Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hội nghị về thúc đẩy quản trị tốt và chống tham nhũng

Hoài Phương

Thứ năm, 16/06/2022 - 23:42

(Thanh tra) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, ngoài việc quản lý khu vực tài chính và ngân khố, đang dành nguồn lực để xây dựng năng lực về chống tham nhũng và pháp quyền.

Phó Tổng Giám đốc IMF Antoinette M. Sayeh tại Hội nghị về thúc đẩy quản trị tốt và chống tham nhũng. Ảnh: African Union

IMF vừa có thông cáo báo chí về Hội nghị về thúc đẩy quản trị tốt và chống tham nhũng vừa được tổ chức tại Gaborone (Botswana).

Trong 2 ngày 13, 14/6/2022, Viện Đào tạo châu Phi của IMF (ATI) và Cơ quan Phát triển Kinh tế, Thương mại, Du lịch, Công nghiệp và Khoáng sản (ETTIM) thuộc Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) đã tổ chức hội nghị cấp cao về thúc đẩy quản trị tốt và cuộc chiến chống tham nhũng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và nhiều cuộc khủng hoảng khác.

Hội nghị đã xây dựng sự đồng thuận về quản trị tốt như một yếu tố quan trọng cho sự ổn định kinh tế vĩ mô ở châu Phi.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Botswana Peggry Serame nhấn mạnh, quản trị yếu kém và tham nhũng tạo gánh nặng cho ngân sách chính phủ do chi tiêu công liên tục và tăng cao cho các chương trình không mang lại kết quả như mong đợi.

Phó Tổng Giám đốc IMF Antoinette M. Sayeh cho biết: “Các quốc gia có thể chế kinh tế mạnh ứng phó hiệu quả hơn với các cuộc khủng hoảng và chuẩn bị tốt hơn cho sự phục hồi bền bỉ. Và điều đó đúng ở mọi cấp độ phát triển".

Tầm quan trọng của các cải cách trong vấn đề này đã được chứng minh là đúng trong thời kỳ đại dịch, nơi các quốc gia có thể chế mạnh hơn đã có thể đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Monique Nsanzabaganwa, Phó Chủ tịch AUC nhấn mạnh về tác động của các thể chế nhà nước yếu kém đối với tham nhũng. Bà Nsanzabaganwa nói: “Tham nhũng làm suy yếu pháp quyền, trách nhiệm giải trình, tính minh bạch trong lĩnh vực chính trị và làm suy yếu các thể chế nhà nước”.

Hội nghị về thúc đẩy quản trị tốt và chống tham nhũng. Ảnh: African Union

Các đại biểu đã thảo luận về những cải cách mà nhiều nước châu Phi đã thực hiện nhằm tăng cường quản trị và nhà nước pháp quyền, đồng thời giải quyết vấn đề tham nhũng.

Các đại biểu cũng thảo luận về cách thức những cải cách đã hoạt động hiệu quả để cải thiện việc sử dụng nguồn tài chính khẩn cấp cho COVID-19 có thể xây dựng nền tảng để giải quyết sự gia tăng toàn cầu về giá lương thực và nhiên liệu trong ngắn hạn và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu trong dài hạn.

Một tài liệu mới do IMF xuất bản và được thảo luận tại hội nghị nêu bật các ví dụ về quản trị tốt ở châu Phi và đưa ra các bài học từ khu vực bao gồm tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, mua sắm và giám sát quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Những người tham gia cũng xem xét tình hình tham nhũng ở các quốc gia dễ bị tổn thương và bị tác động bởi xung đột. Họ đồng ý rằng, các nước này đã đạt được tiến bộ không đáng kể trong việc giải quyết các thách thức về quản trị hệ thống; và là bằng chứng cho thấy tham nhũng là nguyên nhân dẫn đến sự dễ bị tổn thương cần được cộng đồng quốc tế quan tâm nhiều hơn. Đồng thời nhấn mạnh, những cải cách về quản trị tốt vẫn có thể thực hiện được ngay cả trong những môi trường này. Ví dụ, Rwanda đã thông qua các thể chế tiến bộ hơn để tái thiết lại đất nước sau một cuộc xung đột tàn khốc.

Liên minh châu Phi và IMF đang hỗ trợ phát triển năng lực về quản trị ở châu Phi.

AUC quan tâm tới vấn đề nâng cao nhận thức của các bên liên quan và thúc đẩy những cơ hội học hỏi đồng đẳng giữa các quốc gia thành viên, bao gồm bằng cách phổ biến các ví dụ về những thông lệ tốt về quản trị.

Ngoài việc quản lý khu vực tài chính và ngân khố, IMF đang dành nguồn lực để xây dựng năng lực về chống tham nhũng và pháp quyền. Những chương trình đào tạo bao gồm về các khuôn khổ pháp lý và tổ chức chống tham nhũng, thiết lập các hệ thống chức năng để kê khai tài sản và giải quyết xung đột lợi ích, đồng thời nâng cao tính độc lập của tư pháp và tính minh bạch của hệ thống pháp luật.

Kết luận hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Botswana, ông Moses Pelaelo nhấn mạnh sự cần thiết của lục địa châu Phi để khai thác các lợi ích của số hóa nhằm tăng cường tính minh bạch, quản trị tốt và chống tham nhũng; đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết phải phân bổ nguồn lực cho các sáng kiến số hóa.

AUC và IMF tái khẳng định cam kết hợp tác với tất cả các bên liên quan, vì việc duy trì quản trị được cải thiện bền vững đòi hỏi sự liên minh của các bên từ chính phủ, xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm