Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia:

Hơn 3.000 báo cáo, 547 người bị bắt vì tham nhũng, hối lộ

Ngọc Anh

Chủ nhật, 10/11/2024 - 10:43

(Thanh tra) - Tổng cộng có 3.173 báo cáo đã được đệ trình chống lại công chức về tội tham nhũng, hối lộ trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, theo Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC).

Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia Tan Sri Azam Baki (ngồi) đang kiểm tra Văn phòng MACC mới ra mắt tại Keningau. Ảnh: thestar

Chủ tịch MACC Tan Sri Azam Baki ngày 9/11 cho biết, trong số 3.173 báo cáo, 547 người đã bị bắt vì tội tham nhũng, hối lộ.

Trong số những người bị bắt giữ, 9 người là công chức cấp cao, 181 người giữ vai trò quản lý hoặc chuyên môn và 357 người là nhân viên vận hành hoặc hỗ trợ.

Lãnh đạo MACC cho biết thêm, 544 hồ sơ điều tra đã được mở liên quan đến công chức.

Các trường hợp liên quan tới nhận hối lộ chiếm đa số với 275 vụ, tiếp theo là vòi vĩnh trái pháp luật (129), lạm dụng quyền lực (74), vi phạm Đạo luật chống rửa tiền (17), đưa hối lộ (6), vi phạm Bộ luật Hình sự (1) và 42 trường hợp theo các điều khoản khác.

Tổng cộng có 185 công chức đã bị buộc tội, với 84 bản án được ghi nhận cho đến nay.

MACC đã ghi nhận 5.732 báo cáo trong 10 tháng của năm 2024 trên toàn quốc, trong đó có 3.720 báo cáo liên quan đến tham nhũng.

Trong số đó, MACC đã mở 2.554 hồ sơ điều tra, hồ sơ tình báo và điều tra sơ bộ, dẫn đến 1.252 vụ bắt giữ, 410 cáo buộc và 208 bản án.

“Tỷ lệ tham nhũng trong số các công chức nên duy trì dưới 40%. Tỷ lệ hiện tại cao hơn ngưỡng này, thật đáng lo ngại vì họ là những cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý các quỹ của Chính phủ, công quỹ. Và, việc ngăn chặn sử dụng sai mục đích các quỹ trở nên vô cùng quan trọng”, ông Azam cho biết.

Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia, Tan Sri Azam Baki. Ảnh: thestar

Phát biểu trong lễ ra mắt chính thức Văn phòng MACC tại quận Keningau của bang Sabah ngày 9/11, Chủ tịch Ủy ban nhấn mạnh tầm quan trọng của sự liêm chính, tái khẳng định lời tuyên thệ phục vụ công chúng là giữ vững các cam kết với Chính phủ, xã hội và niềm tin của mỗi cá nhân.

Ông nói thêm rằng, quyết định gần đây của Chính phủ về việc tăng lương cho công chức sẽ giúp nâng cao tinh thần và củng cố sự tận tụy của họ đối với dịch vụ công.

“Các viên chức MACC cũng phải tuân thủ những tiêu chuẩn này và chúng tôi cố gắng giải quyết càng nhiều vụ án mật càng tốt”, ông nói thêm.

Trong khi đó, Azam cho biết việc, mở một văn phòng MACC mới tại Keningau, một khu vực chiếm 29% diện tích đất của bang Sabah, là một động thái kịp thời để giải quyết các vấn đề tham nhũng đang gia tăng.

Trước đây, chỉ có một trung tâm thông tin phục vụ cộng đồng, hạn chế khả năng tiếp cận.

Ông cho biết, văn phòng mới sẽ cho phép báo cáo và xử lý các vụ việc trực tiếp hơn.

“Với sự phát triển của Keningau, văn phòng này rất kịp thời. Trước đây, không có văn phòng chuyên trách nào ở đây và thông tin bị hạn chế. Chúng tôi dự đoán sẽ có sự gia tăng các báo cáo với thiết lập mới này... Nhóm của chúng tôi sẽ xử lý các vụ việc tại địa phương hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ Kota Kinabalu (thủ phủ của bang Sabah- PV) khi cần thiết”, ông Azam cho biết.

Lãnh đạo MACC kêu gọi người dân Keningau và các vùng nông thôn lân cận hãy lên tiếng về những lo ngại của mình, đồng thời lưu ý rằng, công chúng ngày càng nhận thức rõ hơn về các vấn đề liên quan đến tham nhũng.

"Chúng tôi hy vọng cộng đồng sẽ trực tiếp đến gặp thay vì gửi email, tin nhắn WhatsApp hoặc trút giận trên mạng xã hội... Các cuộc gặp trực tiếp với các cán bộ MACC hiệu quả hơn và danh tính của những người báo cáo tham nhũng sẽ được bảo vệ, trừ khi họ chọn cách lên tiếng công khai", ông Azam đảm bảo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm