Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ sáu, 16/09/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Tham nhũng là rủi ro lớn nhất đối với sự phục hồi của nền kinh tế Philippines sau đại dịch COVID-19, theo một cuộc khảo sát các giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu của đất nước.
Khu thương mại Ortigas ở thành phố Pasig, Philippines, ngày 10/6/2022. Ảnh: REUTERS
Khảo sát được thực hiện bởi PricewaterhouseCoopers (PwC) Philippines (PwC là doanh nghiệp tư vấn và kiểm toán hàng đầu thế giới, có mạng lưới công ty tại 156 quốc gia) hợp tác với Hiệp hội Quản lý Philippines (MAP).
Tại cuộc khảo sát, các CEO kêu gọi chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr dành ưu tiên cho trách nhiệm giải trình, minh bạch và các nỗ lực chống tham nhũng.
Khi được hỏi những yếu tố nào sẽ trì hoãn sự phục hồi của nền kinh tế, 67% CEO trả lời, đó là tham nhũng.
Các yếu tố khác được trích dẫn trong khảo sát bao gồm: Đầu tư trong và ngoài nước giảm (38%), bất ổn chính trị (30%), lạm phát không kiểm soát (29%), giá dầu tăng (28%) và chất lượng giáo dục thấp (27%).
Tại Philippines, lạm phát trung bình là 4,9% tính đến tháng 8/2022, do giá thực phẩm và dầu tiếp tục tăng đột biến.
Chủ tịch PwC Philippines Roderick M. Danao cho biết, tham nhũng đang làm tổn hại đến khả năng thu hút đầu tư của quốc gia này.
“Trong quá trình giao dịch với các công ty đa quốc gia để cố gắng mở rộng đầu tư, tham nhũng luôn là một trong những yếu tố quan trọng để họ quyết định có đầu tư hay không. Thật buồn cho chúng tôi vì chỉ riêng cảm nhận về tham nhũng đã làm xói mòn lòng tin vào đất nước”, ông Danao phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến đầu tuần này.
Ông Danao cũng nhấn mạnh: “Nếu không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng, chúng ta không thể thực sự tăng tốc đầu tư trực tiếp nước ngoài vào đất nước trong sự so sánh với các nước láng giềng như Việt Nam và Thái Lan".
Trong khi đó, Chủ tịch Danh dự của PwC Philippines Alexander B. Cabrera cho rằng, khu vực tư nhân cũng cần thiết đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết tham nhũng.
“Tham nhũng giống như khiêu vũ, cần cả hai bên để có thể thực hiện. Nếu khu vực tư nhân không nhượng bộ, thì cũng sẽ không có tham nhũng. Chúng ta không thể bỏ qua yếu tố này, bởi tham nhũng không đến từ một phía…”, ông Cabrera nói.
Theo khảo sát, các CEO muốn Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr., người nhậm chức vào ngày 30/6, ưu tiên trách nhiệm giải trình và minh bạch; đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng; thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài; tạo việc làm; và thúc đẩy quan hệ đối tác công tư đối với các dự án cơ sở hạ tầng.
Chủ tịch MAP Rogelio L. Singson nói rằng, một cách để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn là thực hiện đúng các hợp đồng hiện có của Chính phủ.
“Nếu chúng ta thực sự muốn phát triển môi trường đầu tư tốt cho cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, hãy bắt đầu bằng việc thực hiện đúng các hợp đồng hiện có. Có rất nhiều hợp đồng trong Chính phủ hoặc đã được đưa ra trọng tài, đã thắng, nhưng vẫn chưa được thực hiện”, ông Singson nói.
Tuy nhiên, ở cấp độ kinh tế vĩ mô, 52% CEO tin rằng, nền kinh tế Philippines vẫn cần hơn 2 năm để phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19, báo cáo khảo sát của PwC MAP 2022 CEO Philippines cho biết.
Trước đó, trong cuộc khảo sát năm 2021, 73% CEO cho biết sự phục hồi dự kiến của nền kinh tế sẽ mất hơn 2 năm.
Khảo sát năm nay cũng cho thấy, 40% CEO nghĩ rằng, sự phục hồi sẽ mất ít nhất 1 đến 2 năm, trong khi 8% cho biết, họ mong chờ sự phục hồi trong vòng 1 năm.
Nền kinh tế Philippines đã đạt tốc độ tăng trưởng 7,8% trong nửa đầu năm 2022. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6,5 - 7,5% trong năm nay.
Phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Philippines trong 12 tháng tới, theo 62% CEO. Các động lực tăng trưởng khác bao gồm: Tiêu dùng trong nước (59%), chi tiêu chính phủ (46%) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (41%).
Đa số các CEO (87%) tự tin rằng, công ty của họ sẽ đạt mức doanh thu cao hơn trong 12 tháng tới. Cuộc khảo sát cho thấy 38% CEO mong đợi doanh số bán hàng cao hơn đáng kể so với mức trước đại dịch trong năm 2022, trong khi 21% nhận thấy doanh số đã trở lại bằng với trước khi xảy ra đại dịch.
Tuy nhiên, 35% CEO dự đoán doanh thu của công ty họ sẽ vẫn thấp hơn trước đại dịch, với lý do các yếu tố như mối đe dọa của các biến thể COVID-19 mới, khả năng bị phong tỏa và hạn chế về năng lực.
Mary Jade T. Roxas-Divinagracia, đối tác quản lý tài chính doanh nghiệp và thương vụ PwC Philippines, nhận định, triển vọng của các CEO bị ảnh hưởng bởi những thách thức cả bên ngoài và trong nước.
Bà Roxas-Divinagracia cho biết: “Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp xác định, giá cao hơn, các vấn đề về chuỗi cung ứng, cũng như lo ngại về lao động là những vấn đề có thể tiếp diễn ngay cả sau đại dịch”.
“Những lo ngại này song hành với những mối quan tâm toàn cầu… về lạm phát cao hơn, lãi suất cao hơn và chi phí nhiên liệu cao hơn. Có thể nói, tất cả những điều này kết hợp lại đang khiến một số lãnh đạo doanh nghiệp của chúng tôi mất ngủ hàng đêm”, bà nói thêm.
Cuộc khảo sát PwC MAP 2022 CEO Philippines được thực hiện từ giữa tháng 7 đến tháng 8/2022, với sự tham gia của 119 CEO hàng đầu Philippines đến từ các ngành khác nhau như: Dịch vụ tài chính, sản xuất, năng lượng và tiện ích, công nghệ...
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải