Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mafia hoành hành khắp thế giới

Thứ tư, 21/11/2012 - 15:38

(Thanh tra)- Đầu tháng 11 này, Nhật báo Asahi Shimbun của Nhật Bản đăng bài viết cho biết, tổ chức tội phạm Kudokai, với 600 thành viên, đã và đang gây nên những nỗi lo ngại cho giới chức và người dân thành phố Kitakyushu (dân số gần 1 triệu người) trên đảo Kyushu, miền Nam Nhật Bản.

Xăm trổ là hình ảnh thường thấy ở các thành viên Yakuza. Ảnh minh họa: http://outsiderjapan.pbworks.com

Từ tháng 8 đến nay, tại thành phố Kitakyushu, các vụ tấn công đe dọa các cơ sở kinh doanh như nhà hàng hay quán bar ngày càng nhiều. Lý do của vấn nạn này bắt nguồn từ việc gần đây, cảnh sát địa phương phát động phong trào chống mafia mà một trong những biện pháp đó là khuyến khích các nhà hàng, quán bar treo biển ghi dòng chữ: “Nơi cấm đối với những người thuộc các tổ chức tội phạm”. Hưởng ứng giải pháp của chính quyền, nhiều nhà hàng, quán bar đã treo biển, để rồi trở thành đối tượng bị đe dọa, thậm chí bị đánh đập nên đành phải gỡ bảng xuống.

Đáng nói hơn, không chỉ người dân mà giới chức chính quyền cũng bị tấn công. Một cựu thanh tra cảnh sát phụ trách theo dõi tổ chức Kudokai từng bị bắn trọng thương.

Từ tháng 4 năm nay, cảnh sát địa phương đã tiến hành tuần tra thường xuyên trên đường phố Kitakyushu. Kết quả là, chỉ trong vòng 5 tháng đã tiến hành gần 300 vụ bắt giữ liên quan đến trộm cắp, vi phạm pháp luật về vũ khí nóng. Thế nhưng, các hoạt động tội phạm thì bí mật và tinh vi, nên người dân vẫn nơm nớp lo sợ, nhất là đối với những người còn kiên trì treo bảng “cấm cửa tội phạm”.

Cũng tại Nhật Bản, ngày 23/10/2012, chỉ 3 tuần sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp, trước áp lực của lực lượng đối lập và báo chí, ông Keishu Tanaka, 74 tuổi, buộc phải từ chức vì có mối quan hệ với xã hội đen sau khi thừa nhận cách đây hơn 30 năm đã đứng ra làm chủ hôn - vai trò mang tính nghi lễ - tại đám cưới con trai một thủ lĩnh Yakuza.

Ông Keishu Tanaka tham gia Nội các cải tổ của Thủ tướng Yoshihiko Noda ngày 1/10/2012 với chức vụ Bộ trưởng Tư pháp.

Trước đó, Tuần báo Shukan Shinsho của Nhật Bản đã cho đăng tải 1 tấm ảnh ông Keishu Tanaka lúc còn trẻ trong một buổi tiệc bên cạnh thủ lĩnh tổ chức Yakuza ở Yokohama.

Bị báo chí chất vấn, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản biện minh là không biết buổi tiệc này do Yakuza chiêu đãi. Sau đó, ông Keishu Tanaka thừa nhận từng đứng ra làm chủ hôn tại đám cưới con trai của một thủ lĩnh xã hội đen. Bộ trưởng Tư pháp cũng khẳng định ông không hề được lợi lộc gì trong các quan hệ này cũng như không làm gì để ưu đãi các thành viên của giới xã hội đen.

Chưa hết, Báo Japan Times còn cho biết, 1 tuần sau khi được bổ nhiệm, tân Bộ trưởng Tư pháp Keishu Tanaka đã bị nghi ngờ nhận tiền từ một tổ chức do Hoa kiều lãnh đạo. (Ông Keishu Tanaka cũng đã thừa nhận văn phòng của ông nhận tiền đóng góp từ một công ty do nước ngoài quản lý trong giai đoạn 2006 - 2009 - điều bị cấm theo pháp luật gây quỹ chính trị của Nhật Bản).

Ông Keishu Tanaka mất chức Bộ trưởng Tư pháp vì liên quan đến xã hội đen. Ảnh: Reuters


Xin nói thêm, băng nhóm tội phạm Yakuza không bị đặt ra ngoài vòng pháp luật như mafia tại Italy hay hội Tam Hoàng của người Hoa. Tuy nhiên, cũng như 2 mạng lưới xã hội đen này, Yakuza kiểm soát đường dây mại dâm, ma túy, cờ bạc, lừa đảo và hối lộ.

Được biết, thời gian qua, Mỹ đã nhắm đến tội phạm có tổ chức của Nhật Bản bằng việc phong tỏa tài sản của băng đảng Yakuza Yamaguchi-gumi và Brothers’ Circle. Bộ Tài chính Mỹ cũng phong tỏa tài sản của các thành viên chủ chốt của 2 băng nhóm này, trong đó có Kenichi Shinoda, lãnh đạo của tổ chức Yamaguchi-gumi.

Theo một sắc lệnh mà Tổng thống Barack Obama ban hành năm 2011 “nhằm mục tiêu phá vỡ các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia quan trọng”, thành viên các nhóm tội phạm có thể được xác định danh tính, tài sản của họ thuộc quyền tài phán Mỹ bị phong tỏa, đồng thời không cho phép những kẻ tiếp tay thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên đất Mỹ.

Thứ trưởng Ngân sách phụ trách mảng khủng bố và tình báo tài chính David S. Cohen được truyền thông Mỹ dẫn lời khẳng định: Các đối tượng này sử dụng hệ thống tài chính của chúng tôi, dùng hệ thống thương mại để thâm nhập thị trường, phá hoại thị trường và sử dụng tiền lãi của chúng.

Bộ Tài chính Mỹ đã liệt kê 9 đối tượng bị áp lệnh trừng phạt, trong đó 2 đối tượng thuộc băng nhóm Yamaguchi-gumi và 7 đối tượng của băng nhóm Brothers’ Circle. (Băng nhóm Brothers’ Circle được mô tả là nhóm tội phạm đa sắc tộc, hoạt động tại ít nhất tại 4 châu lục).

Mỹ nhắm đến trùm băng đảng Kenichi Shinoda. Ảnh: AFP


Nhìn sang châu Âu, thực trạng an ninh của nước Pháp thời gian gần đây đã ở mức đáng báo động. Các vụ phạm tội sử dụng vũ khí ám sát, thanh toán lẫn nhau hay tấn công lại lực lượng an ninh diễn ra với mật độ ngày càng nhiều.

Tháng trước, trích dẫn báo cáo của cảnh sát tư pháp về tình trạng tội phạm tại Pháp, Nhật báo Le Figaro của Pháp cảnh báo sự gia tăng mạnh các băng nhóm tội phạm hoạt động trong những khu phố nhạy cảm cũng như việc các nhóm tội phạm người nước ngoài cắm chân tại Pháp ngày càng nhiều.

Báo cáo (dày 93 trang) của cảnh sát Pháp chỉ rõ: Tại Pháp, đã hình thành những mạng lưới mafia người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc đến từ châu Phi. Hoạt động liên quan đến buôn bán ma túy mỗi năm mang lại 2 tỷ USD cho các băng đảng tội phạm.

Các nhóm tội phạm tại Pháp hiện chủ yếu hoạt động buôn bán ma túy, làm tiền giả, thanh toán lẫn nhau, dùng vũ khí trấn lột… Chỉ riêng năm 2011, cảnh sát tư pháp đã ghi nhận có 28.770 vụ phạm tội như vậy. Đó là chưa kể đến không ít các vụ mà mức độ nghiêm trọng chưa phải là lớn.

Theo các nhà phân tích, giờ đây không còn tồn tại khái niệm “mafia Pháp” theo đúng nghĩa đen của nó. Nhưng, trên thực tế đã xuất hiện nhiều tổ chức tội phạm với quy mô thu nhỏ, chuyên môn hóa cao và mức độ nguy hiểm cũng lớn hơn.

Bên cạnh các tổ chức tội phạm truyền thống ở Pháp như băng nhóm đảo Corse, Marseille…. các nhà phân tích của cơ quan chức năng Pháp lưu ý là tình trạng gia tăng mạnh mẽ một thế hệ tội phạm mới xuất thân từ các khu phố nhạy cảm, tức các khu phố nghèo.

Bên cạnh đó là việc các mạng lưới mafia nước ngoài như của Nga, Italy, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đang có chiều hướng cắm chân sâu vào nhiều địa bàn trong nước, đặc biệt là khu vực Paris và vùng bờ biển Côte d’Azur, miền Đông Nam nước Pháp. Hoạt động của các băng đảng chủ yếu liên quan đến ma túy. Các nhóm mafia ngoại quốc liên kết với các nhóm tội phạm địa phương, khu phố để vận chuyển ma túy từ Bỉ, Hà Lan và Đức về Pháp tiêu thụ.

Ngoài buôn bán ma túy, các hoạt động làm tiền giả, giấy tờ giả, lừa đảo, dẫn gái mại dâm cũng đang phát triển mạnh và đều nằm dưới sự kiểm soát của các băng đảng tội phạm có tổ chức.

Dẫn lại theo Le Figaro, Đài Tiếng nói Quốc tế Pháp cho biết, các nhóm mafia Italy giờ đây quan tâm đến lĩnh vực năng lượng sạch để biển thủ một khối lượng lớn nguồn tiền trợ cấp của châu Âu cho khu vực kinh tế này. Cách thức của các băng đảng mafia Italy là “xâm nhập vào cơ quan quản lý chính quyền để có thể gây áp lực ảnh hưởng trong việc triển khai các dự án năng lượng”.

Còn các nhóm mafia Thổ Nhĩ Kỳ lại là những “nhà vô địch” về vận chuyển người nhập cư bất hợp pháp. Các đường dây của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa vào châu Âu 90% số lượng người nhập cư bất hợp pháp.

Những băng nhóm người Tchetchenia thì chuyên về các hoạt động bạo lực, trấn lột, buôn ma túy, tiêu thụ xe hơi đánh cắp, làm giấy tờ giả.

Các băng nhóm đến từ châu Phi thì tập trung vào những hoạt động lừa đảo trên mạng Internet với thiệt hại gây ra lên tới hàng triệu euro.

Các băng nhóm châu Á thì nắm lĩnh vực trồng cần sa và chăn dắt gái mại dâm. Cụ thể, các tổ chức của người Trung Quốc nắm đường dây mại dâm, các phòng massage. Những hoạt động này của người châu Á đang có xu hướng tăng mạnh ở Thủ đô Paris cũng như các địa phương.

Dân biểu Florence Lamblin bị truy tố vì liên quan đến vụ rửa tiền buôn lậu ma túy. Ảnh: leparisien.fr


Cũng tại Pháp, ngày 13/10/2012, 9 người, trong đó có bà Florence Lamblin, Phó Quận trưởng Quận 13, Paris, đặc trách phát triển bền vững và môi trường, dân biểu địa phương thuộc Đảng Xanh, đã bị truy tố trong vụ phá vỡ một đường dây Pháp - Thụy Sĩ rửa tiền buôn ma túy. Quận trưởng Jérôme Cousset xác nhận bà Florence Lamblin đã từ chức cùng ngày, nhưng khẳng định bà không dính dáng gì đến đường dây này.

Hãng Thông tấn Pháp AFP dẫn lại nguồn tin của cảnh sát cho biết, đây là đường dây rửa tiền buôn ma túy lớn nhất từ trước đến nay, bị cảnh sát Pháp phá vỡ. Theo xác minh ban đầu, trong 5 tháng qua, đường dây này đã rửa tổng cộng 40 triệu euro.

Trong vòng chưa đầy 1 tuần, tổng cộng đã có 17 người bị tạm giữ tại Pháp và 3 người khác bị bắt ở Geneva, Thụy Sĩ. Hàng trăm triệu euro tiền mặt và tài sản có giá trị đã bị tịch thu.

Trong các vụ khám xét, đặc biệt là ở nhà riêng của nữ dân biểu Florence Lamblin, các nhà điều tra đã tìm thấy tổng cộng 400 nghìn euro tiền mặt cũng như trong các tài khoản ngân hàng.

Vụ việc bắt đầu từ cuộc điều tra tại Nanterre vào tháng 2 đã phanh phui một đường dây nhập cần sa giữa Maroc, Tây Ban Nha và vùng Paris. Theo Viện Công tố Paris, đường dây này đã nhập tổng cộng 8 tấn cần sa và số tiền thu được đã được rửa qua một hệ thống rất phức tạp.

Tại Tây Ban Nha, ngày 19/10/2012, doanh nhân Trung Quốc Cao Bình (Gao Ping), chủ một phòng tranh, tiếp tục bị bắt giam vì bị nghi ngờ đứng đầu mạng lưới mafia chuyên rửa hàng trăm triệu euro.

Ông Cao Bình, 45 tuổi, nằm trong số 82 nghi can bị bắt giữ (hôm 16/10/2012) trong khuôn khổ một chiến dịch quy mô mang tên “Chiến dịch Hoàng đế”, với sự tham gia của hơn 500 cảnh sát trên toàn Tây Ban Nha.

Cảnh sát Tây Ban Nha thu giữ một khối lượng lớn tiền mặt trong chiến dịch truy quét tội phạm tại Madrid ngày 16/10/2012. Ảnh: Reuters


Cảnh sát đã tịch thu 10 triệu euro tiền mặt, 200 chiếc xe, súng ống, nữ trang và nhiều tác phẩm nghệ thuật đồng thời ra lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng của trên 120 người. Trong số 82 nghi can đã được thẩm phán Fernando Andreu thẩm vấn, 47 người bị tạm giam, trong đó có vợ chồng ông Cao Bình, 23 người được tạm tha sau khi nộp tiền thế chân và 12 người được trả tự do.

Công tố viên Antonio Salinas, phụ trách chống tham nhũng, cho biết, mạng lưới này chuyên rửa tiền (thu được từ hoạt động mại dâm và trấn lột, thông qua các công ty bình phong, đặc biệt là các quán karaoke và nhà hàng), trốn thuế, hối lộ các viên chức và làm giả giấy tờ. Giám đốc Cảnh sát Ignacio Cosido khẳng định với báo chí: Đây là một chiến dịch lịch sử, được tiến hành sau 3 năm điều tra, tại nhiều thành phố, trong đó có Madrid và Barcelona, rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống tội phạm kinh tế.

Ông Cao Bình, người gốc Chiết Giang - một tỉnh ở miền Đông Bắc Trung Quốc - là một trong những Hoa kiều nổi tiếng nhất tại Tây Ban Nha. Ông là chủ nhân của nhiều đơn vị kinh doanh, trong đó có những phòng tranh ở Madrid và ở Bắc Kinh. Cảnh sát và tòa án nghi ngờ ông Cao Bình là người cầm đầu mạng lưới mafia ở Tây Ban Nha. Ông Cao Bình đã bị thẩm vấn cùng với 10 nghi can khác được cho là nhóm điều hành mạng lưới tội phạm này.

Theo Viện Kiểm sát Tây Ban Nha, những đồng tiền bẩn cũng được đầu tư tại các quốc gia được xem là thiên đường thuế, qua các trung gian người Tây Ban Nha hay Israel, hoặc gửi về Trung Quốc bằng xe hơi hoặc xe lửa.

Tại Italy, trung tuần tháng 2 năm nay, các công tố viên cho biết, đã phá được một đường dây tội phạm có tổ chức làm giả trái phiếu Mỹ có giá trị lên tới 6 nghìn tỷ USD.

Số trái phiếu có giá trị khổng lồ này được phát hiện trong 3 thùng kim loại trong một nhà kho ở thành phố Zurich của Thụy Sĩ. Giới chức Italy đã bắt giữ ít nhất 8 người để điều tra gian lận và tội phạm khác.

Đây không phải lần đầu phát hiện giả mạo trái phiếu tại Italy. Ảnh: BBC


Nhấn mạnh vụ gian lận đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho ngành an ninh tài chính quốc tế, các thanh tra viên, có trụ sở tại Potenza, miền Nam Italy, cho biết, trong khi hợp tác với cảnh sát Thụy Sĩ, họ đã tìm thấy 3 thùng kim loại trong một kho hàng ở Zurich. Các thùng này chứa hàng nghìn trái phiếu giả của Mỹ, tạo cho người ta cảm giác là trái phiếu này được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phát hành vào năm 1934. Tuy nhiên, giới chức Washington khẳng định đây là trái phiếu giả.

Cần nói thêm, trái phiếu Mỹ từng bị làm giả và bị bắt giữ ở Italy trước đây ít nhất 3 trường hợp trong năm 2009. Có điều, vụ phát hiện này có quy mô lớn hơn rất nhiều các cuộc điều tra trước đó vì lượng trái phiếu giả giá trị tương đương gần một nửa số nợ của cả nước Mỹ.

Tại Mỹ, ngày 25/7/2011, Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành một sắc lệnh nhằm đấu tranh một cách hiệu quả hơn với các tổ chức tội phạm quốc tế như các băng mafia của Italy, Nga, Mexico và Nhật Bản.

Theo ông Barack Obama, các nhóm mafia đã thâm nhập vào nội bộ chính quyền và hệ thống tài chính quốc tế, đe dọa an ninh quốc gia, ngoại giao và kinh tế Mỹ.

Phá vỡ quyền lực kinh tế của các tổ chức tội phạm quốc tế là mục tiêu của những biện pháp mới này. Cụ thể: Tất cả tài sản của họ, hiện đang nằm ở Mỹ hay do một số người có quốc tịch Mỹ nắm giữ, sẽ bị phong tỏa. Ngoài ra, người dân Mỹ sẽ không được phép giao dịch với các tổ chức này.

Jesus “El Mamito” Rejon - một trong những thủ lĩnh của tổ chức Los Zetas bị cảnh sát đem ra trình diện báo chí ngày 4/7/2011. Ảnh: Reuters


Các tổ chức tội phạm mà sắc lệnh nhắm tới bao gồm: Câu lạc bộ Huynh đệ, được lập ra từ những băng nhóm thuộc các nước Liên Xô cũ; tổ chức Camora (thuộc vùng Napoli, Italy) chuyên bán sản phẩm sao chép trái phép, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ cũng như vấn đề bảo hộ bản quyền; giới Yakuza của Nhật Bản, hoạt động mạnh trong lĩnh vực buôn bán thuốc phiện và rửa tiền; tổ chức Los Zetas - băng đảng hung bạo nhất trong số 7 nhóm mafia hoạt động tại Mexico, và có móc nối với các băng tội phạm tại Mỹ. (Ngoài buôn bán thuốc phiện, tổ chức Los Zetas còn buôn người và rửa tiền).


Thu Trang - Tiến Mạnh
(Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất