Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điều tra cáo buộc tham nhũng tại Chương trình Hỗ trợ sinh viên

Hoài Phương

Thứ ba, 30/08/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Đơn vị Điều tra Đặc biệt của Nam Phi (SIU) thông báo, sẽ điều tra tham nhũng và hành vi sai trái tại Chương trình Quốc gia Hỗ trợ tài chính sinh viên (NSFAS).

Đơn vị Điều tra Đặc biệt của Nam Phi đang tiến hành điều tra các cáo buộc tham nhũng tại NSFAS. Ảnh: Getty Images

Cuộc điều tra tập trung vào các vấn đề của chương trình được tiến hành sau khi Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng ủy quyền cho SIU điều tra việc quản lý và giải ngân quỹ hỗ trợ của NSFAS tại Trường Cao đẳng Trung tâm Johannesburg vào tháng 4.

Trong tuyên bố, SIU cho biết, cuộc điều tra về NSFAS sẽ được tập trung gấp đôi, với việc xem xét công tác quản lý tài chính và điều tra việc phân bổ các khoản vay, tiền trợ cấp và các khoản hỗ trợ khác cho sinh viên theo chương trình.

Cuộc điều tra diễn ra sau khi Tòa án Sơ thẩm thành phố Đông London (tỉnh Eastern Cape) hồi tháng 5 phát hiện Sibongile Mani phạm tội lấy 818.000 Rupi trong số 14 triệu rupi "vô tình" được chuyển cho cô vào năm 2017 khi cô còn là sinh viên tại Đại học Walter Sisulu (WSU). Số tiền này trích từ Quỹ NSFAS nhưng đã được giải ngân cho sinh viên bởi nhà cung cấp dịch vụ Intellimali, thay mặt cho WSU.

Mani đang kháng cáo bản án 5 năm tù và đang được tại ngoại.

Vào tháng 2, tờ City Press (Nam Phi) đưa tin, Ủy ban về tài khoản công của Quốc hội không chấp nhận lời giải thích của chương trình rằng, NSFAS không liên quan đến việc chuyển nhầm 14 triệu rupi vào tài khoản của Mani.

Chủ tịch Hội đồng NSFAS, Ernest Khoza cho biết, chương trình không liên quan đến vụ việc, vì NSFAS không thực hiện chuyển khoản vào tài khoản của Mani và do đó không phải chịu bất kỳ tổn thất tài chính nào.

Tuy nhiên, các nghị sĩ cho rằng, NSFAS là đơn vị quản lý quỹ và không thể "vô can" trong vấn đề này.

Nghị sĩ Veronica Mente của Đảng Các chiến binh vì tự do kinh tế (EFF) cho biết, vào thời điểm năm 2017, khi sinh viên nộp đơn xin tài trợ, họ đã nộp đơn cho chương trình chứ không phải các đơn vị, tổ chức. Và ngay cả khi tiền được phân bổ tới các đơn vị, tổ chức để thực hiện chi trả hỗ trợ cho sinh viên, thì số tiền vẫn là của NSFAS.

Đây không phải là cuộc điều tra đầu tiên về NSFAS.

Trước đó, năm 2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học và Đổi mới Blade Nzimande đã công bố một cuộc điều tra về gian lận, tham nhũng, quản lý kém và thông đồng trong tài trợ sinh viên tại NSFAS. Cuộc điều tra được đưa ra sau những cáo buộc về việc sinh viên "mua" hỗ trợ từ NSFAS và các quan chức đã trao hỗ trợ cho những sinh viên không đủ điều kiện tham gia chương trình.

Trong cuộc điều tra lần này, SIU cũng sẽ tiến hành điều tra các cán bộ, nhân viên NSFAS.

SIU cho biết, bất kỳ hành vi trái pháp luật hoặc không phù hợp nào của nhân viên hoặc quan chức chương trình, các nhà cung cấp dịch vụ hay bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào khác sẽ được điều tra làm rõ.

Vào năm 2019, Ủy ban Danh mục đầu tư của Quốc hội về giáo dục đại học đã nghe báo cáo của NSFAS, cho thấy 510 trường hợp bị cáo buộc gian lận. Các nhân viên của chương trình đã lừa đảo tiền trợ cấp của sinh viên và vào thời điểm đó, một nhân viên đã bị bắt vì gian lận số tiền 30.000 Rupi.

"Chiêu bài" mà các nhân viên NSFAS sử dụng là thay đổi số điện thoại di động của sinh viên trên cổng thông tin NSFAS để khi sinh viên được trả trợ cấp qua eWallet di động hoặc SBux, tiền sẽ được chuyển đến ví của các nhân viên thay vì sinh viên.

Cuộc điều tra của SIU lần này sẽ bao gồm tất cả cáo buộc tham nhũng xảy ra từ ngày 1/4/2016 đến ngày 26/8/2022.

Phù hợp với quy định của SIU và Đạo luật Tòa án Đặc biệt 74 năm 1996, SIU sẽ chuyển mọi bằng chứng cho thấy hành vi phạm tội mà SIU phát hiện được cho Cơ quan Công tố Quốc gia để từ đó có hành động tiếp theo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm