Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ ba, 05/10/2021 - 06:36
(Thanh tra)- Sau nhiều bê bối và những cái bắt tay thông đồng giữa chính phủ và doanh nghiệp, sự thiếu tin tưởng của người dân vào các thể chế chính trị ở Liên minh châu Âu (EU) đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Ảnh: Raul Mellado Ortiz / Shutterstock
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), cuộc khủng hoảng y tế với quy mô như hiện nay là một "phép thử" lớn cho niềm tin của người dân đối với chính phủ của họ.
Trong khi mọi người đang vật lộn với đại dịch COVID-19, nhiều chính trị gia ở EU đã tìm thấy những "cơ hội mới" để gia tăng sự giàu có và quyền lực của mình bằng cách thông đồng với các doanh nghiệp, hạn chế quyền tự do của công dân và lơ là các biện pháp chống tham nhũng.
Người dân nơi đây nhận thức được rằng, tồn tại vấn đề các nguồn lực đang bị lạm dụng bởi các nhóm quyền lực nhất định, thay vì được sử dụng cho lợi ích chung. Nhận thức của họ được phản ánh trong kết quả của phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) - EU 2021, khảo sát hơn 40.000 người ở tất cả 27 quốc gia EU về quan điểm và trải nghiệm của họ về tham nhũng trong toàn khối.
Kết quả này là một sự thách thức với hình ảnh trong sạch vốn thấy của EU.
Đo lường tính liêm chính chính trị
Mới đây, trên cơ sở GCB - EU 2021, TI đã tiến hành phân tích sâu về cảm nhận liêm chính chính trị của người dân EU.
Tính liêm chính chính trị mô tả một hệ thống mà tại đó, những người ra quyết định thực hiện quyền lực của mình một cách nhất quán vì lợi ích chung, thay vì duy trì lợi ích cá nhân hoặc sự giàu có hay địa vị của những cá nhân quyền lực.
Những dữ liệu thực sự gây nhức nhối, khi đã chỉ ra cảm nhận của người dân về mức độ liêm chính thấp. Khoảng một nửa số người ở EU được khảo sát cho rằng, hối lộ hoặc các mối quan hệ thường được doanh nghiệp sử dụng để đảm bảo các hợp đồng với chính phủ; trong khi, chỉ chưa đến 1/3 cho rằng, các nhà lãnh đạo đã tính đến quan điểm của người dân khi đưa ra quyết định; và hơn một nửa nghĩ rằng, chính phủ của họ được điều hành bởi một số lợi ích cá nhân.
Bên cạnh việc đánh giá cảm nhận của công chúng về tính liêm chính chính trị - mức độ mà công dân EU nghĩ rằng những người ra quyết định thực hiện quyền lực của họ vì lợi ích chung, TI cũng xem xét các nguyên nhân và tác động của cảm nhận về liêm chính chính trị.
Kết quả đáng kinh ngạc về sự thiếu liêm chính chính trị ở EU
Kết quả chỉ ra rằng, người dân ở EU nhận thấy sự thiếu liêm chính chính trị trên diện rộng và mang tính hệ thống.
Điểm trung bình cho các quốc gia trong EU là 48/100, trong đó 0 là kết quả thấp nhất và 100 là kết quả cao nhất.
Ngay cả những quốc gia đạt điểm cao nhất - Thụy Điển (67/100) và Phần Lan (67/100) - cũng cho thấy những vấn đề tồn tại, mặc dù họ là những quốc gia đạt điểm cao nhất trong Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2020. Theo TI, điều này có nghĩa, việc xây dựng nhận thức tích cực về sự liêm chính chính trị đặt ra những yêu cầu nhiều hơn trong chống tham nhũng khu vực công.
Lấy ví dụ ở Đức. Mặc dù có kết quả tốt về chỉ số CPI 2020 (80/100), nhưng Đức chỉ đạt được 53/100 điểm trong nghiên cứu của TI về liêm chính chính trị.
Sau những cáo buộc gây sốc về tham nhũng vào năm 2020 liên quan đến việc bán khẩu trang phòng ngừa COVID-19 của các thành viên Quốc hội, đây không phải là một bất ngờ lớn. Vụ bê bối được đánh dấu bằng những tiết lộ về xung đột tiềm ẩn giữa những người ra quyết định lợi ích, bao gồm cả việc nắm giữ cổ phần trong một công ty bán khẩu trang cho Chính phủ.
Vì những lý do như thế, 62% người dân Đức nghĩ rằng, một số lợi ích cá nhân đã và đang kiểm soát nền chính trị trong nước; trong khi 44% cho rằng, quan điểm của họ hoàn toàn không được xem xét trong quá trình ra quyết định chính trị.
Phân tích của TI cho thấy, các quyết định cấm hoạt động kinh tế và bất bình đẳng (trong dịch bệnh) ảnh hưởng tiêu cực đến cảm nhận của người dân về tính liêm chính chính trị. Khi người dân và sinh kế của họ được hỗ trợ bởi các chính sách của Chính phủ, họ có nhiều khả năng tin tưởng vào các nhà lãnh đạo hơn. Ngược lại, khi mọi người đang phải vật lộn để kiếm sống trong khi thiếu sự công bằng, họ mất niềm tin vào hệ thống là điều dễ hiểu.
Niềm tin vào khả năng chống tham nhũng và mang lại thay đổi cũng có ảnh hưởng rõ rệt. Khi mọi người nghĩ họ có thể tạo ra sự khác biệt, họ có xu hướng cho rằng các chính trị gia có sự liêm chính.
Thiếu sự tin tưởng, tính liêm chính bị nhìn nhận thấp: Mối đe dọa nào đang diễn ra?
Theo TI, sự phân cực chính trị đi đôi với tính liêm chính chính trị thấp có thể gây tổn hại nặng nề cho các nền dân chủ.
Ví dụ, Slovenia, quốc gia đạt 37/100 điểm nhận thức về sự liêm chính chính trị - điểm số thấp thứ ba trong toàn EU. Chính phủ nước này bị cáo buộc nhắm mục tiêu vào các thẩm phán và gây áp lực đối với các công tố viên. Truyền thông trong nước không được quan tâm đúng mức. Cơ quan báo chí quốc gia Slovenia (Slovenia Press Agency - SPA) bị cắt giảm kinh phí đến mức có thể buộc phải sớm ngừng hoạt động.
Mới đây, ngày 30/9, Giám đốc SPA, Bojan Veselinovič, đã từ chức sau khi từ chối dự thảo thỏa thuận dịch vụ công mà Chính phủ Slovenia đưa ra vì ông cho rằng gây tổn hại cho cơ quan báo chí.
Mức độ mất lòng tin vào các chính phủ cũng khiến người dân ít sẵn sàng tôn trọng các quy định và thể chế hơn. Điều này có thể gây tổn hại theo nhiều cách, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng, như đại dịch COVID-19; khi công dân phớt lờ các hướng dẫn và luật lệ, mọi thứ từ ngăn chặn, giảm nhẹ tác động của đại dịch đến đảm bảo phục hồi nhanh chóng và toàn diện trở nên khó khăn hơn nhiều.
Giải quyết vấn đề: Cần thay đổi điều gì?
Phân tích của TI chỉ rõ, tất cả các nước EU còn nhiều việc phải làm để cải thiện tính liêm chính chính trị và kết quả là cảm nhận về liêm chính chính trị. Tương lai của các nền dân chủ, lòng tin của công dân vào các thể chế và sự gắn kết xã hội luôn ở thế cân bằng. Để làm được như vậy, họ cần đảm bảo rằng việc tiếp cận quyền lực, thực thi quyền lực và trách nhiệm giải trình trong việc ra quyết định đều không bị ảnh hưởng quá mức và các quyết định của những người nắm quyền được đưa ra vì lợi ích chung.
Theo TI, các nước EU nên:
- Đưa sự tham gia và tham vấn của người dân ở tất cả cấp độ ra quyết định;
- Xây dựng hoặc củng cố nội quy và các cơ quan giám sát độc lập để quản lý tài chính chính trị, các hoạt động vận động hành lang và lợi ích tài chính của các quan chức nhà nước;
- Sửa đổi các quy định về những ảnh hưởng sai nguyên tắc giữa các quan chức nhà nước và các công ty tư nhân, và cải thiện việc thực thi;
- Tiến hành đánh giá và đưa ra các kế hoạch hành động, ở cấp quốc gia và EU, để xác định và giảm ảnh hưởng quá mức từ các nhóm hẹp trên tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào các lĩnh vực chính của chính sách công, bao gồm: thuế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và khí hậu.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024Minh Thắng
Văn Thanh
Thu Huyền
Uyên Uyên
Uyên Uyên
Cảnh Nhật
Quang Dân
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Lâm Ánh
Hương Giang