Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 22/07/2013 - 10:59
(Thanh tra) - Hồi tháng trước, Edward Snowden, 30 tuổi, đã xé toạc bức màn bí mật về hệ thống giám sát công dân trên Internet của Hoa Kỳ. Cựu nhân viên tình báo đã tiết lộ thông tin động trời rằng: Hành động của người sử dụng các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, Google và Skype, không chỉ công dân Hoa Kỳ, mà cả nhiều nước khác, đều bị cơ quan tình báo Mỹ ghi lại và nghe lén.
Edward Snowden trả lời phỏng vấn báo chí Hồng Công. Ảnh: BBC
Chưa hết, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) còn nghe lén cả cuộc chuyện trò của những nhân vật hàng đầu của các quốc gia khác trong thời gian diễn ra các diễn đàn và hội nghị thượng đỉnh.
Không chỉ tạo sóng gió trong nước, Edward Snowden còn gây ra cơn bão chính trị trong quan hệ giữa Mỹ và nhiều nước.
“Cứu cánh” của Trung Quốc
“Giông gió” bắt đầu nổi lên khi ngày 13/6/2013, Nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Công đăng bài phỏng vấn cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cáo buộc Hoa Kỳ đã xâm nhập hệ thống máy tính của Hồng Công và Trung Quốc nhiều năm nay.
Nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, sau khi tiếp xúc với Edward Snowden, đã bất bình lên án Hoa Kỳ “đánh cắp hàng triệu tin nhắn nhờ xâm nhập trái phép vào hệ thống điện thoại di động của nhiều tập đoàn viễn thông Trung Quốc”. Vẫn theo tờ báo, NSA thậm chí đã đột nhập cả vào hệ thống tin học của Trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh.
Nhấn mạnh các tài liệu này không cho thông tin về hệ thống quốc phòng của Trung Quốc, nhưng Edward Snowden đã chỉ ra rằng, các mục tiêu xâm nhập của NSA ở Hồng Công là Chinese University of Hong Kong, các quan chức chính quyền, giới doanh nghiệp và sinh viên.
Theo cựu nhân viên CIA, có 61.000 hoạt động xâm nhập của NSA trên toàn cầu. Con số mục tiêu tấn công ở Hồng Công và Trung Quốc lên tới hàng trăm.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xung đột với nhau về trường hợp cựu nhân viên tình báo Edward Snowden, bị cáo buộc tiết lộ chi tiết về chương trình theo dõi bí mật của Hoa Kỳ. Dù đã rời Hồng Công, nhưng Snowden đã trở thành công cụ giúp Bắc Kinh nêu bật vai trò “đầu sỏ” của Washington trong các vụ tấn công tin học hiện nay.
Theo Tân Hoa Xã, những cáo buộc mới nhất liên quan đến việc Hoa Kỳ do thám các mạng điện thoại di động Trung Quốc “chứng tỏ rằng, Hoa Kỳ từ lâu nay luôn cố gắng tự cho mình là 1 nạn nhân vô tội của các cuộc tấn công mạng, thực ra là 1 tên côn đồ vĩ đại nhất trong thời đại hiện nay”. Hãng Thông tấn Nhà nước Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ “phải giải trình” về vấn đề này với Trung Quốc và các quốc gia khác bị Mỹ do thám, phải cho thế giới biết “quy mô và mục tiêu của các chương trình tin tặc của Mỹ”.
Trong một nhận xét sau cuộc thảo luận cấp cao về kinh tế hôm 11/7/2013, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ William Burns nói Hoa Kỳ thất vọng vì quyết định của Trung Quốc không chịu dẫn độ Snowden về Mỹ.
Về phía mình, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì trả lời rõ: Việc Hồng Công xử lý tình huống này là “không chê trách được”.
“Moscow coi trọng quan hệ với Washington”
Ngày 17/7/2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, các mối quan hệ của Moscow với Washington quan trọng hơn là chuyện ồn ào về người tiết lộ tin tình báo của Mỹ đang đào tẩu Edward Snowden. Phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin đưa ra 1 ngày sau khi Snowden nộp đơn xin tị nạn tạm thời tại Nga.
Cựu nhân viên hợp đồng với NSA đã ẩn trốn trong khu quá cảnh của 1 sân bay ở Moscow từ hôm 23/6/2013.
Washington muốn Nga trục xuất Snowden về Mỹ để bị truy tố tội gián điệp liên quan đến việc tiết lộ các thông tin mật của các chương trình gián điệp của Mỹ.
Tổng thống Nga đã khước từ yêu cầu của Mỹ dẫn độ Snowden về để xét xử tội gián điệp. Nhưng, với việc Snowden tìm cách xin tị nạn ở Nga, Washington lại nỗ lực đòi Nga trao trả. Theo Nhà Trắng, Snowden không phải là 1 nhà hoạt động nhân quyền hay bất đồng chính kiến, ông ta bị cáo buộc đã tiết lộ thông tin mật.
Báo chí Nga đăng tin về Edward Snowden. Ảnh: Reuters
Trước đó, ngày 12/7/2013, Edward Snowden đã gặp các nhân vật tranh đấu nhân quyền tại sân bay và cho biết, muốn ở lại nước Nga cho tới khi có thể tới Mỹ La tinh một cách an toàn, nơi có 3 nước là Bolivia, Nicaragua và Venezuela đề nghị cho ông được tị nạn chính trị.
Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích Nga về việc cho phép Edward Snowden gặp gỡ các nhân vật tranh đấu nhân quyền. Theo Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney, Nga đang cung cấp cho Edward Snowden “một diễn đàn tuyên truyền”, một việc đi ngược với tuyên bố của Nga là giữ lập trường trung lập trong vụ này.
Nếu Nga cho Edward Snowden tị nạn chính trị thì sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với mối quan hệ Mỹ - Nga, làm xấu hơn mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa 2 nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố Edward Snowden phải ngưng các hành động “nhằm làm hại đối tác Mỹ của Nga” trước khi đơn xin tị nạn tại Nga được xem xét.
Chỉ trích của châu Âu
Tạp chí Đức Der Spiegel, ngày 29/6/2013 cho biết: Washington không chỉ theo dõi các văn phòng của Liên minh châu Âu (EU) tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York hay Cơ quan Đại diện EU tại Washington mà còn giám sát cả trụ sở chính của EU tại Brussels. Việc theo dõi tiến hành ráo riết hơn kể từ năm 2010.
Tối ngày 30/6/2013, báo Anh The Guandian còn bổ sung: Tổng cộng có tới 38 đại sứ quán và phái đoàn đại diện ngoại giao là đối tượng do thám của tình báo Mỹ, như: Bị cài micro trong các thiết bị thông tin điện tử, đấu cáp nghe trộm, thu thập thông tin qua các ăng ten đặc biệt. Vẫn theo tờ báo, ngoài các đối thủ truyền thống do khác biệt về hệ tư tưởng và một số nước nhạy cảm ở Trung Đông, danh sách theo dõi của NSA còn có cả Đại sứ quán Pháp, Italia, Hy Lạp và một số đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico.
Như vậy là, ngay cả trong quan hệ với các đối tác của mình, Washington không những không tuân thủ những tiêu chí sơ đẳng của phép lịch sự xã giao, mà cũng không coi đối tác là gì nên chẳng thèm thông báo - ông Aleksandr Babakov, thành viên Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga nhận xét với Đài Tiếng nói nước Nga. “Điều này rõ ràng đi ngược lại thực tế phổ quát trong việc xây dựng quan hệ giữa các quốc gia và đặt ra nghi vấn về sự chân thành (của Hoa Kỳ) khi cộng tác với những nước khác”.
Tại châu Âu, người ta tiếp nhận sự kiện Hoa Kỳ theo dõi các đối tác của mình với sự phẫn nộ đến mức thậm chí chẳng đợi đến khi bắt đầu 1 tuần làm việc mới. Chẳng hạn, Bộ Tư pháp Đức ngay Chủ nhật, ngày 30/6/2013, đã đòi phía Mỹ giải thích về thông tin này.
Cùng ngày, người đứng đầu Nghị viện châu Âu là ông Martin Schulz cũng đưa ra tuyên bố đặc biệt. Yêu cầu Hoa Kỳ “giải thích đầy đủ”, ông Martin Schulz đồng thời nhấn mạnh: Phương pháp làm việc đáng bất bình của CIA, NSA và những cơ quan tình báo khác của Hoa Kỳ sẽ không thể bị ỉm đi không dấu vết. “Tất cả những chuyện này là rất tệ hại. Nếu thông tin được xác nhận thì sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ giữa EU và Hoa Kỳ” - Chủ tịch Nghị viện châu Âu nói.
Nêu rõ việc nghe lén các đối tác và các đồng minh là cách hành xử không chấp nhận được, Tổng thống Pháp Francoise Hollande cảnh báo: Việc Hoa Kỳ nghe lén các tòa đại sứ châu Âu có thể đe dọa tới thỏa thuận thương mại to lớn, dự kiến sẽ có giữa 2 bên. “Chúng tôi không chấp nhận cách hành xử như vậy giữa các đối tác và các đồng minh. Chúng tôi yêu cầu việc này phải dừng ngay lập tức”.
Cũng theo ông Francoise Hollande, “sẽ không có cuộc đàm phán nào hết nếu như không có bảo đảm rằng, tình trạng do thám sẽ chấm dứt ngay lập tức”. (Các cuộc đàm phán về Hiệp định EU - Hoa Kỳ, thỏa thuận song phương lớn nhất được đàm phán từ trước tới nay, theo kế hoạch khởi động vào ngày 8/7/2013).
Tiết lộ của Edward làm chính quyền Mỹ đau đầu. Ảnh: Reuters
Người Phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel là Steffen Seibert cũng khẳng định: “Nghe lén bạn bè là điều không chấp nhận được... Chúng ta không còn trong thời chiến tranh lạnh”.
Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser Schnarrenberger thì nói: “Nếu các tiết lộ trên báo chí là đúng, điều này làm nhớ lại các hoạt động được tiến hành giữa các kẻ thù trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nó vượt quá sức tưởng tượng là các người bạn Mỹ của chúng ta coi châu Âu như kẻ thù”. Vẫn theo Bộ trưởng Tư pháp Đức, không thể lấy lý do chống khủng bố để biện minh việc theo dõi, nghe lén trụ sở EU tại Washington và Bruxelles. (Theo truyền thông phương Tây, nước châu Âu bị “nghe lén” nhiều nhất là Đức. Mỗi ngày trên lãnh thổ Đức, mật vụ Mỹ “theo dõi” đến 20 triệu cuộc điện thoại và 10 triệu thông tin trao đổi qua Internet. Trong những ngày có nhiều việc, con số 10 triệu nói trên có thể lên đến 60 triệu. Nhật báo Le Monde của Pháp còn đặt vấn đề: Đối với chính quyền Berlin, rất có thể là Washington cũng đã gửi gián điệp công nghiệp đến nước này).
Ngoại trưởng Italia Emma Bonino thì cho biết, Rome đã yêu cầu Washington “làm rõ về một vấn đề rất gai góc”.
Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn thì nói: “Nếu tin này có thật, nó thật là ghê tởm”.
Theo Nhật báo Les Echos của Pháp, không những hoạt động gián điệp của Mỹ đang gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị với châu Âu mà còn giúp cho Bắc Kinh chuyển sang thế có lợi vốn thường xuyên bị cáo buộc là nghi can số 1 trong các hoạt động tin tặc. Vì, từ giờ trở đi, Washington mới là thủ phạm chính.
Nhật báo L’Humanité thì nhận định, vụ NSAgate còn cho thấy Washington đã định nghĩa lại sách lược ngự trị của siêu cường. Một mặt, Hoa Kỳ cho tăng cường hoạt động gián điệp. Mặt khác, Mỹ tìm cách khẳng định vị trí cường quốc số 1 về kinh tế, thể hiện rõ nét nhất qua việc nỗ lực khai thác các nguồn dầu khí nhằm khẳng định vị trí quốc gia sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới. Lĩnh vực quân sự cũng nằm trong chiến lược đó khi cho tăng cường việc sử dụng ồ ạt máy bay không người lái. L’Humanité còn cho rằng, gián điệp viễn thông và sử dụng máy bay không người lái chính là 2 mặt trên cùng 1 chiến lược.
Nhìn nhận dưới khía cạnh khác, Nhật báo Libération cảnh báo việc Hoa Kỳ nghe lén các tòa đại sứ và các văn phòng đại diện của châu Âu đồng minh lộ rõ các nhược điểm của châu lục già cỗi. “Không những không thu được thuế của các đại tập đoàn chuyên về web ngay trên chính lãnh địa của mình mà còn để cho các tập đoàn này tự do mở cổng thông tin cho các cơ quan tình báo của Mỹ về quốc gia của mình”. Tác giả bài báo trên Libération chỉ rõ, châu Âu đã không biết tự bảo vệ cái gọi là chủ quyền kỹ thuật số, trong khi khái niệm này cũng là một phần chủ yếu tạo nên sức mạnh quốc gia.
Cần nói thêm, đây không phải là lần đầu tiên châu Âu là nạn nhân của Mỹ, Nhật báo Le Monde nhắc lại. Năm 2000, châu Âu khám phá NSA sử dụng 1 mạng lưới của Anh quốc để theo dõi mạng lưới viễn thông trong một kế hoạch mang tên Echelon nhằm thu thập các thông tin kinh tế, thương mại, công nghệ và chính trị. Le Monde lưu ý là, vào thời điểm đó, Anh quốc đã lợi dụng mối quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ để do thám các đối thủ châu Âu.
Năm 2001, sau vụ tấn công khủng bố 11/9, Bruxelles buộc phải nhượng bộ Hoa Kỳ chuyển giao một số lượng dữ liệu quan trọng cho Washington dưới danh nghĩa chống khủng bố.
Đến năm 2006, châu Âu bất ngờ phát hiện ra là, trong vòng 5 năm, Mỹ đã bí mật thâm nhập vào kho dữ liệu Swift chuyên bảo mật các hoạt động giao dịch tài chính cho các ngân hàng trên toàn thế giới.
Vấn đề ở chỗ, trước các hoạt động gián điệp ồ ạt và dồn dập của Hoa Kỳ, châu Âu lại tỏ ra khá vất vả trong việc tự vệ. Sau các sự việc trên, châu Âu và Hoa Kỳ tiến hành nhiều cuộc thương lượng mà theo đánh giá của Le Monde khá khó khăn. Cuối cùng, một thỏa thuận được ký kết vào năm 2006. Theo đó, châu Âu được quyền đánh giá tính chính đáng các yêu cầu của Mỹ và có một đại diện tại quốc gia này để thực hiện công tác kiểm soát.
Trong số các thương lượng về trao đổi thông tin cá nhân, đặc biệt nhất là vụ cung cấp thông tin cá nhân của các hành khách đi máy bay (PNR). Châu Âu phải mất đến 9 năm thương lượng và 4 văn bản khác nhau, 2 bên mới đạt được một đồng thuận chung vào tháng 4/2012. Theo đó, châu Âu chấp thuận cung cấp 19 dữ liệu liên quan đến tất cả các du khách hay đi đến Mỹ. Đổi lại, Washington thả nổi giấy phép nhập cảnh. Các dữ liệu thu thập sẽ được lưu giữ dưới dạng vô danh trong vòng 6 tháng, sau đó là 5 năm trên cơ sở “hoạt động” và cuối cùng là 10 năm trong cơ sở dữ liệu “ngủ yên”.
Tuy nhiên, cuộc thương lượng đó vẫn chưa thể nào giải quyết được vấn đề cốt lõi: 3 trong số 4 công ty hàng không thế giới lưu trữ các dữ liệu đặt vé có trụ sở tại Hoa Kỳ. Nghĩa là, các cơ sở này phải tuân thủ luật pháp của Mỹ. Như vậy, trong trường hợp có sự cố, luật pháp của châu Âu không thể làm gì được cho họ.
Phản ứng của Mỹ La tinh
Cơ quan đặc nhiệm Hoa Kỳ có lối truy cập vào hộp thư điện tử của các quan chức Chính phủ Bolivia, ông Evo Morales, Tổng thống nước Cộng hòa vùng Nam Mỹ đã tuyên bố như vậy khi phát biểu trước cuộc biểu tình của những người ủng hộ hôm 13/7/2013.
Theo lời Tổng thống Evo Morales, ông nhận được thông tin này từ “những người bạn Tổng thống” tại Hội nghị Thượng đỉnh Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), diễn ra hôm 12/7/2013 tại Thủ đô Montevideo của Uruguay, Đài Tiếng nói nước Nga cho biết. Khẳng định không dùng email vì lý do an ninh, Tổng thống Bolivia nói thêm: Tôi đã được đề nghị không sử dụng thư điện tử, tôi nghe theo lời khuyên và đã đóng tài khoản của mình trên mạng.
Các thành viên tham gia Hội nghị Thượng đỉnh MERCOSUR đều đã lên án sự theo dõi mà cơ quan tình báo Mỹ tiến hành trên lãnh thổ Mỹ La tinh.
Ảnh minh họa các hoạt động nghe lén của tình báo Mỹ. Ảnh: Reuters
Trước đó, Ngoại trưởng Argentina Hector Timerman đã đưa ra tuyên bố tương tự về những hoạt động của gián điệp Mỹ. Ngoại trưởng Argentina cũng nhận được thông tin về chuyện này bên lề cuộc gặp của những người đứng đầu các nước thuộc MERCOSUR ở Uruguay.
Brazil cũng chính thức đòi Hoa Kỳ giải thích về hành động theo dõi điện tử. Theo tư liệu do cựu nhân viên tình báo Edward Snowden cung cấp và công bố trên Tạp chí O Globo của Brazil, với sự hỗ trợ của những chương trình đặc biệt, suốt trong nhiều thập niên, Hoa Kỳ tiến hành theo dõi các cuộc nói chuyện điện thoại và tình hình truy cập Internet của Brazil.
Anh hùng hay tội đồ?
“Hầu hết những gì chứng kiến được tại Geneva (Thụy Sĩ, khi còn là nhân viên CIA, trước khi đầu quân cho NSA vào năm 2009 trong vai trò 1 người làm công cho một số nhà thầu bên ngoài, trong đó có Hãng Tư vấn Booz Allen) đã khiến tôi vỡ mộng về cách thức hoạt động của Chính phủ mình và về ảnh hưởng của chuyện đó trên thế giới. Tôi nhận ra rằng, mình là một phần của thứ đang làm hại nhiều hơn là đem lại lợi ích” - Edward Snowden nói với The Guardian và giải thích về lý do quyết định rời Hoa Kỳ: “Tôi không muốn sống trong 1 xã hội làm những việc như thế... Tôi không muốn sống trong 1 thế giới mà mọi thứ tôi làm, tôi nói đều bị ghi lại”.
Edward Snowden cho biết thêm, mục đích việc công bố các thông tin trên để cho thấy “sự đạo đức giả của Chính phủ Mỹ khi tuyên bố rằng, họ không nhằm vào các mục tiêu dân sự như các đối thủ khác” và nêu rõ: “Tôi không phải kẻ phản quốc mà cũng không phải anh hùng. Tôi là một người Mỹ và rất tự hào được là người Mỹ, tôi tin vào quyền tự do ngôn luận. Tôi làm điều mình cho là cần thiết, nhưng việc mọi người đưa ra ý kiến riêng của mình là lẽ tự nhiên thôi”.
Kết quả thăm dò của Trường Đại học Quinnipiac công bố hôm 10/7/2013 cho biết, 55% số người trả lời coi Edward Snowden là một người tố giác cái xấu, chỉ có 30% cho đó là kẻ phản quốc. 45% số người tham gia cuộc thăm dò cho rằng Chính phủ đã đi quá xa trong việc hạn chế các quyền tự do của người dân, nhằm giúp chống khủng bố hay không. Trong khi đó, cũng có tới 40% nói Chính phủ chưa đi đủ xa. Kết quả thăm dò này đảo ngược cuộc thăm dò hồi tháng 1/2010 của Quinnipiac. Khi đó, gần 2/3 người được hỏi nói rằng những hoạt động của Chính phủ không đủ mạnh để bảo vệ đất nước.
“Sự thất bại của chính quyền Mỹ để có được Snowden khiến Mỹ thất vọng trước những liên hệ ngoại giao tinh tế và làm suy giảm hình ảnh của Mỹ trên thế giới” - kênh truyền hình NBC nhận xét.
Phát biểu trên NBC, giáo sư môn chính trị quốc tế Robert Jervis tại Đại học Columbia cho biết, phần mềm gián điệp mà Snowden tiết lộ cung cấp nhiều lý do để thế giới biết rằng, Chính phủ Mỹ đạo đức giả. Còn việc truy đuổi kẻ trốn chạy trên toàn cầu làm cho tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. “Điều đó chắc chắn sẽ cho thấy sự hung mạnh đang suy yếu của Hoa Kỳ” - giáo sư Robert Jervis kết luận.
Báo Lao động của Nga thì dẫn lời cảnh báo của nhà sử học Nikolai Dolgopolov: Nên nhớ rằng, Snowden thực sự là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ. Trong thực tế, ông ta còn chôn giấu số tài liệu mật nhiều hơn so với những gì đã công bố với báo chí. Và, nếu xảy ra bất cứ điều gì với ông ta, những người bạn của Snowden ngay lập tức sẽ ban hành các tài liệu này. Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ lại mong muốn một kết cục như vậy.
55% số người trả lời coi Edward Snowden là một người tố giác cái xấu chứ không phải phản quốc. Ảnh: Reuters
Về phía mình, phát biểu trong 1 buổi họp báo ở Washington, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psak đưa ra tuyên bố “mang tính dọa nạt” rằng: Việc cung cấp tị nạn hoặc giấy tờ cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden sẽ tự động dẫn đến sự suy giảm các mối quan hệ với Mỹ.
Tướng Keith Alexander, Giám đốc NSA, nói trước Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ rằng, việc thực hiện các hoạt động theo dõi là tối cần thiết. “Trong những năm gần đây, những chương trình này, cùng với một số phương thức tình báo khác, đã giúp bảo vệ Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta khỏi những mối đe dọa khủng bố, trong đó bao gồm việc ngăn chặn 50 vụ có khả năng trở thành tấn công khủng bố kể từ hồi 9/11/2001”, lãnh đạo NSA cho biết. Cũng theo ông, 10 vụ trong số này là nhằm vào nước Mỹ.
Sean Joyce, Phó Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) thì khẳng định: Một trong số những vụ bị ngăn chặn là kế hoạch đánh bom Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Theo ông Sean Joyce, thông tin do NSA cung cấp đã giúp FBI bắt giữ Khalid Ouazzani ở thành phố Kansas, bang Missouri, để điều tra về cáo buộc âm mưu khủng bố.
Phó Giám đốc FBI cũng cho biết, chương trình theo dõi đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn âm mưu đánh bom ga tàu điện ngầm ở thành phố New York hồi năm 2009, đồng thời dẫn đến việc bắt giữ kẻ chủ mưu là Najibullah Zazi.
Mạng xã hội bị vạ
Vụ bê bối xung quanh việc giám sát dân thường do cựu nhân viên CIA Mỹ Edward Snowden tiết lộ đã giáng mạnh vào các mạng xã hội.
Nhiều người xóa trang cá nhân của họ trên Facebook, gây ra hiệu ứng domino: Khi 1 người xóa tên mình thì bạn bè anh ta cũng bắt đầu đóng tài khoản.
Nếu như trước đây có tài khoản trên Facebook được coi là người sử dụng Internet tiên tiến, thì bây giờ bị cho là “nghiện mạng”. Dù sao đi nữa, nhiều chuyên gia đã đi đến kết luận rằng: Những người thích sống “cởi mở” trên mạng ngày càng ít hơn. “Tất nhiên, thông tin về việc cơ quan tình báo Mỹ theo dõi người sử dụng Internet cũng ảnh hưởng đáng kể. Có một số người đã rời bỏ mạng xã hội” - thành viên Phòng Xã hội Nga, blogger Anton Korobkov - Zemlyanskiy được Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời.
Ở khía cạnh liên quan, bà Iris Varela, Bộ trưởng Phụ trách Hệ thống Trại giam Venezuela đã kêu gọi người dùng Internet nước này đồng loạt từ bỏ việc sử dụng tài khoản của họ trên mạng xã hội Facebook. “Hỡi đồng bào, hãy đóng tài khoản của mình trên Facebook, nơi vô hình trung đã trở thành những nguồn cung cấp thông tin miễn phí cho CIA” - bà Iris Varela viết trong microblog của mình trên mạng xã hội Twitter.
Nữ Bộ trưởng cũng kêu gọi các quốc gia và những người bị ảnh hưởng bởi hoạt động gián điệp đệ đơn kiện và yêu cầu bồi thường, như một cách làm suy sụp nền kinh tế Mỹ.
Khi ở Hồng Công, Edward Snowden được một số người ủng hộ. Ảnh: BBC
Ở khía cạnh liên quan, Pháp cho rằng, việc Google lén lút hợp tác với các cơ quan tình báo Mỹ - Anh là vi phạm luật pháp của quốc gia này. Ủy ban Quốc gia về thông tin và quyền tự do Pháp (CNIL) ra thời hạn cho tập đoàn tìm kiếm mạng lớn nhất thế giới trong vòng 3 tháng phải thay đổi chính sách, bằng không sẽ phải trả một khoản tiền bồi thường lên đến 175 triệu euro.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà
Văn Thanh
Bùi Bình