Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

CCTV phát "bom tấn" chống tham nhũng, tiết lộ nhiều chi tiết gây sốc

Hoài Phương

Thứ tư, 10/01/2024 - 18:00

(Thanh tra) - Vào những ngày đầu của năm 2024, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát sóng bộ phim tài liệu chống tham nhũng, tại đó tiết lộ những tình tiết gây “sốc” về tham nhũng tài chính.

Trương Phúc Sinh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cứu hỏa và Cứu nạn Quốc gia thuộc Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc, công khai bày tỏ sự ăn năn trước ống kính. Ảnh: chụp màn hình CCTV

Những sự thật được thể hiện trong phim tài liệu cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc mở rộng phạm vi giám sát, đẩy mạnh các nỗ lực chống tham nhũng và tăng cường điều tra những tin báo của công chúng, Thời báo Hoàn cầu (Global Times) dẫn lời các chuyên gia cho biết.

Với phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) khóa XX diễn ra từ ngày 8 - 10/1, nhiều người tin tưởng rằng công tác chống tham nhũng sẽ được chú trọng nhiều hơn trong các lĩnh vực như tài chính và giáo dục, và sẽ được mở rộng, bao gồm văn hóa, thể thao cũng như các lĩnh vực khác một cách toàn diện.

Bộ phim tài liệu đang được phát trên CCTV có tựa đề "Tiếp tục nỗ lực, tiến bộ sâu rộng". Phim gồm 4 tập (công chiếu từ ngày 6 - 9/1 trên CCTV1), nêu 12 vụ tham nhũng điển hình, tại đó các quan chức liên quan thú nhận tội lỗi của mình trước ống kính, bao gồm cả những vụ tham nhũng cấp cao.

Tập 1 đã lên sóng ngày 6/1 "Giải quyết những vấn đề đặc biệt khó", và tập 2 "Giám sát và bảo vệ nền chính trị", được công chiếu ngày 7/1.

Trong phim, Lý Thiết (Li Tie), cựu Huấn luyện viên Trưởng Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia Trung Quốc, đã công khai bày tỏ sự ăn năn trên sóng truyền hình.

Loạt phim tài liệu này cũng kể câu chuyện về Trương Phúc Sinh (Zhang Fusheng), nguyên Phó Cục trưởng Cục Cứu hỏa và Cứu nạn Quốc gia thuộc Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc; Zhang Xiaopei, cựu cố vấn chính trị cấp cao của tỉnh Cát Lâm; và Li Wenxi, Xue Heng, Wang Dawei, 3 cựu Giám đốc Công an tỉnh Liêu Ninh.

Nội dung phim tiết lộ nhiều chi tiết gây “sốc” về hành vi sai phạm của các quan tham.

Đơn cử, trong trường hợp của Trương Phúc Sinh, đội điều tra đặc biệt đã tìm thấy một lượng lớn rượu Mao Đài trong nhà ông ta, bao gồm những chai có độ tuổi 15, 30 và 50 năm, cũng như nhiều sản phẩm bằng vàng, vàng thỏi và đá ngọc bích. Trương Phúc Sinh thú nhận rằng, không nhớ rõ ai đã đưa chúng cho mình.

Đội điều tra đặc biệt đã tìm thấy một lượng lớn rượu Mao Đài có độ tuổi 15, 30 và 50 năm, cũng như nhiều vàng thỏi, đá ngọc bích trong nhà của Trương Phúc Sinh. Ảnh: Chụp màn hình CCTV

Đối với trường hợp của 3 cựu Giám đốc Công an tỉnh Liêu Ninh - những người đã liên tiếp giữ chức vụ này tổng cộng 20 năm, bị phát hiện đã nhận hối lộ tổng trị giá hơn 1,2 tỷ nhân dân tệ (170 triệu USD). Trong đó, Li Wenxi nhận 541 triệu nhân dân tệ, Xue Heng nhận 135 triệu nhân dân tệ và Wang Dawei nhận hối lộ 555 triệu nhân dân tệ.

Theo hồ sơ lưu trữ, Li Wenxi giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Liêu Ninh trong gần 9 năm (từ 2002 - 2011), Xue Heng phục vụ trong 2 năm (từ 2011 - 2013), và Wang Dawei tại vị 9 năm (từ 2013 - 2022). Các chuyên gia tin rằng, đằng sau vụ việc của họ còn có những hành vi khác diễn ra có thể nghiêm trọng hơn cả tham nhũng.

Bộ phim tài liệu tiết lộ, phần lớn số tiền hối lộ mà Li Wenxi nhận đều đến từ chủ mỏ sắt Liu Zhiting.

Công an tỉnh Liêu Ninh từng điều tra một số vụ khai thác trái phép và Liu Zhiting, người chịu trách nhiệm hoạt động mỏ, đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Li Wenxi thông qua các mối quan hệ để tránh bị phạt, đồng thời hứa hẹn sẽ “lại quả” hậu hĩnh.

Sau đó, Li Wenxi đã tiếp cận đội trưởng đội điều tra đặc biệt Wu Jinggui. Kết quả là, chủ mỏ Liu Zhiting không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Liu đã đề nghị 30% cổ phần trong một mỏ sắt cho Li. Quan chức này đã sắp xếp để anh rể của mình đứng tên làm chủ sở hữu trên danh nghĩa, trong khi Li đứng sau điều hành công việc kinh doanh, trở thành chủ mỏ "giấu mặt" sau bộ đồng phục cảnh sát.

Li, Xue và Wang đều nhận hối lộ và giúp người khác trong việc tác động vào vụ việc hoặc thăng chức. Đặc biệt, Wang đã có hành vi nghiêm trọng, bán chức vụ, chức danh, liên tục thăng chức cho các cá nhân được doanh nhân và chủ doanh nghiệp đề cử, lợi ích của ông ta thu được trên phạm vi rộng khắp hệ thống.

Tình trạng tham nhũng liên tiếp, liên quan đến một số lượng lớn nhân sự trong hệ thống công an, có tác động sâu sắc và lâu dài, hiếm khi xảy ra và gây nguy hại nghiêm trọng đến liêm chính chính trị của hệ thống công an địa phương.

Môi trường chính trị, giống như nguồn nước và đất trong hệ sinh thái tự nhiên, không dễ dàng sửa chữa một khi bị ô nhiễm, Giám đốc Ủy ban Kiểm tra kỷ luật địa phương ở Khu Tự trị Nội Mông, người yêu cầu giấu tên, nói với Global Times hôm 7/1.

Kể từ năm 2021, 6 ủy viên Đảng ủy Công an tỉnh, cùng nhóm với Wang Dawei, đã bị điều tra và truy tố. Tại Liêu Ninh, tổng cộng 43 quan chức công an, chính trị, pháp luật cấp tỉnh đã bị điều tra và xử phạt.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, cuộc chiến chống tham nhũng phải tiếp tục phát huy những nỗ lực bền vững và sâu sắc, đặc biệt chú trọng đến việc giám sát và quản lý hệ sinh thái chính trị. Những trường hợp như vậy có thể phản ánh quyết tâm kiên định của lãnh đạo cao nhất trong việc chống tham nhũng.

Một hệ sinh thái chính trị yếu kém tất yếu sẽ dẫn đến tư tưởng phân tán, nảy sinh nhiều vấn đề, dẫn đến tham nhũng, môi trường chính trị xấu đi. Điều này sẽ tác động đến toàn bộ quá trình và các khía cạnh khác nhau của phát triển kinh tế.

Tập 2 "Giám sát và bảo vệ nền chính trị" của loạt phim tài liệu có tựa đề "Tiếp tục nỗ lực, tiến bộ sâu rộng" được công chiếu trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc ngày 7/1. Ảnh: Chụp màn hình CCTV

Trước đây, các nỗ lực chống tham nhũng chủ yếu tập trung vào quan chức chính phủ hiện tại. Tuy nhiên, nhiều vụ tham nhũng thời gian gần đây bị vạch trần liên quan đến các quan chức đã từ chức hoặc nghỉ hưu. Điều này đồng nghĩa với việc chiều sâu của công tác phòng chống tham nhũng lớn hơn, trách nhiệm giải trình chặt chẽ hơn.

Tang Renwu, Chủ nhiệm Khoa Quản trị của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nói với Global Times hôm 7/1 rằng, không thể để bất kỳ "kẻ ký sinh" tham nhũng nào thoát khỏi sự trừng phạt.

Năm 2023, phiên họp toàn thể lần thứ hai của CCDI khóa XX  nêu bật quyết tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng lâu dài và gian khổ, cam kết “hành động mạnh mẽ hơn để vừa ngăn chặn các vụ việc mới vừa giải quyết tận gốc những vụ việc hiện có”.

Hành động mạnh mẽ này đã được thực hiện thông qua các biện pháp cứng rắn và đã đạt được những kết quả cụ thể trong năm qua.

Trong 9 tháng của năm 2023, các cơ quan kiểm tra kỷ luật, giám sát của Trung Quốc đã xử lý khoảng 470.000 vụ việc, trong đó có 405.000 cá nhân bị xử phạt vì hành vi sai trái, bao gồm 34 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ.

Theo tổng kết của CCDI, năm 2023, trong số hơn 40 cán bộ trung ương quản lý bị điều tra, có hơn 30 cán bộ bị xử lý kỷ luật.

Cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc gửi đi thông điệp, cuộc chiến chống tham nhũng không ngừng nghỉ và không có khái niệm "hạ cánh mềm" với cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu.

Số vụ điều tra cấp cao trong năm 2023 đã tăng 40% so với năm trước đó. Hầu hết các đối tượng quan chức bị điều tra từ cấp thứ trưởng trở lên do trung ương quản lý. 27 trong số hơn 40 cán bộ do trung ương quản lý bị điều tra đã nghỉ hưu.

Ông Tang Renwu cho biết, công tác chống tham nhũng vào năm 2024 có khả năng sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng, không chỉ bao gồm các lĩnh vực đã đề cập trước đó như tài chính, thực phẩm mà còn mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa và thể thao.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là lâu dài, phức tạp, gian khổ. Vào tháng 12/2023, biện pháp kỷ luật mới sửa đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức được công bố.

Theo các nhà quan sát, để ngăn chặn hiệu quả tham nhũng từ gốc, cần tăng cường kiềm chế và giám sát việc thực thi quyền lực, đồng thời đảm bảo có sự kiểm tra và cân bằng phù hợp.

Điều đáng chú ý là khi xã hội phát triển, các cách thức tham nhũng và hối lộ tiếp tục phát triển và thích nghi. Vì vậy, cần đảm bảo các quan chức hiểu được hậu quả nghiêm trọng của tham nhũng ngay từ đầu để giải quyết cơ bản thách thức này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm