Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ VI: Yemen và al-Qaeda

Thứ hai, 31/10/2011 - 06:35

(Thanh tra) - Vụ đánh bom không thành chiếc máy bay trên đường tới Detroit vào Giáng sinh năm 2009 đã làm thức tỉnh thế giới về mối đe dọa của nhóm al-Qaeda tại bán đảo Ả rập (AQAP) vì đây là một tổ chức mà cho tới khi đó ít ai được nghe tên.

Anwar al-Awlaki - thủ lĩnh al-Qaeda tại bán đảo Ả rập. Ảnh: AFP

>> Kỳ V: Thảm kịch Na Uy
>> Kỳ IV: Nga - Nạn nhân của khủng bố
>> Kỳ III: Trường hợp Taliban
>> Kỳ II: Người chết, chuyện chưa hết
>> Kỳ I: Cái chết của Bin Laden

Với diện tích khoảng 530.000km2, gần bằng lãnh thổ nước Pháp, Yemen là quốc gia Ả rập nằm ở cực Nam bán đảo Ả rập, giáp giới với vương quốc Saudi Arabia ở phía Bắc, Đông giáp Oman, Tây là biển Hồng Hải và phía Nam nhìn ra vịnh Aden, nơi hải tặc Somalia hoành hành.

Là một quốc gia rộng lớn, nhưng chỉ có 23 triệu dân, địa hình hiểm trở, chính quyền trung ương phân hóa do chia rẽ sắc tộc, Yemen có nhiều điểm tương đồng với Afghanistan và Pakistan.

Theo Abdel Karim Eriani, cố vấn chính trị của Tổng thống Yemen Ali Abdallah Saleh, al-Qaeda có dư tiền để tuyển mộ chiến binh. Bản thân Osama bin Laden, trùm khủng bố quốc tế một thời, từng tuyên bố Yemen là vùng đất màu mỡ cho tổ chức al-Qaeda vì “nhà nước yếu, bộ tộc tự trị có thế lực, xu hướng bao che người cùng bộ tộc ẩn náu và có địa hình hiểm trở”.

Ước tính, lực lượng al-Qaeda tại Yemen có từ 200 - 300 thành viên. Mấy năm trở lại đây, ảnh hưởng của khủng bố quốc tế có chiều hướng gia tăng từ khi các tổ chức khủng bố địa phương kết hợp với nhóm al-Qaeda của Saudi Arabia làm cho Ryad lo sợ một Afghanistan mới sát biên giới.

PETN là tên viết tắt của một loại chất nổ dẻo có độ công phá mạnh. Tên hóa học của nó là Pentaerythritol Tetranitrate, là 1 thành phần của Semtex. Chất này không màu, không mùi và không dễ phát hiện. Hoạt tính khá ổn định và chủ yếu được dùng làm chất nổ mạnh. Người ta cũng dùng chất này trong y tế để làm động mạch chữa chứng bệnh đau ngực angina pectoris.
Có nhiều nơi sản xuất chất liệu này, kể cả một số địa điểm ở Mỹ.
PETN được dùng trong nhiều vụ tấn công có liên quan tới al-Qaeda cũng như các nhánh ở Trung Đông liên kết với al-Qaeda ở bán đảo Ả rập.

Nhánh al-Qaeda ở bán đảo Ả rập được thành lập hồi tháng 1/2009 trên cơ sở sáp nhập 2 nhánh khu vực của mạng lưới vũ trang Hồi giáo quốc tế ở Yemen và Saudi Arabia. AQAP do 2 thành viên cấp thấp của al-Qaeda lập ra. Đây là những kẻ đã trốn thoát từ một nhà tù ở Yemen hồi năm 2006. Một trong 2 người này tên là Nasser Abdul Karim al-Wuhayshi từng là cố vấn riêng cho cố trùm khủng bố Osama bin Laden của al-Qaeda ở Afghanistan.

Tổ chức này nhanh chóng nổi tiếng với các vụ tấn công trực diện nhưng bất định, được cố vấn chống khủng bố của Nhà trắng John Brennan mô tả là “nhánh hoạt động tích cực nhất” trong mạng lưới al-Qaeda bên ngoài Afghanistan và Pakistan.

Cuối tháng trước, Anwar al-Awlaki, lãnh đạo cao cấp của al-Qaeda tại Yemen bị giết chết tại Khashef thuộc Jawf, cách Thủ đô Sanaa chừng 140km về phía Đông cùng một số cộng sự khác. Lên tiếng về sự kiện này, giới chức Mỹ nói rằng, các máy bay không người lái của Mỹ đã thực hiện vụ tấn công. Tổng thống Mỹ Barack Obama thì khẳng định cái chết của Anwar al-Awlaki “đánh dấu một cột mốc quan trọng nữa trong nỗ lực rộng lớn nhằm đánh bại al-Qaeda và các chi nhánh của chúng”.

Nhân vật bị giết chết cùng Anwar al-Awlaki là Samir Khan, cũng là một công dân Mỹ (gốc Pakistan). Đây là kẻ chuyên mở các tạp chí trực tuyến cổ vũ cho ý thức hệ al-Qaeda và hướng dẫn cách làm bom.

Anwar al-Awlaki, người gốc Yemen, là một nhân vật quan trọng trong tổ chức AQAP. Ông ta được cho là đã đứng đằng sau một số nỗ lực tấn công Mỹ. Theo Tổng thống Barack Obama, Awlaki là nhân vật hàng đầu của AQAP, đã dẫn dắt việc “lên kế hoạch và chỉ đạo các nỗ lực nhằm giết chết những người Mỹ vô tội” cũng như đã “trực tiếp chịu trách nhiệm về cái chết của nhiều công dân Yemen”. Người đứng đầu Nhà trắng còn cho rằng, Awlaki đã chỉ đạo các nỗ lực nhằm làm nổ tung máy bay Mỹ. Đồng thời, đã “nhiều lần kêu gọi các cá nhân ở Mỹ và trên khắp thế giới giết những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội”.

Gordon Corera, phóng viên chuyên về an ninh của BBC đánh giá vụ giết chết Awlaki có ý nghĩa rất quan trọng bởi nhân vật này biết cách tận dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để vươn rộng phạm vi ảnh hưởng. Qua đó, truyền bá rộng rãi tư tưởng cực đoan tới nhiều đối tượng hơn.

Hồi tháng 11/2010, Maplecroft, một tổ chức tư vấn cho các doanh nghiệp toàn cầu có trụ sở ở Anh, đã xếp hạng 196 quốc gia về nguy cơ khủng bố với các mức độ từ nguy cơ thấp tới nguy cơ cực cao. Trong đó, tổ chức này xếp hạng Somalia là nước đứng đầu danh sách, tiếp theo là Pakistan, Iraq, Afghanistan và lãnh thổ Palestine.

Maplecroft cho biết, Somalia đã hứng chịu 556 vụ tấn công khủng bố trong giai đoạn từ tháng 6/2009 - 6/2010, khiến 1.437 người thiệt mạng. Theo VOA, Somalia và Chính phủ yếu ớt được Liên hợp quốc hậu thuẫn thường bị đe dọa bởi nhóm Hồi giáo cực đoan al-Shabab, là phe kiểm soát phần lớn nước này. al-Shabab cũng muốn biến Somalia thành nước Hồi giáo hà khắc.

Nhóm đứng đầu danh sách các nước có nguy cơ cực cao về khủng bố còn có Colombia, Thái Lan, Philippines, Yemen và Nga.

Được biết, ông Anwar al-Awlaki bị cáo buộc không ít tội danh, bao gồm: Tuyển dụng và chuẩn bị cho Umar Farouk Abdulmutallab, người Nigeria, trong nỗ lực đánh bom bất thành một máy bay chở khách tới Detroit vào Giáng sinh năm 2009. Chỉ đạo một âm mưu bất thành, định cho nổ tung 2 máy bay vận tải ở Mỹ bằng chất nổ giấu trong hộp mực máy in hồi năm 2010. Khuyến khích Maj Nidal Malik Hasan (người Mỹ) trong việc tiến hành vụ giết hại tại căn cứ không quân Mỹ ở Forrt Hood, Texas, làm chết 13 người hồi năm 2009. Tạo cảm hứng cho một kẻ tiến hành vụ đánh bom bất thành tại Quảng trường Times của New York hồi năm 2010. Tạo cảm hứng khiến một phụ nữ Anh đâm dân biểu Stephen Timms đại diện cho khu vực cử tri của mình do có quan điểm ủng hộ cuộc chiến Iraq. Âm mưu sử dụng các loại chất độc, kể cả chất xyanua và chất ricin trong các cuộc tấn công. Ngoài ra là việc liên tục kêu gọi việc giết hại người Mỹ và nói trong một video trực tuyến hồi 2010 rằng họ đều thuộc “lũ ma quỷ”.

Trước đó, hôm 21/7/2011, quân đội Yemen lên tiếng nói rằng, lực lượng quân sự của họ đã tiêu diệt được một thủ lĩnh của chi nhánh al-Qaeda ở nước này. Cụ thể, Ayed al-Shabwani đã bị giết trong một vụ giao tranh ác liệt giữa phe chủ chiến và binh sĩ Chính phủ ở thị trấn Zinjibar (lực lượng al-Qaeda đã kiểm soát thị trấn này kể từ tháng 5) thuộc miền Nam. Ngoài ra, quân đội Yemen còn cho biết, binh sĩ của họ cũng đã giết chết một thủ lĩnh khác của al-Qaeda.

Còn nhớ, hồi tháng 11 năm ngoái, trên website của mình, AQAP xác nhận đã gửi 2 quả bom qua đường hàng không hướng đến Mỹ hôm 29/10. Ngoài ra, tổ chức này còn nhận trách nhiệm làm rơi máy bay chở hàng của Mỹ tại Dubai đầu tháng 9/2010.

Trong đó, 2 quả bom tự tạo, với thuốc nổ loại mạnh PETN được giấu trong ống đựng mực in, được phát hiện trên chuyến bay từ Yemen, hướng đến Dubai và Anh. Địa chỉ nơi nhận là các giáo đường của người Do Thái đặt tại Chicago, Mỹ. Giới chức khẳng định, các gói hàng là thuốc nổ được nhét vào trong hộp mực máy in của máy tính. Cảnh sát ở Dubai xác nhận, thiết bị thu giữ được chứa loại thuốc nổ mạnh có tên là PETN. Khối thuốc nổ bị chặn ở Anh còn khả năng hoạt động và có thể phá hủy một chiếc máy bay, theo Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Theresa May. Riêng bưu kiện ở Dubai còn có một hệ thống mạch điện tử nối vào một thẻ SIM của điện thoại di động giấu trong máy in. Máy in được để trong hộp với một quyển sách về quản lý, một quyển truyện The Mill on the Floss của George Eliot và nhiều vật dụng khác nhau như một cái rổ có nắp mầu hồng và tím. Nghị sĩ Mỹ Jane Harman từng nói với Thời báo New York Times rằng, cả 2 bưu kiện chứa đầy các hộp mực máy tính nhồi thuốc nổ PETN. Theo thông báo của Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ với bà Jane Harman, một thiết bị dùng điện thoại cầm tay để kích nổ còn thiết bị kia là loại hẹn giờ.

Trước đó, hôm 3/9, chiếc máy bay chở hàng của Hãng Bưu chính toàn cầu UPS gặp nạn gần sân bay Dubai sau khi cất cánh khiến 2 phi công thiệt mạng.

Thông điệp trên trang web Hồi giáo khi đó cáo buộc chính quyền Saudi Arabia đã ngăn cản vụ tấn công, chỉ trích thái độ “hợp tác với người Do Thái” của giới chức. Đồng thời cảnh báo: “Trong năm nay, chúng tôi 3 lần dùng bom nhắm đến máy bay của Mỹ. Nếu Thượng đế phù hộ, chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công các cơ sở của người Mỹ và đồng minh của Mỹ”.

Hồi tháng 5/2010, một nhóm al-Qaeda ở Yemen cũng đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom tự sát nhắm vào Đại sứ Anh ở Yemen. Trong tuyên bố của mình, tổ chức này cho biết nhắm vào Anh vì nước này được cho là “có âm mưu chống lại AQAP” cũng như vai trò của họ trong việc thành lập Nhà nước Israel.

Xa hơn nữa, vào tháng 12/2009, trong thông cáo phát trên nhiều trang web Hồi giáo cực đoan, tổ chức khủng bố al-Qaeda lên tiếng xác nhận là đã hoạch định âm mưu cho nổ một chiếc máy bay của Hãng Hàng không Northwest trên tuyến đường Amsterdam - Detroit và kêu gọi “tống xuất toàn bộ những kẻ vô đạo khỏi bán đảo Ả rập” cũng như “giết chết toàn bộ “quân thập tự chinh” làm việc trong các toà đại sứ và các cơ quan của phương Tây ở Yemen”.

Sau vụ khủng bố chiếc máy bay Mỹ trên đường từ Amsterdam đến Detroit, quân đội Yemen đã mở cuộc tấn công lớn vào một nơi có căn cứ địa của al-Qaeda.

Xin nói thêm, từ lâu, các cơ quan an ninh của Anh và Mỹ sợ Yemen trở thành nơi trú ẩn cho phe vũ trang, theo sau các vụ diệt trừ al-Qaeda ở Afghanistan và Pakistan. Tại quốc gia này có tổ chức AQAP trong khi Chính phủ thì yếu và không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ.

Thời báo New York Times khi đó cho biết, Washington sẽ tăng viện trợ quân sự cho Yemen lên 70 triệu USD với mục tiêu không để quốc gia nằm giữa Saudi Arabia và Somalia trở thành một an toàn khu của al-Qaeda trong vùng. Số tiền viện trợ bao gồm chi phí huấn luyện và các thiết bị quân sự như: Máy điện đàm, phụ tùng trực thăng, xe tải và tàu tuần tra.

Cũng theo tờ báo, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã âm thầm gửi nhiều chuyên gia và sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt có kinh nghiệm chống khủng bố sang Yemmen để đối phó với al-Qaeda. Song song với công tác này, nhiều toán biệt kích Mỹ cũng đã tham gia chương trình huấn luyện cho lực lượng an ninh Yemen.

Về phía mình, Tổng thống Yemen, ông Ali Abdullah Saleh, một mặt cam kết sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại tổ chức al-Qaeda “trong việc hợp tác với các đối tác của mình”, mặt khác cũng bày tỏ rõ quan điểm: “Chúng tôi không muốn ai can thiệp vào công việc nội bộ của Yemen bằng việc truy lùng tổ chức al-Qaeda”.

Đề cập đến ảnh hưởng của al-Qaeda tại Yemen, Jeremy Bowen, biên tập viên về Trung Đông của BBC News cho rằng: Chỉ cần nhìn vào đất nước này là hiểu được tại sao al-Qaeda lại thoải mái ở đây, đến mức một trong các lãnh đạo của họ được biết đã chuyển cả vợ và gia đình đến đây từ Saudi Arabia. Chuyên gia Jeremy Bowen còn cho biết thêm, các vùng đồi núi của Yemen cằn cỗi, khó vào và có ưu điểm, theo quan điểm của người ủng hộ Thánh chiến Jihad là, không bị Chính phủ Trung ương kiểm soát.

Dễ nhận thấy, al-Qaeda tại bán đảo Ả rập đã thiết lập cơ sở tại Yemen sau khi bị buộc ra khỏi Saudi Arabia, tận dụng thực tế là nhiều khu vực trong lãnh thổ Yemen bị các bộ lạc hùng mạnh, có vũ trang kiểm soát, chứ không phải Chính phủ vốn ngày càng thân Mỹ và các cố vấn chống khủng bố của Mỹ.

An ninh bất ổn tại Yemen là mảnh đất “màu mỡ” cho các hoạt động khủng bố. Ảnh: EPA


Cần lưu ý, al-Qaeda không phải là vấn đề duy nhất tại Yemen. Saudi Arabia đã can thiệp vào cuộc chiến bộ lạc kéo dài tại phía Bắc. Một phong trào ly khai tại phía Nam muốn Yemen chia thành 2 nước.

Người nghèo đang trở nên nghèo hơn. Tỉ lệ mù chữ cao. Tỉ lệ sinh ở Yemen cao nhất tại Trung Đông. Dầu lửa, mặt hàng xuất khẩu chính, sẽ cạn kiệt trong 10 năm tới. Trong khi đó, các mỏ khí mới có vẻ không đủ dồi dào và lời lãi để thay thế trữ lượng dầu. Lượng nước của Yemen cũng đang cạn.

Báo cáo mới nhất của tổ chức phi chính phủ Oxfam chỉ rõ, bạo lực chính trị đã làm “tê liệt” Yemen. Oxfam cảnh báo, sẽ xảy ra một thảm họa lương thực nếu cộng đồng quốc tế không huy động kịp thời để giúp đỡ Yemen - nước được coi là nghèo nhất trong cộng đồng A rập. Theo Oxfam, phụ nữ Yemen vốn bị phân biệt đối xử trầm trọng nhất thế giới, khi lương thực thiếu thốn, càng trở nên thảm thương hơn.

Le Nouvel Observateur cho biết, kể từ khi xảy ra vụ nổi dậy hồi tháng 1/2011 đến nay, tại Yemen đã có hàng trăm người chết và nhiều nghìn người bị thương. Trong bối cảnh đó, tình hình bất ổn tại Yemen rất rối rắm: Sự nổi dậy của người Shia ở miền Bắc, phong trào li khai ở miền Nam, ảnh hưởng ngày càng lớn của al-Qaeda. Cộng đồng quốc tế kêu gọi Tổng thống Saleh ra đi, nhưng ai sẽ là người thay thế ông để ổn định tình hình đất nước trong khi các cường quốc phương Tây và Saudi Arabia đều thừa nhận, thiếu lực lượng thay thế cho ông Saleh. Chưa kể, cũng không có thể chế nào đủ sức đảm nhiệm trọng trách ổn định đất nước như lực lượng quân đội đã làm tại Ai Cập. Đó là chưa nói, đảng đối lập Al-Islah thì không được người Mỹ ưa thích. Vậy là, Tổng thống Ali Abdullah Saleh vẫn tiếp tục tại vị. Tình trạng trấn áp biểu tình vẫn tiếp diễn, số người thương vong tiếp tục tăng lên. “Người dân Yemen đang trả giá đắt cho quyền tự do của mình”, Le Nouvel Observateur nhận định.

Chính vì thế, ông Alexandr Lukashevich, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga mới đây đã lên tiếng cảnh báo về tình hình chính trị tại Yemen “đang bấp bênh trên bờ vực nguy kịch”. Nhấn mạnh, một yếu tố quan trọng để ổn định tình hình ở Yemen là thực hiện nghiêm Nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ngày 24/9/2011, Moscow kêu gọi tất cả lực lượng chính trị Yemen kiềm chế và thận trọng để bảo tồn cơ hội khắc phục cuộc khủng hoảng nội bộ. Nước Nga chủ trương ủng hộ việc giải quyết cuộc xung đột “trên các phương hướng được trình bày qua sáng kiến của Hội đồng Hợp tác các quốc gia vùng Vịnh và trong bối cảnh những nhân tố thương lượng hiện có”, Alexandr Lukashevich nói.

Tới đây, để khép lại kỳ VI, xin dẫn lại khuyến cáo của Gregory Johson, chuyên gia về Yemen tại Đại học Princeton (bang New Jersey, Mỹ) rằng: Việc sử dụng biện pháp quân sự chỉ nên dùng khi nào “chúng ta đã thành công trong việc tách được al-Qaeda ra khỏi dân chúng và làm mất đi hào quang xung quanh những tư tưởng của nhóm này”.

Ông Gregory Johson cũng cảnh báo, việc đồng nhất tất cả những người Hồi giáo triệt để với tổ chức al-Qaeda là cực đoan. Theo chuyên gia này, các hoạt động quân sự cần được đi kèm với các hoạt động phát triển. Bởi vì, “nghèo đói, thất nghiệp, tham nhũng và thất vọng đẩy giới trẻ cầm vũ khí chống lại phương Tây”.

Kỳ VII: Cuộc chiến tại Đông Nam Á


Trọng Thành - Thanh Phương
(Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất