Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nơi “bát cơm đang dần ngon hơn”

Trần Kiên - Trường Giang

Thứ sáu, 11/10/2024 - 20:40

(Thanh tra) - Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giống, về vốn, về kỹ thuật… những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, đã thoát nghèo nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, biến những triền đồi hoang hoá, bạc màu thành những vườn cam, quế, mắc ca… xanh tốt.

Vợ chồng ông Sùng Quán Tùng thu hoạch cam. Ảnh: Kiên Giang

Giấc mơ cơm áo

Tiếp chúng tôi trong căn phòng nơi nhiệm sở, ông Hờ A Lù - Chủ tịch UBND xã Nậm Tin - cho biết, được sự giúp đỡ giống vốn của Nhà nước, tư vấn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn Phòng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn huyện Nậm Pồ, những năm qua nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ trồng lúa, ngô sang trồng cây quế, cây dược liệu, cây mắc ca và cây cam...

Kết quả là vụ này tiếp vụ khác, năm nọ nối năm kia, trên những triền đồi nắng cháy ngày nào giờ cây cam lên xanh như lụa biếc. Câu chuyện bắt đầu từ những khó khăn do nhiều diện tích đất nông nghiệp đang dần thoái hóa, bạc màu… năng suất các loại cây trồng nói chung mỗi vụ một giảm. Điều đó đồng nghĩa với việc thu nhập của các hộ nông dân sa sút, đời sống vật chất càng thiếu thốn hơn.

Năm nay, vườn cam phục vụ dịp tết Ất Tỵ (2025) hơn 2.500 gốc của gia đình ông Sùng Quán Tùng ở xã Nậm Tin đang vào mùa chính vụ, những cây cam (giống cam Vinh) sai trĩu quả đang ngả sang màu vàng khắp cả vùng đồi.

Từ sáng sớm, tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình ông Tùng “dốc” toàn bộ nhân lực trong nhà để hái cam, chọn lựa những quả vừa độ chín cắt và đóng thùng gửi cho thương lái. Đó là những bản hợp đồng trị giá vài triệu đến hàng chục triệu đồng, trực tiếp hoặc qua điện thoại, của những khách hàng từng mấy năm rồi mua cam nhà ông.

Đoàn viên thanh niên trong huyện hỗ trợ việc phân loại, đóng gói, gửi hàng theo xe ôtô cho khách ở xa. Ảnh: Kiên Giang

“Yêu đất thì đất trả công người”

Ông Tùng tâm sự, bất đắc dĩ, ông đành tạm biệt vợ con lên huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, để làm thuê kiếm sống cho mình và phụ giúp gia đình.

Ở huyện Bắc Quang 10 năm, công việc ông được giao cũng là tham gia trồng cây cam cùng mọi người, sau đó là trông coi các vườn cam gồm hai giống chủ yếu là cam Vinh và cam sành. Mười năm, đồng tiền công làm thuê dù không thật đầy tay, nhưng kinh nghiệm trồng cam thì được ông chất “đầy bụng”.

Hôm nay, đứng giữa vườn cam thơm từ lá và ngọt từ quả, lão nông Sùng Quán Tùng phấn khởi nhớ lại: “Đầu năm 2017, sau khi xin ý kiến và được chính quyền xã Nậm Tin động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện giúp đỡ, tôi bàn với gia đình và quyết định mang giống cam Vinh và cam sành từ Hà Giang về trồng thử nghiệm trên diện tích chừng 6ha đất nương bạc màu nhà mình. Rất mừng là ý tưởng lại thành công”.

Để vườn cam phát triển tốt, ngoài đầu tư kinh phí mua lưới làm hàng rào, đào hào chống trâu bò... gia đình ông tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật đúng như hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện.

Đến vụ thứ 5 vườn cam nhà ông Tùng cho thu hoạch 14 - 15 tấn quả, sản phẩm bán ra các thị trường trong tỉnh và sang cả một số tỉnh lân cận (Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái...). Không ít vụ thương lái đến thu mua tận vườn của gia đình, với mức giá dao động từ 20.000 đồng - 25.000 đồng/kg.

Ông Sùng Quán Tùng cho rằng, ưu điểm của giống cam Vinh, cam sành là tương đối dễ trồng, khả năng thích ứng thời tiết và chống chọi sâu bệnh tốt, vỏ mỏng, mọng nước và nước ngọt do lượng đường cao, năng suất bình quân mỗi cây đạt trên dưới 60kg quả một vụ. Đúng là, “yêu đất thì đất trả công người” - ông Tùng nghĩ mộc mạc như vậy...

Những khách hàng gần được thanh niên trong huyện giúp tiêu thụ sản phẩm bằng xe máy. Ảnh: Kiên Giang

 Tiếp sức cho nông dân

Để giúp đỡ cá nhân gia đình ông Sùng Quán Tùng và hơn nữa, để các hộ nông dân trong xã, trong huyện yên tâm về một hướng làm ăn với những thuận lợi ban đầu, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và Huyện đoàn Thanh niên Nậm Pồ đã lên kế hoạch quảng bá sản phẩm cam của gia đình ông Tùng trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo...

Nói về điều này, anh Nguyễn Văn Thúy - Bí thư Huyện đoàn Nậm Pồ cho biết, mùa cam năm nay, Huyện đoàn Nậm Pồ triếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam giúp nông dân xã Nậm Tin cho đến hết mùa thu hoạch.

Còn chị Trần Thị Yến - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nậm Pồ cho biết: “Vụ năm ngoái (2023), Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chúng tôi đã giúp tiêu thụ gần hai chục tấn cam của gia đình ông Sùng Quán Tùng. Điều quan trọng hơn là qua đây chúng tôi tạo được những mối quan hệ với khách hàng, họ chủ động cung cấp cho mình địa chỉ nhận hàng trong những vụ sau...”.

Chính nhờ sự chia sẻ, quảng bá sâu rộng của các đoàn viên thanh niên và hội viên phụ nữ, trên cơ sở chất lượng thực tế của quả cam Nậm Tin, đã và đang tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng không chỉ trong xã Nậm Tin, trong huyện Nậm Pồ, trong tỉnh Điện Biên.

Từ chương trình này, các cán bộ đoàn viên, thanh niên và chị em hội viên phụ nữ sẽ hiểu và chia sẻ nhiều hơn về những khó khăn, vất vả của người nông dân nói chung, người trồng cam nói riêng trong cơ chế thị trường. Đặc biệt, đấy là những nông dân thiểu số vùng sâu, vùng xa hiền lành, chất phác, giản dị nơi mà tin học chưa thật phổ biến, chưa thật thuận lợi và người nông dân cũng chưa có nhiều điều kiện làm quen, sử dụng...

Sau cùng, xin dẫn lời ông Hờ A Lù - Chủ tịch UBND xã Nậm Tin: “Chúng tôi đang triển khai kế hoạch để mô hình trồng cam của gia đình ông Tùng phát triển hơn, nhân rộng ra toàn xã. Hiện chúng tôi đã đăng ký đưa vườn cam và cây cam trở thành sản phẩm OCOP của xã. Trong tương lai, nhất định thương hiệu của cam Nậm Tin sẽ được nhiều người biết đến và đầu ra sẽ ổn định ơn, cuộc sống người nông dân sẽ dần khá hơn...”...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ Tết Ất Tỵ 2025

Hàng không Việt Nam tăng thêm hơn 650.000 chỗ Tết Ất Tỵ 2025

(Thanh tra) - Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, Vietnam Airlines Group (gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) sẽ cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa Việt Nam trong giai đoạn từ 13/01/2025 đến 12/02/2025 (tức 15 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Trần Quý

12:40 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm