Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh 6 tháng EVNNPC lỗ 4.709 tỷ đồng, trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh điện lỗ 4.843 tỷ đồng.

Năm 2022, là năm khó khăn nhất của Tổng công ty kể từ khi thành lập đến nay. Giá nhiên liệu đầu vào như than, khí… vẫn không ngừng tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động từng ngày, khiến số lỗ tiếp tục tăng.

Cụ thể, giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao, khiến chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh, làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN. Giá bán điện bình quân ước cả năm 2022 của Tổng công ty là 1.786 đ/kWh, trong khi giá mua điện trên thị trường điện của Tổng công ty là 2.500,46 đ/kWh.

Giá nhiên liệu, vật tư thiết bị tăng cao cũng làm tăng tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng; tăng các chi phí sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và chi phí quản lý vận hành lưới điện của Tổng công ty.

Tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh làm cho các khoản vốn vay ODA để đầu tư lưới điện của EVNNPC bị lỗ chênh lệch tỷ giá, ước đến thời điểm này là 756 tỷ đồng.

Những giải pháp trước mắt được EVNNPC triển khai, tiết giảm tối đa các khoản chi phí nhằm giảm bớt lỗ, bao gồm: giãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; tiết giảm chi phí sửa chữa lớn khoảng 1.264 tỷ đồng tương ứng giảm 47% so với định mức EVN giao; tiết giảm chi phí biến động khoảng 1.243 tỷ đồng tương ứng giảm 22,7% so với định mức EVN giao...

Năm 2022, EVNNPC đang quyết liệt thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và hoàn thành tốt kế hoạch chuyển đổi số mà EVN giao. Phấn đấu trong thời gian sớm nhất sẽ trở thành doanh nghiệp số. Từ đó nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả  sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Việc các khoản lỗ vẫn tiếp tục tăng khiến cho EVNNPC sẽ khó đảm bảo tiến độ thanh toán tiền điện cho EVN, thanh toán cho các nhà thầu và đối tác…, không thu xếp được vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện cho các địa phương và các khách hàng sử dụng điện của 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét đến các yếu tố khách quan, để có chính sách điều chỉnh giá điện phù hợp để ngành Điện duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng của các địa phương và cả nước.

Theo EVNNPC