Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phòng, chống tham nhũng có hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Phan Văn Nhã - Vietcombank chi nhánh Nam Bình Dương

Thứ tư, 13/11/2024 - 19:35

(Thanh tra) - Phòng, chống tham nhũng có hiệu quả là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Nhà nước ta hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng

Ngay từ những ngày đầu thiết lập chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Do đó, Người rất quan tâm đến vấn đề cán bộ. Người nhấn mạnh, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Người luôn nhắc nhở, không phải làm cán bộ để “thăng quan phát tài”, mà để làm người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người quan niệm “đức” là gốc của cán bộ. Người phê phán cán bộ thoái hóa, tránh cho họ khỏi đi vào con đường tham ô, lãng phí, quan liêu. Người gọi các tệ nạn đó là “giặc nội xâm”, coi loại giặc này nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, vì nó phá ta từ bên trong của chúng ta. Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham ô, lãng phí, hống hách của cán bộ, đảng viên đòi hỏi các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đó là đạo đức, phẩm chất cốt lõi của người cán bộ cách mạng. Theo Người, cần là cần cù, chịu khó; kiệm là tiết kiệm của công, không lãng phí; liêm là liêm khiết, không tham ô; chính là chính trực, ngay thẳng; chí công vô tư là sự rạch ròi giữa việc công và việc tư, phải đặt lợi ích của tập thể, xã hội lên trên lợi ích cá nhân. Người còn dạy, cùng với đức và tài, người cán bộ còn phải thường xuyên liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, biết lắng nghe ý kiến, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Người đặc biệt chú ý chống bệnh “cá nhân chủ nghĩa”, vì nó là một thứ “vi trùng rất độc”, “do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”.Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phê phán thẳng thừng, công khai tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ”. Người nói: “có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này, việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”.

Trước lúc đi xa, trong bản di chúc của minh, Người còn căn dặn: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Khi nền kinh tế thị trường ở nước ta phát triển thì các hiện tượng tham nhũng cũng gia tăng. Nên bắt đầu từ đại hội của Đảng lần thứ XI đã đề ra một số chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt trong Văn kiện Đại hội XIII Đảng ta đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp về phòng, chống tham nhũng. Đảng ta khẳng định: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

Đảng xác định sử dụng nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng tham nhũng, coi đây là vấn đề khẩn trương cần làm ngay: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”.

Đại hội XIII của Đảng chủ trương động viên, khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân dám tố cáo hành vi tham nhũng, có cơ chế bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng tránh sự trả thù, trù dập và chỉ ra một số biện pháp về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội: “Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ thúc đẩy phát triển”.

Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ về lập trường, quan điểm kiên quyết, mạnh mẽ, kiên trì và hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”

Thực trạng phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay

Thực hiện chủ trương về phòng, chống tham nhũng trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII của Đảng, trong những năm qua công tác phòng chống tham nhũng đã được triển khai, thực hiện khá quyết liệt, bài bản và đồng bộ. Quá trình đó được thể hiện như sau:

Về mặt pháp lý, Quốc hội đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 và ngày 20/11/2018 Quốc hội lại tiếp tục ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đặc biệt tại khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải... kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền". Theo đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Để phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có một chế định pháp lý riêng, quy định các tội phạm tham nhũng. Những văn bản quy phạm pháp luật trên đây đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Chính phủ, các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan nhà nước khác đã thực hiện công khai, minh bạch về các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện các biện pháp minh bạch về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; đấy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ quản lý và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phòng ngừa tham nhũng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đấu tranh phòng, chống tham nhũng với nhiều hình thức. Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, các bộ, các cơ quan ngang bộ đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, nên nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Kết quả là trong 10 năm qua từ năm 2013 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (trong đó có cả các Ủy viên Bộ Chính trị) và hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ năm 2021 đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương Đảng (trong đó có cả các Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ chính trị), 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỉ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc thu hồi tài sản tham nhũng năm 2013 chỉ đạt dưới 10%, thì năm 2022 đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt 41,3%.

Trong thời gian qua nổi lên hai vụ đại án có nhiều cán bộ bị khởi tố là vụ “Việt Á” và “Chuyến bay giải cứu”, thực chất là các bị can đã ngang nhiên ăn chặn tiền bạc của người dân trong điều kiện cả nước đang phải gồng mình để chống đại dịch Covid-19.

Về những kết quả đạt được, thứ nhất là nhận thức về phòng, chống tham nhũng được nâng cao hơn. Thứ hai, phòng, chống tham nhũng đã có được sự lãnh đạo, chỉ đạo từ trung ương, từ người đứng đầu. Công cuộc phòng, chống tham nhũng ngày càng đạt được nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Về hạn chế, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ; một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng. Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và toàn dân về phòng, chống tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng chưa trở thành sự nghiệp của quần chúng, của toàn dân. Việc tiếp cận các thông tin của người dân, doanh nghiệp chưa được đảm bảo. Ngoài ra, việc xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản do tham nhũng trong nhiều vụ án còn chưa nghiêm.

 

 

Một số giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thời gian tới

Để công cuộc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn, cần phải thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Luật phòng, chống tham nhũng theo hướng đầy đủ, toàn diện và cụ thể. Luật Phòng, chống tham nhũng cần quy định cụ thể các biện pháp để bảo đảm thực hiện việc công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy định các biện pháp hữu hiệu để quản lý, xác minh các tài sản, thu nhập của những cán bộ có chức, có quyền; cần có cơ quan, tổ chức chuyên trách quản lý, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ; có cơ chế hữu hiệu để theo dõi sự biến động tài sản, thu nhập của người có chức, có quyền và trách nhiệm giải trình, làm rõ tài sản, thu nhập gia tăng không hợp lý, không rõ ràng theo thường kỳ hàng năm.

Hai là, sớm ban hành quy định về xem xét đơn thư tố cáo tham nhũng nặc danh. Trong thực tế những người tham nhũng chủ yếu là những người có chức, có quyền, nên những cán bộ, công chức, viên chức, người dân phát hiện có hành vi tham nhũng, muốn tố cáo, nhưng rất khó và rất ngại, sợ bị trả thù, “đấu tranh, tránh đâu”. Vì vậy, nếu có quy định cụ thể về xem xét đơn thư tố cáo tham nhũng nặc danh thì mới lôi cuốn được toàn dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, do đó hiệu quả sẽ cao hơn.

Ba là, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Đây là biện pháp hết sức quan trọng vì tham nhũng luôn gắn với quyền lực nhà nước. Nếu xây dựng được một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp thì các hành vi tham nhũng sẽ được hạn chế. Các cơ quan cần phối hợp với nhau nhịp nhàng, xây dựng được các cơ chế, chính sách để không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng.

Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tuyên truyền, giáo dục trong phòng, chống tham nhũng. Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng; phải thật sự coi phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; đề cao sự gương mẫu, đặc biệt, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp càng cao, càng phải gương mẫu, trong sạch, nói phải đi đôi với làm trong phòng, chống tham nhũng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án nghiêm minh, kịp thời.

Sáu là, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có chế độ khen thưởng, bảo vệ đối với những người làm công tác phòng, chống tham nhũng.

Bảy là, đổi mới chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Chế độ tiền lương của cán bộ, công chức phải đủ nuôi sống bản thân, gia đình và có tích luỹ.

Thực tế cho thấy rằng, phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay ngày càng có hiệu quả và càng đi vào chiều sâu. Thông qua đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì Đảng ta ngày càng mạnh hơn; kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Nhà nước càng được tăng cường; lòng tin của nhân dân vào Đảng vào chế độ càng cao hơn. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng có hiệu quả ở nước ta đã trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược; đây là sự nghiệp của toàn dân, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, khó khăn, phức tạp. Đây cũng chính là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp bước vào giai đoạn "nước rút" cho các kế hoạch sản xuất kinh doanh mùa cao điểm, nhu cầu về vốn vì thế cũng tăng đột biến. Gói ưu đãi lãi suất đặc biệt với tổng hạn mức 6000 tỷ đồng đã được Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) triển khai từ nay cho đến 31/1/2025 nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

16:43 21/11/2024
PV GAS tổ chức thành công Hội nghị định hướng đầu tư và hợp tác kinh doanh các sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ

PV GAS tổ chức thành công Hội nghị định hướng đầu tư và hợp tác kinh doanh các sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ

(Thanh tra) - Vừa qua, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã tổ chức Hội nghị định hướng đầu tư và hợp tác kinh doanh các sản phẩm khí của PV GAS tại khu vực Bắc Bộ với sự tham gia của Lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan Thành phố Hải Phòng. Về phía PV GAS có sự tham dự của Ban Lãnh đạo PV GAS, các Ban chuyên môn, các đơn vị kinh doanh/đơn vị quản lý vận hành hạ tầng cơ sở công nghiệp khí của PV GAS trên địa bàn Thành phố Hải Phòng. Hội nghị là diễn đàn để PV GAS/các đơn vị của PV GAS kết nối, trao đổi các ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đề xuất về những vướng mắc cần tháo gỡ.

14:16 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm