Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đức Anh
Thứ sáu, 11/11/2022 - 20:13
(Thanh tra) - Thiếu hụt tài chính khí hậu quốc tế là một vấn đề nan giải, nhưng tham nhũng và chi tiêu nhà nước không kiểm soát được là nguyên nhân dẫn đến các thảm họa khí hậu.
Hai phụ nữ chờ một chiếc ca nô khi lũ tràn qua các đường phố ở Wadata, Makurdi, Nigeria, ngày 1/10/2022. Ảnh: Reuters / Afolabi Sotunde
Thách thức lớn
Thông điệp lớn của châu Phi tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Ai Cập (từ ngày 6 - 18/11) là các quốc gia gây ra biến đổi khí hậu phải trả giá. Cần tăng tốc đáng kể trong tài chính thích ứng; xem xét ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc rằng, mục tiêu 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 sẽ không đạt được cho đến năm 2025, do những lời hứa không thực hiện của các nước giàu có.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận tốt hơn với nguồn tài chính quốc tế là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là các chính phủ châu Phi phải quản lý quỹ một cách có trách nhiệm.
Sự tái diễn gần đây của các trận lũ lụt kinh hoàng ở Nigeria và "lịch sử" quản lý sai Quỹ Sinh thái của đất nước, làm nổi bật lên những thách thức.
Năm 2010, lũ lụt đã nhấn chìm khoảng 90.000 ha đất nông nghiệp và năm 2012, lũ lụt đã ảnh hưởng đến khoảng 7 triệu người. 1 năm sau, khoảng 35.000 người bị ảnh hưởng, và vào năm 2018, Nigeria đã tuyên bố thảm họa quốc gia sau lũ lụt nghiêm trọng.
Kể từ tháng trước, cư dân ở 34 trong tổng số 36 bang của Nigeria đã phải vật lộn để chống chọi với lũ lụt lớn. Thảm họa gần đây đã khiến hơn 1,4 triệu người phải di dời, hơn 600 người thiệt mạng và làm hư hại hoặc phá hủy khoảng 440.000 ha đất nông nghiệp. Thảm họa có liên quan đến việc giải phóng lượng nước dư thừa từ đập Lagdo ở Bắc Cameroon, lượng mưa lớn, tràn các sông địa phương và tác động của biến đổi khí hậu.
“Lịch sử” tham nhũng của Quỹ Sinh thái
Mặc dù người ta đã nói nhiều về tác động của lũ lụt ở Nigeria, nhưng điều cần thiết là phải xem xét mức độ tham nhũng và chi tiêu không kiểm soát được của Quỹ Sinh thái đã góp phần vào vấn đề này như thế nào.
Chính phủ Liên bang Nigeria đã thành lập quỹ để giải quyết những thách thức sinh thái khác nhau trong các cộng đồng trên khắp đất nước. Quỹ được tạo ra thông qua Đạo luật Tài khoản Liên bang năm 1981, theo khuyến nghị của Ủy ban Okigbo, và sau đó được sửa đổi vào năm 2002.
Ban đầu quỹ này chỉ chiếm 1% trong tài khoản liên bang, và vào năm 1992, con số này đã được tăng lên 3%. Mục đích là dành một khoản tiền lớn cho các dự án giúp cải thiện các vấn đề môi trường nghiêm trọng trên toàn quốc. Hiện, quỹ cũng chi trả cho lũ lụt, là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu.
Dữ liệu được đối chiếu từ các báo cáo của Ủy ban Phân bổ Tài khoản Liên bang hàng tháng cho thấy, từ năm 2012 đến năm 2021, Nigeria đã dành 548 tỷ Naira cho tài khoản tài trợ sinh thái và kênh dẫn nước. Do đất nước có nguy cơ tham nhũng cao, các khoản tiền lớn như vậy rất dễ bị chiếm đoạt và gian lận - với những hậu quả nghiêm trọng mà người dân phải chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Các vụ án tham nhũng xung quanh việc quản lý Quỹ Sinh thái đã thu hút sự chú ý của Quốc hội Nigeria. Các thành viên Hạ viện nêu quan ngại rằng, chính quyền tiểu bang và liên bang đang chuyển hướng các quỹ sinh thái. Vào tháng 6/2022, một cuộc điều tra về việc sử dụng quỹ trong 10 năm qua đã được khởi động.
Sau trận lũ lụt gần đây, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã đặt câu hỏi xung quanh sự chỉ trích của công chúng đối với Chính phủ Liên bang kể từ khi chính quyền địa phương và tiểu bang nhận được hầu hết các quỹ sinh thái dành cho quản lý thiên tai. Các bằng chứng đã cho thấy, tham nhũng đã xà xẻo quỹ trên cả 3 cấp chính quyền.
Việc chuyển hướng nguồn tiền và tham nhũng liên quan đến Quỹ Sinh thái đã có lịch sử lâu đời trong nước. Báo cáo kiểm toán của Sáng kiến Minh bạch các ngành công nghiệp khai thác của Nigeria cho thấy cách các cơ quan thụ hưởng của Chính phủ chuyển hướng hoặc biển thủ quỹ trong những năm qua.
Năm 2013, khoản tiền 2,5 tỷ Naira được trích từ quỹ cho Quân đội Nigeria để di dời và phát triển một doanh trại mới.
Vào năm 2015, 1,47 tỷ Naira đã được chuyển đến chính quyền các bang Gombe, Nasarawa và Yobe để giúp bù đắp chi phí thiệt hại cho tài sản công và nơi thờ tự trong cuộc bạo động sau bầu cử năm 2011. Báo cáo kiểm toán lưu ý rằng, những khoản chi này không đủ điều kiện để được hỗ trợ bởi Quỹ Sinh thái.
Vào năm 2018, cựu Thống đốc bang Plateau Joshua Dariye, đã bị kết án về 23 tội danh, bao gồm rửa tiền và chuyển tiền cho các công ty tư nhân cũng như cá nhân. Số tiền này bao gồm 1,162 tỷ Naira từ Quỹ Sinh thái dành cho bang.
Tiếp đó, năm 2021, Ủy ban Tội phạm Kinh tế và Tài chính Nigeria (EFCC) đã truy tố cựu Thống đốc bang Niger về tội rửa tiền sau khi ông này rút ruột 800 triệu Naira từ Quỹ Sinh thái 2 tỷ Naira của bang...
Cần tăng cường điều tra, giám sát
Gian lận và tham nhũng sẽ làm suy yếu các can thiệp về biến đổi khí hậu và làm giảm quy mô của cơ sở hạ tầng thích ứng. Các quỹ sinh thái cần có những khuôn khổ giám sát và liêm chính hợp lý để giảm thiểu khả năng bị lạm dụng.
Việc tăng cường các cuộc điều tra về việc sử dụng Quỹ Sinh thái trong thập kỷ qua là cần thiết. Bên cạnh đó, cần minh bạch hơn trong việc lập ngân sách và chi tiêu của quỹ. Sự tham gia giám sát của công dân sẽ thúc đẩy minh bạch, dẫn đến trách nhiệm giải trình. Việc công bố thông tin ngân sách thường xuyên cũng là cách để đảm bảo rằng quỹ được sử dụng nhằm giải quyết các thảm họa môi trường.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương