Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Sự hi sinh của nhà báo khi đưa tin về tham nhũng

Đức Anh

Thứ năm, 07/05/2020 - 16:44

(Thanh tra) - Mỗi tuần, trên thế giới có ít nhất 1 nhà báo bị sát hại ở 1 quốc gia tham nhũng cao, và, 1/5 nhà báo đã thiệt mạng khi đang phản ánh một vụ việc tham nhũng. Trên khắp thế giới, các phóng viên đã mạo hiểm cuộc sống của họ mỗi ngày cho công việc cầm bút.

Ảnh: iStock.com/South_agency

Tháng 5 này, chúng ta có Ngày Tự do Báo chí thế giới (3/5), là ngày Liên hợp quốc dành riêng để cổ vũ và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí, cũng là dịp quan trọng để làm nổi bật vai trò của các nhà báo điều tra trong việc đấu tranh và vạch trần tham nhũng.

Đây cũng là khoảng thời gian để chúng ta cùng nhìn nhận sự nguy hiểm ngày càng tăng mà các nhà báo trên toàn cầu phải đối mặt, đặc biệt là khi viết bài, đưa tin về tham nhũng liên quan đến những cá nhân giàu quyền lực và tội phạm có tổ chức.

Những vụ sát hại gây rúng động như cái chết của nhà báo chống tham nhũng Daphne Caruana Galizia và Ján Kuciak, bị giết khi đang vạch trần tham nhũng tại Malta và Slovakia không còn là câu chuyện hiếm trên toàn thế giới.

Sự phẫn nộ của công chúng tạo áp lực cho các nhà cầm quyền, cơ quan hữu quan ở trung tâm của Liên minh Châu Âu có thể sẽ khiến thủ phạm phải bị đưa ra trước công lý. Chúng ta trông đợi vào điều đó. Tuy nhiên, ở những nước có luật pháp yếu hơn và mức độ tham nhũng cao, công lý có thể sẽ khó đạt được hơn.

Một nghiên cứu đã được công bố trước đây cho thấy, bình quân, mỗi tuần có ít nhất 1 nhà báo bị giết ở 1 quốc gia tham nhũng cao, và, 1/5 nhà báo bị sát hại trong khi đang phản ánh một vụ việc tham nhũng.

Trên khắp thế giới, các phóng viên đã mạo hiểm cuộc sống của họ mỗi ngày cho công việc.

Hạn chế sự lan truyền thông tin sai lệch là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh đặc biệt như dịch bệnh hiện nay. Nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) chỉ ra rằng, một số Chính phủ đã xây dựng, ban hành các quy định pháp luật nghiêm khắc có thể giúp chống lại vấn nạn tin giả.

Tuy nhiên, một số tổ chức và chính trị gia đã sử dụng luật để chặn những thông tin mang tính phê phán, gây bất lợi cho chế độ hay cá nhân mình.

TI dẫn chứng, ở Mông Cổ đang áp đặt những hình phạt gay gắt đối với các nhà báo. Bởi vậy, các phóng viên ở đây có nguy cơ bị phạt những khoản tiền lớn hoặc hạn chế đi lại.

Ví dụ, N. Unurtsetseg, một nhà báo của Zarig.mn đã bị các chính trị gia cáo buộc tội phỉ báng 12 lần vào năm 2019 và 4 lần vào năm 2020, liên quan đến nội dung các bài báo mà cô đã viết. Mặc dù Unurtsetseg đã thành công trong việc chứng minh mọi cáo buộc đối với mình đều sai, tuy nhiên, nhà báo này vẫn phải trả khoản tiền phạt tương đương 800 USD - bằng 2 tháng lương của một nhà báo bình thường ở Mông Cổ.

Cũng theo TI, sát hại và tấn công nhà báo cũng có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới, vì vậy, các Chính phủ cần thiết có hành động khẩn cấp để bảo vệ nhà báo.

Quan hệ đối tác giữa nhà báo và các tổ chức xã hội dân sự là rất quan trọng. Ví dụ, thông qua Hiệp hội Chống tham nhũng toàn cầu, TI đã hợp tác với Dự án Báo chí về tội phạm có tổ chức và tham nhũng (OCCRP) và các đối tác khác để ủng hộ việc thay đổi chính sách và bảo đảm trách nhiệm đối với tham nhũng được phát hiện trong các cuộc điều tra trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, TI nhấn mạnh, phát triển thế hệ nhà báo kế tiếp là điều quan trọng. Nằm trong sáng kiến Nhà báo vì sự minh bạch (J4T), TI đã làm việc với các nhà báo trẻ để nêu rõ và nâng cao nhận thức về tham nhũng.

Và, trên hết, theo TI, điều cần thiết nhất là sự đoàn kết, ủng hộ của chúng ta đối với hoạt động của các nhà báo để vạch trần, loại trừ tham nhũng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm