Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hối lộ, khai thác mỏ trái phép tràn lan ở Uganda

Thứ bảy, 10/06/2017 - 06:28

(Thanh tra)- Global Witness, một tổ chức phi Chính phủ của Anh, vừa công bố một bản báo cáo cho thấy, tham nhũng, hối lộ diễn ra tràn lan trong việc cấp phép khai thác mỏ ở Uganda. Đây cũng chính là tiền đề cho các hoạt động khai thác sai phép, trái phép diễn ra phổ biến ở hầu hết các mỏ ở Uganda.

Một nghị sĩ dễ dàng có được giấy phép khai thác khoáng sản ở vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên ở Uganda. Ảnh: GW

Báo cáo của Global Witness nhấn mạnh tham nhũng đã trở thành "hệ thống" và sai phạm đang "ngự trị" trong Cục Thăm dò địa chất và khoáng sản (cơ quan cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản ở Uganda). "Dù là khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng một nghị sĩ lại dễ dàng có được giấy phép khai thác khoáng sản ở vùng lõi của khu bảo tồn đó và bán lại cho các công ty khoáng sản. Một công ty khoáng sản nào đó, nếu "thèm muốn" một vùng đất giầu khoáng sản, chỉ cần đến "gặp mặt" một nghị sĩ nào đó ở địa phương, nghị sĩ này ngay lập tức đàm phán giúp với chính quyền địa phương để có 1 phương án di dân ít tốn kém nhất, nhường đất cho công ty đó khai thác khoáng sản. Một quan chức địa phương đã "ăn" hàng trăm tấn khoáng sản sắt chỉ bằng hình thức viết "nhầm" (theo hướng giảm xuống) khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để báo cáo chính quyền cấp trên". Đó chỉ là 3 trong số vô vàn ví dụ điển hình về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực khoáng sản ở Uganda mà báo cáo của Global Witness đã chỉ rõ.

Không chịu "chi", còn lâu mới có giấy phép

Báo cáo của Global Witness cũng đã chỉ ra rằng, theo kết quả điều tra thực tế do các chuyên viên của Global Witness thực hiện, hiện nay, ở Uganda, nếu không chịu chi hối lộ cho các quan chức liên quan thì còn lâu mới có được giấy phép thăm dò và khai thác khoáng sản. 

Không những thế, các quan chức lãnh đạo của Cục Thăm dò địa chất và khoáng sản luôn có mối quan hệ mật thiết với hàng loạt các công ty khoáng sản, nên sẽ rất khó để "vượt mặt" các doanh nghiệp này kể cả khi chính quyền địa phương tổ chức đấu giá công khai quyền khai thác khoáng sản ở bất kỳ mỏ khoáng sản nào. 

Ngay sau khi báo cáo của Global Witness được công bố, Hiệp hội Mỏ và Dầu khí Uganda (đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản) đã phối hợp với Cục Thăm dò địa chất và khoáng sản, lập tức tổ chức phiên họp bất thường nhằm nghiên cứu, đánh giá báo cáo của Global Witness. 

Tại phiên họp bất thường, Chủ tịch Hiệp hội Mỏ và Dầu khí Uganda Elly Karuhanga đã bày tỏ sự nghi ngờ về độ xác thực của bản báo cáo này. "Như các quý vị đều biết, đây là báo cáo của một tổ chức nước ngoài. Rất có thể, đằng sau bản báo cáo này là một ý đồ lợi ích nào đó", bà Elly Karuhanga phát biểu ngay khi bắt đầu phiên họp. 

Bà Elly Karuhanga thừa nhận trong quá khứ từng xảy ra nhiều bê bối liên quan đến cấp phép khai thác khoáng sản, nhưng cũng khẳng định đó chỉ là quá khứ, còn hiện nay không hề có chuyện "xin - cho" trong cấp phép khai thác khoáng sản. "Đến thời điểm này, tôi chưa từng nhận được một lời phàn nàn nào về hành vi nhũng nhiễu trong cấp phép khai thác khoáng sản, từ phía các công ty trong nước, thậm chí cả các công ty, tập đoàn nước ngoài hoạt động tại Uganda. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy một số điều luật, quy định hiện hành về lĩnh vực khai khoáng đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại, và chúng tôi sẽ đóng góp ý kiến này với Chính phủ trong thời gian tới", Chủ tịch Hiệp hội Mỏ và Dầu khí Uganda cho biết thêm.

Theo một nguồn tin từ chính trong Hiệp hội Mỏ và Dầu khí Uganda, về cơ bản những thông tin trong bản báo cáo của Global Witness là tương đối chính xác. Tuy nhiên, cơ quan này không thể phản hồi một cách chính thức bản báo cáo này, mà phải chờ quyết định của cấp cao hơn. 

Nguồn tin này cũng cho hay, việc quyết định mở cuộc điều tra về các hành vi sai phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản sẽ rất khó khăn, vì hiện nay, nhiều chính trị gia cấp cao sẵn sàng tìm mọi cách để ngăn chặn những cuộc điều tra, bởi xét cho cùng, những chính trị gia này không chỉ có lợi ích, mà họ có rất nhiều lợi ích trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, nên họ không dễ dàng để những món hời đó tuột khỏi tay họ, thậm chí họ còn có nguy cơ bị cách chức và bị xét xử hình sự.

Khu bảo tồn đang bị "xẻ thịt"

Báo cáo của Global Witness cũng nêu rõ, các khu bảo tồn thiên nhiên ở Uganda hiện đang bị "xẻ thịt" và bị tàn phá nghiêm trọng. Đây chính là hậu quả của sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng liên quan đến thăm dò và khai thác khoáng sản, hay nói cách khác, đây là hậu quả của hành vi tham nhũng, nhận hối lộ trong lĩnh vực khoáng sản.

Kết quả điều tra của Global Witness cho thấy, Uganda hiện có 28 khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia. Không hiểu vì lý do gì, đến nay, Cục Thăm dò địa chất và khoáng sản Uganda đã cấp phép cho các công ty khai thác khoáng sản "xẻ thịt" 25 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có cả Công viên Bảo tồn thiên nhiên quốc gia Bwindi (thường gọi là rừng cấm Bwindi, nằm ở Tây Nam Uganda). Đây là nơi bảo tồn hệ thực vật cực kỳ phong phú và quý hiếm của thế giới, thậm chí, đây còn là nơi sinh sống duy nhất của một nhóm rất ít cá thể vượn đã tuyệt chủng trên thế giới. Nhưng, vì tiền, vì lợi ích trước mắt, các cơ quan chức năng Uganda vẫn không ngần ngại cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản ở khu vực bảo tồn này.

Nhật Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm