Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tham nhũng khu vực Trung Đông và Bắc Phi 2019

Thứ sáu, 13/12/2019 - 06:35

(Thanh tra)- Tình hình tham nhũng ngày càng tồi tệ, tham nhũng giới tính, hối lộ tình dục, gia đình trị, mua bán phiếu bầu và tin tức giả trong bầu cử... là những lo ngại được nêu ra tại nghiên cứu Phong vũ biểu Tham nhũng toàn cầu (GCB) - khu vực Trung Đông và Bắc Phi vừa được công bố.

Ảnh: Mostapha Raad/TI

Những tháng gần đây, hàng triệu người dân trên khắp Bắc Phi và Trung Đông đã xuống đường để phản đối Chính phủ tham nhũng. Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), sự kiện biểu tình kéo dài thời gian qua có nhiều sự tương đồng với cuộc cách mạng Arab mà 1 thập kỷ trước đã lật đổ một số chế độ đàn áp và tham nhũng nhất trong khu vực. 

Điểm chung được nhắc tới đó là, dù ở Tunisia năm 2010 hay Lebanon, Sudan của năm 2019, mọi người đều bày tỏ sự giận dữ của mình đối với tham nhũng từ cấp cao nhất trong Chính phủ cho tới việc tiếp cận các dịch vụ công cơ bản - những điều mà họ mắt thấy, tai nghe và thậm chí đã có những trải nghiệm cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.

Người dân nghĩ gì?

Động lực chống tham nhũng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã được hình thành trong nhiều năm qua. Nhìn lại, từ Lebanon và Sudan, nơi hàng triệu người đã xuống đường hồi đầu năm nay để lên tiếng phản đối Chính phủ của họ, cho đến cuộc cách mạng Arab lật đổ các nhà lãnh đạo tham nhũng gần 1 thập kỷ trước, người dân bày tỏ sự chán nản của mình với nạn tham nhũng tràn lan khắp khu vực.

Thật đáng buồn là, không có nhiều sự thay đổi trong thập kỷ vừa qua. Năm 2010, Mohamed Bouazizi, một người bán hàng rong ở Tunisia đã tự thiêu để phản đối tham nhũng trong lực lượng cảnh sát, truyền cảm hứng cho phong trào Mùa Xuân Arab. Tuy nhiên, đã 9 năm kể từ sau cái chết của Bouazizi, GCB - khu vực Trung Đông và Bắc Phi cho thấy, cảnh sát vẫn là tổ chức có mức độ tham nhũng nhất khu vực.

Bản báo cáo lần thứ 10 của GCB vừa được công bố đã chỉ ra, khoảng 2/3 số người được hỏi ở 6 quốc gia nằm trong khảo sát nghĩ rằng, tham nhũng đang trở nên tồi tệ hơn ở nước họ, và đa số người dân cho rằng, Chính phủ đã không hành động đủ để giải quyết vấn nạn này. 

GCB là nghiên cứu có quy mô lớn nhất trên thế giới do TI thực hiện. GCB thu thập dữ liệu về nhận thức và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng, quan điểm của họ về các nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Chính phủ và tính hiệu quả của các biện pháp phòng, chống tham nhũng.

GCB - khu vực Trung Đông và Bắc Phi là một trong những cuộc điều tra lớn nhất, chi tiết nhất về quan điểm của người dân về tham nhũng và trải nghiệm hối lộ ở khu vực, từ khảo sát hơn 6.600 công dân đến từ Jordan, Lebanon, Morocco, Palestine, Sudan và Tunisia.

Lần đầu tiên, GCB cũng đo lường mức độ phổ biến của “wasta” (tiếng Arab, tạm dịch: chủ nghĩa gia đình trị), hay sử dụng các kết nối cá nhân để truy cập vào các dịch vụ công tại 3 quốc gia: Jordan, Lebanon và Palestine.

Ngoài ra, báo cáo của GCB đã thu thập dữ liệu về tham nhũng giới tính, hối lộ tình dục cũng như dữ liệu về tham nhũng liên quan đến bầu cử, chẳng hạn như vấn nạn mua phiếu bầu và tin tức giả.

WASTA

Mặc dù ở Jordan, Palestine, tỷ lệ hối lộ tương đối thấp, nhưng nơi đây tồn tại tình trạng, công dân thường sử dụng “wasta” - chủ nghĩa gia đình trị hay các kết nối cá nhân để có được các dịch vụ công mà họ cần. 

Hơn 1/3 người dân Jordan, Lebanon và Palestine (38%) đã sử dụng “wasta” trong thời gian 12 tháng trước. Điều này tương đương với khoảng 3,6 triệu người.

Nền chính trị thiếu liêm chính

Một mối lo ngại không nhỏ, khi báo cáo của TI cho thấy, tỷ lệ tham nhũng cao liên quan các cuộc bầu cử. Gần 1/3 số người được hỏi đã được đưa hối lộ để đổi lấy phiếu bầu tại một cuộc bầu cử quốc gia, khu vực hoặc địa phương trong 5 năm qua. 

Ở một số quốc gia, công dân còn bị đe dọa trả thù nếu họ không bầu chọn theo một gợi ý nhất định.

Đánh giá chung của người dân về tình hình tham nhũng?

Kết quả cho thấy, 65% người dân cho rằng, tham nhũng đang trở nên tồi tệ hơn ở đất nước họ, và 66% cho rằng, Chính phủ của họ đã hành động không đủ để chấm dứt tham nhũng.

Trải nghiệm của người dân với tham nhũng?

Báo cáo cũng cho thấy, 1/5 số người truy cập các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đã phải hối lộ trong thời gian 1 năm trước. Điều này tương đương với khoảng 11 triệu công dân của 6 quốc gia được khảo sát đã phải đưa hối lộ trong 1 năm qua.

Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, cảnh sát được ghi nhận là có tỷ lệ nhận hối lộ cao nhất (22%), tiếp đến là các dịch vụ tiện ích khác như điện, nước, giấy tờ tùy thân, tòa án (16% mỗi loại).

Hành động của người dân

Chính phủ cần đi một chặng đường dài để bảo đảm rằng mọi người có thể tố cáo tham nhũng một cách an toàn mà không sợ hãi hay bị đe dọa. Tuy nhiên, mặc dù lo ngại bị trả thù, một nửa số người dân khu vực Trung Đông và Bắc Phi tin rằng, những người dân thường có thể giúp chặn đứng tham nhũng.

Quốc gia tâm điểm: LEBANON

Công dân Lebanon có nhận thức và trải nghiệm tham nhũng cao nhất trong số 6 quốc gia được khảo sát. Hối lộ, tham nhũng trong bầu cử và cơ chế tố giác thiếu hiệu quả là một số đặc điểm nhức nhối ở Lebanon.

87% công dân Lebanon nghĩ rằng, Chính phủ của họ đã yếu ớt trong giải quyết vấn nạn tham nhũng - một mức cao nhất trong khu vực.

Đất nước này cũng có tỷ lệ hối lộ tổng thể cao nhất (41%) và tỷ lệ gia đình trị cao nhất (54%). 

Mức độ mua phiếu bầu cũng được nhìn nhận là cao nhất ở Lebanon (47%).  

Khuyến nghị

Để giành lại được sự tin tưởng của công dân, Chính phủ các nước phải thể hiện ý chí chính trị nghiêm túc và chân thành trong việc chống tham nhũng. Các biện pháp chính yếu bao gồm:

- Liêm chính trong bầu cử. Bảo đảm tính liêm chính của các cuộc bầu cử và thực thi các biện pháp trừng phạt đối với việc mua bán phiếu bầu.

- Tố giác tham nhũng. Trao quyền cho những người tố giác, xã hội dân sự và truyền thông để theo dõi và báo cáo tham nhũng.

- Chống “wasta” - Chủ nghĩa gia đình trị. Chống lại các chuẩn mực xã hội hợp pháp hóa chủ nghĩa gia đình trị và tạo ra các công cụ pháp lý, thực thi để ngăn chặn việc sử dụng nó.

- Phân chia quyền lực. Bảo đảm một hệ thống kiểm tra, thăng bằng trong cán cân quyền lực và tư pháp độc lập.

- Chống tham nhũng giới tính. Công nhận tống tình là một hình thức tham nhũng và bảo đảm hệ thống tư pháp có các công cụ phù hợp để giải quyết, xử lý các vụ việc này.

- Quyền truy cập thông tin. Thực thi và cung cấp quyền truy cập thông tin vào Luật thông tin và cải thiện tính minh bạch.

- Cam kết. Thực hiện các cam kết chống tham nhũng hiện có, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC).

Tham nhũng ảnh hưởng tới phụ nữ như thế nào? Mặc dù quyền phụ nữ đã được thúc đẩy, nhưng có sự không đồng đều trên khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Theo TI, phụ nữ nơi đây đang chiến đấu để làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe. Một con số đáng báo động về các công dân bị ép cung cấp tình dục để đổi lấy dịch vụ công, như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, mà TI gọi đó là “tống tình”, tham nhũng giới tính, hay hối lộ tình dục. Ảnh: Hossam el-Hamalawy/TI   GCB - khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã nhấn mạnh các dữ liệu về tham nhũng giới tính, hối lộ tình dục ở Lebanon, Palestine và Jordan. Trong đó, tống tình là hình thức tham nhũng giới tính quan trọng nhất.  Trong 3 quốc gia được khảo sát, kết quả cho thấy cứ 5 người thì có 1 người bị tống tình”, phải hối lộ tình dục khi truy cập vào dịch vụ của Chính phủ hoặc biết ai đó rơi vào hoàn cảnh này. Khi tình dục trở thành vật hối lộ đưa ra trao đổi, đây trở thành minh chứng cho sự bất bình đẳng giới, ảnh hưởng đặc biệt tới phụ nữ khu vực này. Báo cáo của TI cũng chỉ ra, 47% người dân nghĩ rằng, tống tình thỉnh thoảng xảy ra. Phân tích sâu hơn cho thấy, phần lớn phụ nữ nghĩ rằng tống tình là thường xuyên. Tỷ lệ cao nhất là ở Lebanon, nơi 23% người dân có trải nghiệm về tống tình hoặc biết ai đó gặp phải tình huống này. Tiếp theo là Palestine ở mức 21% và ở Jordan, tỷ lệ là 13%. Quốc gia tâm điểm: PALESTINE TI đã làm việc với các cơ quan đại diện ở Trung Đông và Bắc Phi để đấu tranh chống lại vấn nạn tống tình và giải quyết các vấn đề về giới với tham nhũng. Ở Palestine, Tổ chức Liên minh Trách nhiệm và Liêm chính (AMAN) đã nhận được một số lượng khiếu tố từ phụ nữ về tống tình ở văn phòng làm việc thuộc cơ quan nhà nước và AMAN đã tiến hành làm việc với họ để trợ giúp, tư vấn pháp lý. AMAN cũng đang tiếp tục ủng hộ việc sẽ hình sự hóa tội danh tống tình như một hình thức tham nhũng bất hợp pháp. Ngọc Anh

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm