Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ tư, 03/04/2024 - 13:48
(Thanh tra) - Quốc vương Malaysia tái khẳng định chống tham nhũng là trọng tâm chính trong nhiệm kỳ của mình. Thủ tướng nước này cũng nhấn mạnh, vấn đề tham nhũng phải được xem xét nghiêm túc và mọi nỗ lực cần được thực hiện nhằm ngăn chặn mối đe dọa này.
Quốc vương Malaysia Sultan Ibrahim tái khẳng định chống tham nhũng là trọng tâm chính trong nhiệm kỳ của mình. Ảnh: Bernama
Để thể hiện quyết tâm dập tắt tham nhũng, Quốc vương Sultan Ibrahim của Malaysia đã tặng một chai mật ong là món quà mang tính tượng trưng cho Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) Tan Sri Azam Baki - người chịu trách nhiệm chống tham nhũng hàng đầu của đất nước. Món quà với ý nghĩa đánh dấu kết thúc "thời kỳ trăng mật" đối với ông Azam, thúc giục vị lãnh đạo MACC nỗ lực nhiều hơn nữa để chống tham nhũng, hiện thực hóa lời cam kết của Quốc vương Sultan Ibrahim tại lễ đăng quang cách đây 2 tháng.
Trước đó, ngày 31/1, Quốc vương thứ 17 của Malaysia Sultan Ibrahim đã chính thức đăng quang, ghi dấu một thời khắc quan trọng trong lịch sử chế độ quân chủ lập hiến ở quốc gia Đông Nam Á.
Ông Sultan Ibrahim đã bày tỏ cam kết mạnh mẽ đối với cuộc chiến chống tham nhũng, cũng như vai trò tích cực trong công cuộc phát triển đất nước.
Sau 2 tháng đăng quang, trong một bài đăng trên Facebook cá nhân đầu tháng 4, Quốc vương Sultan Ibrahim tái khẳng định rằng tham nhũng là kẻ thù số một của đất nước, chống tham nhũng sẽ là trọng tâm chính trong nhiệm kỳ 5 năm của ông.
Ngày 1/4, tại Hoàng cung Istana Negara ở Kuala Lumpur, Quốc vương Sultan Ibrahim đã có buổi tiếp Chủ tịch MACC Tan Sri Azam Baki.
Quốc vương đã dành 30 phút để thảo luận cùng lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng về những diễn biến mới nhất trong việc thực thi nhiệm vụ dập tắt tham nhũng.
“Như tôi đã nhấn mạnh trước đó, tuần trăng mật của tôi đã kết thúc; bây giờ là lúc đi bắt ong”, Quốc vương nói trong khi trao mật ong cho Chủ tịch MACC để tượng trưng cho sự kết thúc của “thời kỳ trăng mật”.
Cũng trong ngày đầu tháng 4, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim cho biết, vụ thất thoát 2 tỷ RM trong doanh thu của Chính phủ do hành vi tham nhũng của một số nhân viên Cục Hải quan tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) cho thấy, không được phép xem nhẹ vấn đề tham nhũng, hối lộ.
Thủ tướng bày tỏ sự thất vọng về vụ việc. Ông cho biết mặc dù chỉ liên quan đến một bộ phận nhỏ của Cục Hải quan, nhưng thiệt hại ước tính là rất lớn.
“Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để hạn chế tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Mặc dù đã giành được nhiều chiến thắng, nhưng vẫn có những vụ việc đáng tiếc xảy ra, chẳng hạn như vụ mới nhất liên quan đến Cục Hải quan", Thủ tướng nói.
Trong phiên họp tháng 4 của Văn phòng Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ Malaysia cho biết, ông suy nghĩ rất nhiều về vụ việc, nhất là khi Cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính (Thủ tướng Anwar Ibrahim kiêm nhiệm Bộ trưởng Tài chính).
Thủ tướng cho rằng, tham nhũng phải được xử lý nghiêm và phải thực hiện mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn mối đe dọa này.
Thủ tướng Malaysia trước đó đã lên án tham nhũng là quốc nạn. Ông khẳng định, tham nhũng mới là mối đe dọa thực sự đối với sự tồn vong của đất nước, chứ không phải các vấn đề chủng tộc hay tôn giáo.
“Những người xem nhẹ tham nhũng nên nhìn vào mức độ thiệt hại mà nó gây ra. Trong trường hợp [tại Cục Hải quan] này, thiệt hại là 2 tỷ RM... Nếu chúng ta xử lý các vụ rò rỉ, thất thoát bao gồm cả thất thoát do buôn lậu dầu diesel và dầu ăn, chúng ta có thể tiết kiệm hàng tỷ ringgit”, ông Anwar nói thêm.
Trong tuần qua, MACC đã bắt giữ 34 nhân viên hải quan phụ trách Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur liên quan đến các hoạt động buôn lậu được cho là đã gây thất thoát doanh thu 2 tỷ RM trong 2 năm qua.
Các nghi phạm đã bị bắt trong một chiến dịch đặc biệt có mật danh Ops Samba 2.0, do MACC, Ủy ban Thuế nội địa và Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia) thực hiện.
Cơ quan điều tra tin rằng, các sĩ quan hải quan đã nhận được 4,7 triệu RM từ một tổ chức để tạo điều kiện cho việc buôn lậu thuốc lá sợi, thuốc lá điếu, rượu, sản phẩm y tế và phụ tùng xe cộ trong vài năm qua.
Chủ tịch MACC Azam Baki cho biết, các công chức được cho là đã lấy tiền từ các công ty và đại lý giao nhận sẽ để hàng hóa đi mà không kiểm tra hoặc không tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng.
Thủ tướng Anwar Ibrahim nhấn mạnh, ông đã tập trung vào các vấn đề quản trị kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ nhằm đảm bảo đất nước được vận hành hiệu quả và công quỹ được sử dụng hợp lý.
Ông nói: “Có một số người cho rằng cần giảm tranh cãi [về quản trị và tham nhũng], nhưng tôi tin, chúng ta phải cứng rắn và siết chặt kỷ luật để đề cao tính liêm chính”.
Theo Thủ tướng Anwar, trách nhiệm tài chính, quản lý tài chính của công chức, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành là rất quan trọng để giảm thâm hụt tài chính của đất nước.
Ông cho biết, Chính phủ đã quyết định cần ban hành luật riêng về trách nhiệm tài chính để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
“Việc ban hành luật sẽ giúp nâng cao niềm tin của nhà đầu tư vào đất nước”, Thủ tướng lưu ý.
Luật Tài chính công và Trách nhiệm tài chính, trong đó nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ về quản trị, tính minh bạch trong quản lý tài chính công và rủi ro tài chính, đặc biệt liên quan đến thu, chi cho vay và các khoản nợ, đã được thông qua vào tháng 10 năm ngoái.
Theo các mục tiêu tài chính của luật, chi tiêu phát triển hàng năm không được vượt quá 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức nợ Chính phủ không được vượt quá 60% GDP, thâm hụt tài chính phải ở mức 35% trở xuống và bảo lãnh của Chính phủ không được vượt quá 25% GDP.
Malaysia được đánh giá là có nhiều cải thiện trong cuộc chiến chống tham nhũng. Quốc gia này đã tăng 4 bậc (từ 61 lên 57) và đạt điểm cao hơn (từ 47 lên 50) về Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2023, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố hồi cuối tháng 1/2024.
MACC cho biết, đó là nhờ sự kiên quyết hơn trong công tác chống tham nhũng, thể hiện qua các cuộc điều tra và bắt giữ được thực hiện trong các vụ án cấp cao suốt 2 năm qua.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân