Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đằng sau luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc

Chủ nhật, 05/07/2015 - 20:29

Luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc bao trùm nhiều lĩnh vực nhưng khá mơ hồ, được đánh giá là công cụ linh hoạt để giới lãnh đạo thực hiện "giấc mơ Trung Hoa".

Quân đội Trung Quốc với tham vọng an ninh khắp toàn cầu (Ảnh: China Daily)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (NPC) vào tuần này đã thông qua bộ luật An ninh quốc gia bao trùm rộng khắp và gây nhiều tranh cãi với kết quả 154 phiếu thuận, không có phiếu chống và một phiếu trắng. Luật an ninh quốc gia này sẽ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, trừ hai đặc khu hành chính Hong Kong và Macau. Bộ luật được cho là sẽ tác động đến mọi mặt đời sống Trung Quốc vì phạm vi điều chỉnh của nó trải khắp từ chính trị, quân sự, tài chính, tôn giáo, không gian mạng và thậm chí đến cả tư tưởng.

Luật an ninh quốc gia là dự luật đầu tiên mà NPC phê chuẩn trong tổng số ba dự luật được xem xét. Hai dự luật còn lại là về tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) và chống chủ nghĩa khủng bố.

Ngoài đặc điểm phạm vi điều chỉnh rộng khắp, luật an ninh quốc gia nhấn mạnh phải bảo vệ an ninh quốc gia mọi nơi, bảo vệ "lợi ích quốc gia cốt lõi" kể cả ngoài khoảng không vũ trụ hoặc hai đầu Nam Cực và Bắc Cực. Tuy nhiên, các quy phạm của nó không nêu chi tiết cụ thể thế nào.

Tập trung quyền lực

Bộ luật An ninh quốc gia cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) theo đó CCP sẽ dẫn dắt "một hệ thống lãnh đạo an ninh quốc gia uy quyền, hiệu quả và tập trung".

Theo tờ New York Times, hầu hết các chuyên gia về pháp lý Trung Quốc đánh giá luật giống như "tuyên bố trừu tượng về các nguyên tắc mang mục đích cổ vũ mọi công dân và tổ chức Trung Quốc cảnh giác với các mối đe dọa đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc."

Theo nhận xét của tờ South China Morning Post, luật này khẳng định vai trò còn tương đối mới của Ủy ban An ninh quốc gia Trung Quốc, vốn được thành lập từ kết quả của nghị quyết Hội nghị Trung ương ba Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11/2013. Đứng đầu ủy ban là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang đồng thời giữ rất nhiều chức vụ quan trọng gồm chủ tịch nước, tổng bí thư, chủ tịch Quân ủy Trung ương và là lãnh đạo cao nhất của nhiều hội đồng, ủy ban và nhóm chỉ huy khác.

Phó Chủ tịch Ủy ban lập pháp của NPC, bà Zheng Shuna phát biểu rằng luật An ninh Quốc gia được thông qua vì sự cần thiết do tình hình an ninh của Trung Quốc ngày càng căng thẳng, "phức tạp hơn bao giờ hết trong lịch sử." Cộng sản Trung Quốc muốn tập hợp sự lãnh đạo an ninh quốc gia xung quanh Tập Cận Bình và ghi nhận rằng quyền lực tập trung là tốt cho cả đảng và đất nước.

Theo Diplomat, Tập Cận Bình chắc chắn muốn một khuôn khổ pháp lý trước khi Trung Quốc có bước phát triển chính trị chưa từng thấy. Bước phát triển đó là sự chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc từ định hướng đầu tư nước ngoài sang hình mẫu kích cầu nội địa vì lý do tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Bước phát triển đó còn bao gồm sự chuyển mình của quân đội, chuyển sang vai trò toàn cầu do tranh chấp chủ quyền trong khu vực và chủ nghĩa khủng bố ở Trung Quốc.

Lợi ích quốc gia cốt lõi mở rộng

Bà Zheng Shuna phát biểu tại buổi họp báo rằng luật an ninh quốc gia "nhằm duy trì các lợi ích cốt lõi của quốc gia cũng như các lợi ích quan trọng khác". Để bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi đó, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố trung thành với con đường phát triển hòa bình nhưng "sẽ không bao giờ từ bỏ các lợi ích của mình hoặc hy sinh các lợi ích quốc gia có tính cốt lõi."

Zheng cho rằng khái niệm "lợi ích quốc gia cốt lõi" được thể hiện trong Điều 2 của luật An ninh quốc gia và nhắc lại, đó là "chế độ chính trị; chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế bền vững của xã hội và các lợi ích quan trọng khác."

New York Times cho rằng "cho dù Zheng nói khái niệm đó rõ ràng thì thực sự rất mờ ám." Từ năm 2004, quan chức Bắc Kinh bắt đầu sử dụng ngày càng nhiều từ để nhắc đến "lợi ích quốc gia cốt lõi" khi để chỉ những vấn đề mà Trung Quốc chú ý tới, từ vấn đề Đài Loan, Tây Tạng hay Tân Cương. Thậm chí, trong phát biểu kết thúc Đối thoại  Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung 2009, Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc còn đưa ra khái niệm "lợi ích quốc gia cốt lõi" rộng hơn của Zheng nhiều.

Từ năm 2010, các thảo luận chính thức và truyền thông bắt đầu tìm hiểu xem Biển Đông có phải là "lợi ích quốc gia cốt lõi" hay không. Theo định nghĩa mà Đới Bỉnh Quốc từng nói hoặc Zheng nhắc lại thì chắc chắn khái niệm này bao gồm cả Biển Đông và bất kể vấn đề nào liên quan đến lãnh thổ, kể cả tranh chấp biên giới với Ấn Độ hoặc quần đảo Senkak/Điếu Ngư với Nhật trên biển Hoa Đông.

"Trung Quốc sẽ trích dẫn luật này, cùng với nhiều luật nội địa khác để biện minh cho những hành động" ở Biển Đông, Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington, nói. Tờ South China Morning Post cho biết quân đội Trung Quốc dự kiến tăng cường hiện diện ngoài khơi để bảo vệ "những lợi ích ở nước ngoài", có thể sử dụng hành động quân sự nếu cần thiết.

Nhiều học giả cho rằng định nghĩa quá rộng và quá trừu tượng mà Zheng dẫn ra từ luật an ninh quốc gia sẽ càng làm cho nó không có ý nghĩa trong đối thoại ngoại giao. "Lợi ích cốt lõi không còn là khái niệm sử dụng trong ngoại giao nữa vì nó thực ra rất mơ hồ", Zhu Feng, một giáo sư về chính sách đối ngoại của Đại học Nam Kinh, nhận định.

Tờ New York Times dẫn lại lời các tác giả là nghiên cứu viên của Ủy ban Đánh giá An ninh và kinh tế Mỹ - Trung trong một báo cáo đệ trình lên Quốc hội Mỹ, cho rằng "tuyên bố nhiều về lợi ích cốt lõi giúp cho giới hoạch định chính sách Trung Quốc có sự linh hoạt để nhấn mạnh các vấn đề đặc biệt xảy ra chứ không chỉ giới hạn ở vấn đề  Đài Loan, Tây Tạng hay Tân Cương."

Quan chức Bắc Kinh cũng thường cài khái niệm này vào trong trao đổi với đối tác Mỹ nhằm "cố ép Washington công khai công nhận lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh và suy diễn ra là Mỹ cam kết ủng hộ hoặc ít nhất là cũng không phản đối chính sách của Trung Quốc".

Một đạo luật an ninh quốc gia mơ hồ và bao trùm như vậy sẽ giúp giới lãnh đạo Trung Quốc "một công cụ linh hoạt hơn để thực hiện 'giấc mơ Trung Hoa'" trong bối cảnh hiện nay, Diplomat cũng có nhận định tương tự.

Theo Minh Châu/VnExpress

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm