Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ấn Độ mở cuộc điều tra về bê bối tham nhũng tại Oracle

Hoài Phương

Thứ ba, 11/10/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Bộ Đường sắt Ấn Độ đã mở một cuộc điều tra về cáo buộc tham nhũng tại Oracle (doanh nghiệp công nghệ máy tính đa quốc gia của Mỹ) chi nhánh tại Ấn Độ. Oracle được cho là đã đưa hối lộ trị giá khoảng 400.000 USD cho các quan chức đường sắt từ năm 2016 đến 2019.

Ảnh: business-standard

Đây là diễn biến mới nhất của bê bối tham nhũng tại Oracle, sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phạt tập đoàn này tổng cộng 23 triệu USD vì các công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ấn Độ hối lộ quan chức nước ngoài nhằm giành được công việc kinh doanh, vi phạm Đạo luật Chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) - một luật chống hối lộ.

Cơ quan quản lý Mỹ cho biết, các nhân viên của Oracle Ấn Độ đã sử dụng "một chương trình giảm giá quá mức" liên quan đến giao dịch với một công ty vận tải thuộc sở hữu của Bộ Đường sắt Ấn Độ vào năm 2019.

Theo Bộ Đường sắt Ấn Độ, “về lệnh trừng phạt của SEC trong vụ Oracle, Đường sắt Ấn Độ đã nhận thức rõ và đã bắt đầu một cuộc điều tra".

"Đây là cuộc điều tra nội bộ của Đường sắt Ấn Độ. Hiện tại, không có cơ quan thực thi nào khác tham gia", một quan chức cấp cao đường sắt xác nhận với Business Standard. Tuy nhiên, quan chức này từ chối việc công bố tên của công ty nhà nước có liên quan đến cuộc điều tra.

"Tổng cộng khoảng 330.000 USD đã được chuyển để chi trả cho các quan chức đường sắt và 62.000 USD khác trả cho một tổ chức được kiểm soát bởi các nhân viên bán hàng chịu trách nhiệm về giao dịch", theo nội dung lệnh trừng phạt của SEC.

Trước đó, Oracle, có trụ sở tại Austin, Texas, đã đồng ý trả khoản tiền phạt 15 triệu USD và khoảng 7,9 triệu USD tiền lãi cùng phí tổn. Tuy nhiên, Oracle phủ nhận hành vi sai trái trong việc đồng ý dàn xếp vụ việc.

Người phát ngôn của Oracle Michael Egbert cho biết: “Những hành vi mà SEC chỉ ra là không đúng với các giá trị cốt lõi và chính sách rõ ràng của Oracle. Nếu xác định được hành vi đó, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp”.

Đây không phải là lần đầu tiên Oracle bị buộc tội vi phạm FCPA đối với các khoản thanh toán liên quan đến Ấn Độ.

Vào năm 2012, Oracle đã chấp nhận nộp phạt 2 triệu USD để không bị SEC truy tố về tội danh tham nhũng và hối lộ ở nước ngoài. Theo SEC, Oracle đã có hành vi “làm ngơ” để 1 chi nhánh tại Ấn Độ lập quỹ đen, chi trả sai nguyên tắc cho những đối tác phân phối sản phẩm của tập đoàn.

Ngoài ra, chi nhánh ở Ấn Độ còn bị cáo buộc sử dụng quỹ đen để hối lộ các quan chức liên quan nhằm giành được những hợp đồng thầu cung cấp sản phẩm của Oracle trong khoảng thời gian 2005 - 2007 bởi một lượng ngân quỹ lớn đã được sử dụng mà đại diện chi nhánh này không thể giải trình hoặc kê khai một cách đầy đủ.

Bên cạnh Oracle, một số công ty đa quốc gia đã nhiều lần vi phạm FCPA bao gồm Nhà Bán lẻ khổng lồ Walmart, Công ty Thiết bị y tế Stryker, Tập đoàn Quảng cáo WPP, Nhà Sản xuất hàng không vũ trụ Embraer, Công ty Dịch vụ công nghệ thông tin Cognizant...

Ban hành vào năm 1977, được thực thi bởi SEC và Bộ Tư pháp Mỹ, FCPA nghiêm cấm việc đưa hối lộ cho các quan chức nước ngoài để hỗ trợ đạt được hoặc duy trì hoạt động kinh doanh. Đạo luật mở rộng cho các công ty niêm yết của Mỹ và các cán bộ, giám đốc, nhân viên, cổ đông và đại lý của họ bao gồm đại lý bên thứ ba, nhà tư vấn, nhà phân phối, đối tác liên doanh và những người khác.

FCPA cũng bao gồm các điều khoản về kế toán nghiêm cấm các cá nhân và doanh nghiệp cố ý làm sai lệch sổ sách và hồ sơ hoặc phá vỡ hoặc không thực hiện một hệ thống kiểm soát nội bộ.

Bất kể quy mô nào, để một món quà hoặc khoản thanh toán khác vi phạm quy định, người trả tiền được cho là có ý định tham nhũng.

Hướng dẫn thi hành của FCPA cho biết, hối lộ thường được che giấu dưới chiêu bài thanh toán hợp pháp như phí tư vấn, hoa hồng, chi phí tiếp thị, khuyến khích hoạt động khoa học, chi phí đi lại, giải trí và chiết khấu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm