Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bổ nhiệm lãnh đạo Ủy ban Điều tra tham nhũng

Đức Anh

Thứ sáu, 29/12/2023 - 15:17

(Thanh tra) - Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã bổ nhiệm ban lãnh đạo Ủy ban Điều tra tham nhũng - cơ quan được thành lập nhằm cải thiện quản trị và hạn chế tham nhũng.

Ảnh minh họa: Internet

Cơ quan truyền thông của Tổng thống (PMD) ngày 28/12 cho biết, Tổng thống đã bổ nhiệm Thẩm phán W. M. N. P. Iddawala làm Chủ tịch Ủy ban. 2 ủy viên còn lại được bổ nhiệm là Chethiya Goonesekera và K. Bernard Rajapakse.

Quyết định bổ nhiệm sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Ủy ban Điều tra tham nhũng sẽ hoạt động theo Luật chống tham nhũng mới, được Quốc hội Sri Lanka ban hành vào tháng 7 vừa qua.

Luật mới này được đưa ra phù hợp với các khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm cải thiện quản trị và hạn chế tham nhũng tại Sri Lanka.

Đây là điều kiện quan trọng để IMF giải ngân gói cứu trợ 2,9 tỷ USD cho Sri Lanka, trong bối cảnh quốc gia này đang chìm trong khủng hoảng trầm trọng. Luật đã được thông qua mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội gồm 225 thành viên.

Sri Lanka đã và đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành lại độc lập vào năm 1948, với tình trạng thiếu ngoại tệ trầm trọng, lạm phát phi mã và nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Tháng 4/2022, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ nước ngoài và người dân phải trải qua nhiều tháng thiếu lương thực, nhiên liệu cũng như thuốc men.

Tình hình khó khăn được cải thiện sau khi Chính phủ Sri Lanka nhận được gói cứu trợ 2,9 tỷ USD từ IMF hồi tháng 3 năm nay, song với điều kiện nước này phải ban hành luật chống tham nhũng mới nhằm cải thiện hệ thống quản trị và phù hợp với nội dung của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Theo báo cáo về tham nhũng của IMF, các quan chức hải quan và thuế Sri Lanka đã thừa nhận tình trạng tham nhũng tràn lan. Ảnh: ECONOMYNEXT

Một báo cáo về tham nhũng của IMF gần đây cho thấy, các quan chức hải quan và thuế Sri Lanka thừa nhận tình trạng tham nhũng tràn lan trong các tổ chức của mình với rất ít rủi ro hoặc hậu quả nếu bị phanh phu”.

Theo IMF, nhìn chung cơ quan thuế là khu vực dễ xảy ra tham nhũng, nhưng toàn cầu đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề này.

“Việc chống lại rủi ro này đòi hỏi một chính sách rõ ràng có tính liêm chính cao và không khoan nhượng với tham nhũng, được hỗ trợ bởi các cơ chế thể chế mạnh mẽ để thực thi và củng cố một nền văn hóa như vậy", IMF phân tích, đồng thời cho rằng, "những điều này hầu như không có ở Sri Lanka; một cách đánh giá đã được cộng đồng doanh nghiệp và nghề kế toán xác nhận”.

Sri Lanka là quốc gia có thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt cao, điều mà các nhà phân tích cho rằng, khiến thúc đẩy tham nhũng trong cơ quan thuế cũng như gia tăng sản xuất rượu bất hợp pháp và buôn lậu thuốc lá.

Cũng theo IMF, các lỗ hổng tham nhũng dường như tràn ngập tại cơ quan quản lý thuế của Sri Lanka, nhưng có rất ít, nếu có, trách nhiệm giải trình hoặc hậu quả cho những hành động này.

Bên cạnh đó, hầu như không có văn hóa liêm chính nào được thấy, với nạn tham nhũng được cho là phát hiện ở mọi cấp độ, kể cả ban lãnh đạo cấp cao.

Các nhà phân tích khác cũng chỉ ra, Sri Lanka có mức độ bảo hộ nhập khẩu cao, trong đó các khoản thuế tiềm năng được chuyển một cách hợp pháp (thuế được chênh lệch giá) đến túi của "các nhà sản xuất hàng hóa trong nước" có ảnh hưởng chính trị, thông qua mức giá cao hơn giá thế giới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm