Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ năm, 07/03/2024 - 07:00
(Thanh tra) - Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Ecuador mới đây cho biết, thêm 12 người, bao gồm cả các thẩm phán, đã bị bắt giữ trong một cuộc điều tra tội phạm có tổ chức rộng khắp ở Guayas - tỉnh đông dân nhất Ecuador. Vụ án là một minh chứng cho thấy tham nhũng được hình thành như thế nào từ các khu vực tư pháp.
Thành phố cảng Guayaquil (tỉnh Guayas) là nơi xảy ra bạo lực nhiều nhất Ecuador. Ảnh: Henry Romero/Reuters
Các vụ bắt giữ là một phần của cuộc điều tra được gọi là "Metastasis" (tạm dịch: Di căn). Tại đó đã chứng kiến các cán bộ, nhân viên tư pháp và những người khác bị bắt giữ vào tháng 12 năm ngoái.
Ecuador đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực gia tăng đột biến mà chính quyền đổ lỗi cho các băng nhóm buôn bán ma túy.
Tổng thống Daniel Noboa, người nhậm chức vào tháng 11/2023, đã tuyên bố có 22 băng nhóm khủng bố và cho biết đất nước đang có chiến tranh.
Vụ án là "một minh chứng cho thấy tham nhũng được hình thành như thế nào từ các khu vực tư pháp cấp cao, đặt cơ quan quản lý tư pháp ở một trong những tỉnh có ảnh hưởng nhất đất nước vào tay… những kẻ buôn bán ma túy", Bộ trưởng Tư pháp Diana Salazar nói trong một video.
Trong số những người bị bắt có Maria Fabiola G.R., cựu Chánh án Tòa án công lý Guayas, Văn phòng Công tố cho biết trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội vào đầu tuần này.
Văn phòng thường không công bố tên đầy đủ của những người bị bắt hoặc bị buộc tội.
Theo Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp, một cựu chính trị gia, vợ ông và ít nhất 6 thẩm phán khác cũng bị bắt. Trong khi, văn phòng làm việc và nhà riêng của người đứng đầu tòa án tư pháp cấp tỉnh hiện nay cũng bị khám xét.
Trong số những người bị bắt giữ vào tháng 12 năm ngoái có người đứng đầu cơ quan quản lý tư pháp của đất nước. Nhà riêng của một số thẩm phán, công tố viên và cảnh sát đã bị đột kích.
Cũng theo Văn phòng Công tố, những người bị bắt đã sử dụng tiền thu được từ hoạt động bất hợp pháp để hối lộ các quan chức tư pháp nhằm đạt được lợi ích.
Bộ trưởng Tư pháp Diana Salazar cho biết, cuộc điều tra bắt đầu sau vụ giết người trong tù năm 2022 đối với tội phạm rửa tiền Leandro Norero.
Được biết đến với bí danh "El Patron", Leandro Norero đã bị bắt vào tháng 5/2021 vì cáo buộc rửa tiền, trong đó 6,4 triệu USD, 24 thỏi vàng, súng cầm tay và đạn dược đã bị thu giữ.
Cuộc điều tra cho thấy "các cơ cấu tội phạm tồn tại ở tất cả các cấp hành chính và liên quan trực tiếp đến buôn bán ma túy”. Trong số những người bị bắt có cựu Giám đốc cơ quan quản lý nhà tù quốc gia, Tướng Pablo Ramirez và Chủ tịch Hội đồng Tư pháp Ecuador, ông Wilman Teran cùng nhiều nhân viên của cơ quan quản lý nhà tù, luật sư, cảnh sát và thẩm phán…
Bộ trưởng Tư pháp Salazar tin rằng, nhiều năm qua các thủ lĩnh tội phạm đã trả tiền cho những quan chức tham nhũng giám sát vụ án của chúng để dàn xếp những phán quyết có lợi.
“Ma túy - chính trị đang bị vạch trần ở Ecuador”, bà Salazar nhấn mạnh trong một tuyên bố trước truyền thông về chiến dịch bắt giữ kể trên.
Các nhà tù ở Ecuador bị cho là quá tải, giam giữ nhiều thành viên của các băng nhóm có liên quan đến buôn bán ma túy.
Giáp với Colombia và Peru - những quốc gia sản xuất cocaine lớn nhất thế giới, Ecuador đóng vai trò là cảng đi cho các chuyến hàng ma túy, chủ yếu đến Mỹ và châu Âu.
Từng được coi là một trong những quốc gia yên bình nhất Nam Mỹ, Ecuador đã ghi nhận tỷ lệ giết người tăng vọt trong 5 năm qua, với kỷ lục 7.878 vụ giết người vào năm ngoái khi các băng đảng Mexico và những nhóm mafia nước ngoài tăng cường hoạt động tại nước này.
Trước vấn nạn nhức nhối, Tổng thống Ecuador Daniel Noboa đã hứa sẽ trấn áp các băng đảng ma túy và tội phạm có tổ chức khi nhậm chức vào cuối tháng 11 năm ngoái. Là con trai của một ông trùm chuối và một người gốc Guayaquil (thủ phủ của tỉnh Guayas), ông Noboa đã cam kết giành lại quyền kiểm soát thành phố cảng này, nơi hiện được xem như cửa ngõ xuất khẩu cocaine hàng đầu tới Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.
Trong khi đó, người dân Ecuador cho rằng, hoạt động tội phạm ngày càng bùng nổ tại nước này có phần tiếp tay từ Chính phủ thụ động của cựu Tổng thống Guillermo Lasso. Dưới thời ông này, hệ thống tư pháp thường xuyên bỏ lọt thủ phạm, trong lúc lực lượng thực thi pháp luật và quân nhân có nhiều người “nhúng chàm” khi tham gia “bảo kê” cho tội phạm, thậm chí kết hợp làm ăn hoặc trấn lột tiền của chính những kẻ buôn ma túy. Và, trên hết là sự thờ ơ của Chính phủ, vô hình trung đã “bàn giao” nhiều khu vực của đất nước cho các lãnh chúa tội phạm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.
Ngọc Anh
12:40 20/11/2024(Thanh tra) - Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho thấy, tham nhũng vẫn là rào cản lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh tại Bangladesh.
Đức Anh
10:22 19/11/2024Ngọc Anh
09:35 19/11/2024Nam Dũng
18:58 14/11/2024Đức Anh
15:46 14/11/2024Hoài Phương
14:37 14/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương