏa từ đêm Giáng sinh cho đến ít nhất là ngày 2/1, với lệnh giới nghiêm ban đêm được kéo dài, cấm di chuyển không cần thiết và các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa.

Italy hiện vẫn là quốc gia có số người chết cao nhất kể từ cuối tháng 3.

* Áo bắt đầu đợt phong tỏa lần thứ ba vào đêm Giáng sinh, kéo dài đến ngày 24/1.

10 người từ tối đa 10 hộ gia đình khác nhau được phép tụ tập vào ngày Giáng sinh.

Các cửa hàng, nhà hàng, bảo tàng và trường học được phép mở cửa trở lại vào ngày 18/1 sau khi kế hoạch xét nghiệm hàng loạt được tiến hành từ ngày 15 -17/1, với những người có kết quả âm tính có thể ra khỏi phong tỏa sớm hơn.

Những người chưa được xét nghiệm sẽ phải đợi đến ngày 24/1.

Các khu nghỉ mát trượt tuyết được mở cửa vào ngày 24/12, nhưng các khách sạn vẫn đóng cửa. Chính phủ cho biết, khẩu trang được yêu cầu trong khi trượt tuyết.

* Bồ Đào Nha là quốc gia thực hiện nới lỏng trong mùa Giáng sinh, cho phép mọi người đến thăm bạn bè và gia đình nhưng các biện pháp thắt chặt được áp dụng lại trước đêm giao thừa.

Giới hạn tụ tập 10 người được dỡ bỏ hoàn toàn vào Giáng sinh và thời gian giới nghiêm được đẩy từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng vào ngày 24, 25/12.

Nhưng vào ngày 31/12, giờ giới nghiêm quy định trở lại 11 giờ đêm và mọi người bị cấm rời khỏi nhà từ 1 giờ chiều đến 5 giờ sáng từ ngày 1/1 đến ngày 3/1.

* Croatia thực hiện đóng cửa biên giới từ ngày 23/12 đến ngày 8/1.

Không quá 10 người thuộc 2 hộ gia đình khác nhau được phép tụ tập trong nhà cho mùa lễ hội.

* Tại Ba Lan, trường học, nhà hàng, trung tâm thể thao, khách sạn, khu trượt tuyết và trung tâm mua sắm đóng cửa từ ngày 28/12 đến ngày 17/1.

Những người trở về nước trong thời gian này phải cách ly trong 10 ngày.

Ba Lan áp dụng giới nghiêm từ 19 giờ tối đến 6 giờ sáng trong đêm Giao thừa và Tết Dương lịch.

* Đan Mạch gần như phong tỏa hoàn toàn vào ngày 17/12, với việc đóng cửa các trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán cà phê và quán bar.

Các cơ sở kinh doanh bán lẻ khác, ngoại trừ siêu thị và hiệu thuốc phải đóng cửa từ ngày 25/12 đến ngày 3/1.

Tối đa 10 người được phép gặp gỡ giao lưu trong nhà.

Có thể thấy, “Giáng sinh phong tỏa” là câu chuyện chưa từng xảy ra ở châu Âu, bởi ngay cả trong 2 cuộc chiến tranh thế giới, đêm Noel vẫn có lệnh ngừng bắn. Và, khi Trung Quốc phải hủy bỏ các lễ hội đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, phong tỏa thành phố Vũ Hán do sự xuất hiện của chủng virus corona mới, ít ai có thể ngờ đến tận hôm nay, SARS-CoV-2 vẫn khiến hầu hết các sự kiện đón Giáng sinh và Năm mới 2021 không thể diễn ra như thông lệ.

Và có lẽ nhiều năm sau nữa, thế giới sẽ còn nhắc tới 2020 như một năm hết sức đặc biệt, dù là một năm người ta thực sự muốn chia tay.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.

Ngọc Anh

12:40 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm