Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bất chấp nỗ lực của Chính phủ, tham nhũng vẫn là mối đe dọa

Hoài Phương

Thứ năm, 10/03/2022 - 17:00

(Thanh tra) - Các nỗ lực nhằm trấn áp tham nhũng ở Iraq đã có kết quả cải thiện nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Biểu tình chống tham nhũng ở Thủ đô Baghdad, Iraq, ngày 25/10/2020. Ảnh: AHMAD AL-RUBAYE / AFP/ Getty Images

Theo chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2021 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố vào tháng 1 vừa qua, quốc gia này đã tăng 2 điểm so với năm trước và hiện được đánh giá là ngang hàng với Zimbabwe, Campuchia và Honduras về mức độ tham nhũng trong khu vực công; xếp thứ 157/180 quốc gia, vùng lãnh thổ với 23 điểm .

Dù đã có một số tiến bộ, nhưng, tham nhũng vẫn lan tràn. Đáng chú ý, các dịch vụ công và hành vi sai phạm trong lực lượng an ninh đang làm dấy lên thêm những lo ngại, nhất là sau các vụ bê bối nổi tiếng gần đây tại Iraq.

Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Iraq, bà Jeanine Hennis-Plasschaert, nói rằng, tham nhũng đã xâm nhập vào các thể chế nhà nước của Iraq và nhấn mạnh sự cần thiết phải khắc phục tình trạng này.

Trong một bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm ngoái, bà Jeanine nói: “Tham nhũng vẫn còn phổ biến và thiệt hại kinh tế của nó là không thể kể xiết khi nó tiếp tục đánh cắp các nguồn lực rất cần thiết cho người dân Iraq, làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư".

Theo báo cáo mới đây của Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ, trong quý IV/2021, Lực lượng An ninh Iraq (ISF) "tiếp tục đối mặt với điều mà USCENTCOM (Tổng Hành dinh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ) mô tả là "những thách thức khó khăn do tham nhũng tràn lan ở mọi cấp độ"".

Báo cáo cho biết, thách thức tham nhũng bao gồm “độc tài, hối lộ, theo đuổi các lợi ích cá nhân, đấu đá nội bộ...”.

Vụ việc đáng chú ý tại ISF trong những tháng gần đây đã khiến một trung tá từ Bộ Nội vụ bị kết án tử hình vào tháng 2. Tuy nhiên, trách nhiệm giải trình cho những tội ác như vậy được cho là rất hiếm. Và, sự quan tâm vào cuộc của giới truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo công lý, như trong trường hợp cụ thể này.

Bên cạnh đó, tham nhũng trong quân đội Iraq cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc để tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp quản nhiều vùng rộng lớn của đất nước vào năm 2014.

Theo các phương tiện truyền thông đã đưa tin vào năm 2014, ngay sau khi thành phố Mosul của Iraq bị IS tiếp quản, các vấn đề phổ biến bao gồm: Gian lận trong hợp đồng quân sự, tống tiền tại các trạm kiểm soát và đưa vào danh sách những người lính không tồn tại...

Để giảm thiểu tham nhũng liên quan đến việc độn thêm biên chế ISF, bao gồm cả việc thanh toán cho những "lính ma", Iraq cần tiếp tục triển khai hệ thống quản lý nguồn nhân lực, thông qua các quy trình kỹ thuật số, có thể theo dõi và giải trình.

Hồi tháng 1/2022, EU tuyên bố đưa Iraq ra khỏi danh sách các quốc gia có nguy cơ cao về rửa tiền và tài trợ cho khủng bố, báo hiệu sự cải thiện. Nước này được đưa vào danh sách từ năm 2016.

Tuy nhiên, đầu tháng này, Ủy ban Chống tham nhũng (được thành lập ngay sau khi Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 5/2020) đã bị tuyên bố là chống lại Hiến pháp. Tuyên bố căn cứ theo một phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao liên bang Iraq được nhiều người coi là có động cơ chính trị.

Ủy ban Chống tham nhũng Iraq tập trung vào các vụ khủng bố và tham nhũng cấp cao. Theo thông tin của Al-Monitor đăng tải đầu tháng này, Ủy ban đã bắt giữ 36 nghi phạm, trong đó 16 người đã bị kết án.

Trong số những người bị bắt có chỉ huy cấp cao của Các Đơn vị Huy động nhân dân (PMU), Qassim Musleh, người sau đó đã được thả và tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo PMU ở khu vực biên giới Iraq-Syria.

Khu vực biên giới này từ lâu đã khét tiếng với nạn buôn lậu vũ khí, máy bay chiến đấu và ma túy...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm