Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ ba, 21/11/2023 - 18:00
(Thanh tra) - Đó là nhận định được đưa ra trong bài báo mới đây trên Nhật báo Trung Quốc (China Daily).
Năm 2023, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả các cơ quan quản lý và ngành Ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, để bảo vệ an ninh kinh tế. Ảnh minh họa: IC
China Daily ngày 21/11 cho biết, năm nay, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả các cơ quan quản lý và Ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, để bảo vệ an ninh kinh tế.
Các cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu của đất nước là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Quốc gia, đã công bố các cuộc điều tra hoặc hình phạt đối với khoảng 90 cán bộ trong hệ thống tài chính.
8 người trong số đó, bao gồm cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) Zhang Hongli, cựu Thư ký Ủy ban Kiểm tra kỷ luật của ICBC, Liu Lixian; và 2 cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (Zhou Qingyu, Wang Yongsheng), đều dưới sự quản lý của Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các quan chức của cả 5 ngân hàng nhà nước, là Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Truyền thông và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, đã bị điều tra trong năm nay.
Các cuộc điều tra được mở rộng đối với quan chức từ các công ty bảo hiểm, tổ chức chứng khoán, tập đoàn tài chính, cơ quan quản lý ngân hàng, ngân hàng trung ương, hệ thống quản lý chứng khoán và các cơ quan quản lý tài chính địa phương.
Hội nghị Công tác tài chính Trung ương tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng trước đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết những mâu thuẫn và vấn đề đan xen trong lĩnh vực tài chính trong nước.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, các vấn đề nổi bật cần được giải quyết bao gồm rủi ro tài chính tiềm ẩn, dịch vụ tài chính chất lượng thấp và kém hiệu quả cho nền kinh tế thực, tội phạm tài chính và tham nhũng tái diễn, cùng với đó là năng lực quản trị và giám sát tài chính yếu kém.
Các nhà chức trách được kêu gọi áp dụng cách tiếp cận kiên định và thận trọng để giải quyết rủi ro, kiên quyết trừng phạt những hoạt động bất hợp pháp và tham nhũng, đồng thời đề phòng nguy cơ về mặt đạo đức.
Ông Zhuang Deshui, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Chính phủ liêm chính tại Đại học Bắc Kinh, cho biết những thông báo gần đây về cuộc điều tra các quan chức trong lĩnh vực tài chính có liên quan chặt chẽ đến các chương trình công tác do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thực hiện hồi đầu năm nay, không chỉ bắt nguồn từ những lo ngại được bày tỏ tại Hội nghị Công tác tài chính Trung ương vào cuối tháng 10.
Ông nói: “Hội nghị đã đưa ra những yêu cầu cao hơn trong việc chống tham nhũng lĩnh vực tài chính, nhằm thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính và ngăn ngừa rủi ro tài chính”.
Vào tháng 1, thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã công bố một cuộc trấn áp chống tham nhũng kết hợp các vấn đề chính trị và kinh tế. Tại đó nhấn mạnh nỗ lực tăng cường chống tham nhũng trong các lĩnh vực trọng điểm và tăng cường cải cách trong những khu vực tập trung quyền lực, có nguồn vốn và nguồn lực dồi dào, như tài chính, doanh nghiệp nhà nước, chính trị và pháp lý, thu mua và bán ngũ cốc.
Tháng 9 vừa qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi tăng cường giám sát những lãnh đạo cao nhất ở mọi cấp độ của doanh nghiệp nhà nước và tăng cường nỗ lực chống tham nhũng. Đồng thời, rút kinh nghiệm từ đợt kiểm tra đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX được triển khai vào tháng 3, nhắm vào các doanh nghiệp do Trung ương quản lý, bao gồm cả những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính.
Đợt kiểm tra thứ hai được khởi động vào ngày 10/10/2023 đang được triển khai, nhằm vào 31 đối tượng, bao gồm các đảng bộ của doanh nghiệp nhà nước do chính quyền Trung ương quản lý và đảng bộ của một số cơ quan nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin…
Các động thái của chính quyền Trung ương Trung Quốc đã đặt ra một khuôn khổ nghiêm ngặt về cách thức các nỗ lực chống tham nhũng sẽ được tiến hành trong lĩnh vực tài chính. Ông Zhuang Deshui nhận định, các sáng kiến chống tham nhũng sẽ tiếp tục được tăng cường.
Một bài báo gần đây do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Quốc gia xuất bản cho biết, rủi ro trong lĩnh vực tài chính Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ tác động mang tính hệ thống của những thay đổi kinh tế vĩ mô đối với hệ thống tài chính, sự tích tụ rủi ro liên tục trong hệ thống tài chính và sự lan tỏa của rủi ro bên ngoài.
Bài báo cho biết, 3 loại rủi ro nêu trên không tồn tại riêng biệt và có thể dễ dàng cộng hưởng do tích lũy rủi ro, gây ra rủi ro tài chính mang tính hệ thống ngày càng lan rộng.
Theo ông Zhuang Deshui, tham nhũng là một trong những rủi ro chính trong hệ thống tài chính và các vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tham nhũng có thể có tác động đáng kể đến an ninh chính trị, kinh tế.
“Nếu không có sự chấn chỉnh và trấn áp đáng kể, những vấn đề này có thể làm cạn kiệt nguồn tài chính và gây nguy hiểm cho an ninh kinh tế”, ông nhấn mạnh.
Tại Trung Quốc nói riêng cũng như ở những quốc gia khác, ngành tài chính đều dễ xảy ra tham nhũng do liên quan đến nguồn lực dồi dào và lợi ích đáng kể. Ông Zhuang cho biết, đây là một vấn đề đã tồn tại từ lâu nhưng lập trường chống tham nhũng được nâng cao trong thập kỷ qua đã thu hút sự chú ý nhiều hơn đến các vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực tài chính.
Vấn đề lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân và chuyển đổi lợi ích là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp tham nhũng tài chính.
Đơn cử, một số quan chức trong các cơ quan quản lý tài chính đã thành lập "liên minh" với những người họ giám sát, cung cấp thông tin nội bộ và một số người hành nghề đã sử dụng lợi thế của mình trong lĩnh vực này để thu về lợi ích, gây rối loạn tài chính trong nước.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà
Trung Hà
Trần Kiên