Anh Đặng Quang Tuân, một giám sát an toàn dày dạn kinh nghiệm với hơn 10 năm gắn bó với giàn PQP-HT, chia sẻ: “Nghề của chúng tôi là “canh giữ thần chết”. Nghe có vẻ to tát, nhưng thực sự là vậy. Mỗi ngày làm việc trên giàn khai thác khí là một ngày đối mặt với hiểm nguy. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường”.Lời anh Tuân ví von như vậy quả thực không ngoa. Nằm ở vùng biển có độ sâu 118-145m, điều kiện địa chất ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, nơi cho những dòng khí dẫn lên giàn xử lý Trung tâm PQP không những phức tạp nhất ở Việt Nam mà còn là vào loại ít có trên thế giới. Từ trong lòng đất dưới đáy biển, với độ sâu hơn 4.000m, dòng khí gas được phun lên với áp suất rất cao 890 atmosphere và nhiệt độ cao vượt ngưỡng hơn 1900C. Trên thế giới, những loại mỏ khí đốt có áp suất và nhiệt độ cao như thế này là khá hiếm và không phải công ty dầu khí nào cũng dám làm, bởi mức độ nguy hiểm và rủi ro quá cao.Anh Đặng Quang Tuân - Giám sát công nhân làm việc ngoài site“Canh gác” những mối nguy tiềm tàngCác giàn khai thác khí áp suất cao nhiệt độ cao luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Trong đó, nguy cơ nổ, cháy và rò rỉ khí độc hại là những mối đe dọa hàng đầu, có thể gây hậu quả thảm khốc cho con người và môi trường. Áp suất và nhiệt độ cực cao không chỉ làm tăng nguy cơ sự cố thiết bị mà còn có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho công nhân. Ngoài ra, việc vận hành lâu dài trong điều kiện khắc nghiệt này thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe lâu dài cho người lao động. Do đó, việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn, bảo trì thường xuyên và đào tạo nhân viên kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn trên các giàn khai thác này là điều vô cùng quan trọng.Công việc của một giám sát an toàn trên giàn khai thác và xử lý khí rất đa dạng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác. Những giám sát an toàn như anh Tuân là những người chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tất cả các hoạt động trên giàn, từ việc sử dụng thiết bị, máy móc đúng quy chuẩn cho đến việc kiểm tra trang thiết bị bảo hộ, tất cả đều phải bảo đảm các quy định về phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động. Ngoài việc bảo đảm mọi công nhân đều trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, giám soát an toàn còn là người có trách nhiệm kiểm tra tình trạng của các thiết bị cứu hộ, cũng như lên kế hoạch cho các cuộc diễn tập khẩn cấp, ít nhất 1 lần 1 tuần. Tất cả đều nằm trong phạm vi trách nhiệm của các giám sát an toàn.Mỗi người khi từ đất liền ra giàn khoan, dù là công nhân đã làm việc hàng chục năm, bay ra giàn hàng trăm lần, ngay khi xuống máy bay trực thăng cũng đều phải vào phòng nghe hướng dẫn về những quy tắc an toàn cơ bản. Ở trên các giàn khai thác khí như Hải Thạch - Mộc Tinh, công tác an toàn còn nghiêm ngặt hơn. Như cánh phóng viên chúng tôi khi ra giàn đều bị thu máy ảnh, điện thoại. Các thiết bị điện tử này được nhân viên an toàn kiểm tra kỹ lưỡng và dán niêm phong. Rồi khi phóng viên được phép đi chụp ảnh cũng phải đi cùng một người giám sát và kèm theo là một máy dò khí. Phóng viên chỉ được phép chụp ảnh khi được sự đồng ý của người giám sát và tất nhiên, tuyệt đối không dùng đèn flash.Chúng tôi thắc mắc, một chiếc máy ảnh/điện thoại nhỏ bé lại có thể “nguy hiểm” như vậy sao? Anh Tuân liền giải thích: trên giàn khoan có một số khu vực nguy hiểm mà các máy móc, thiết bị sử dụng tại đó phải đạt tiêu chuẩn chống cháy nổ. Còn các loại thiết bị điện tử sử dụng pin thông thường, như điện thoại, máy ảnh, hoàn toàn có khả năng bị chập pin, tạo ra tia lửa. “Dù xác suất bị chập pin trên các thiết bị này là rất nhỏ, nhưng nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất cao. Trong môi trường giàu khí dễ cháy như giàn khai thác khí, chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể châm ngòi cho vụ nổ thảm khốc, chưa kể đèn flash với ánh sáng mạnh và nhiệt độ cao càng có nhiều khả năng kích hoạt phản ứng cháy trong không khí chứa hỗn hợp khí dễ cháy. Do đó chúng tôi bắt buộc phải kiểm soát nghiêm ngặt để hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy đến” - anh Tuân chia sẻ.Anh Đặng Quang Tuân - Giám sát an toàn (HSE Supervisor), Giàn HT-PQP“An toàn” là yếu tố bắt buộc hàng đầuNếu việc kiểm soát an toàn đối với các thiết bị có khả năng phát sinh tia lửa đã nghiêm ngặt, thì việc kiểm soát an toàn khi thực hiện các công việc phát ra tia lửa lại càng nghiêm ngặt hơn gấp nhiều lần. Ví dụ như việc hàn, cắt kim loại trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trên giàn.Đầu tiên, khi cần tiến hành công việc hàn, cắt có thể gây tia lửa, người trưởng bộ phận phải xin giấy phép làm việc được phê duyệt bởi lãnh đạo giàn, sau khi đã đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro. Kiểm soát nồng độ khí liên tục trong khu vực làm việc là bước tiếp theo, bằng việc cô lập khu vực làm việc khỏi các nguồn khí và sử dụng các thiết bị đo lường chuyên dụng để bảo đảm nồng độ khí dễ cháy luôn ở dưới mức nguy hiểm. Ngoài ra còn bố trí thêm một lớp rào chắn vòng ngoài để ngăn chặn sự cố lan rộng.“Người gác lửa” thầm lặng giữa biển khơiNếu vị trí hàn/cắt là đường ống dẫn khí thì lại càng “rắc rối” hơn. Sau khi xả áp, dừng thiết bị, người ta phải quây kín khu vực thao tác và dùng một thiết bị chống cháy để tạo ra áp suất dương bên trong. Việc duy trì một áp suất dương bên trong đường ống là để các khí cháy bên ngoài, nếu có, cũng không thể đi vào để bắt lửa.Trong quá trình thao tác, người thợ phải được trang bị bảo hộ chống cháy và phòng độ, tất nhiên các thiết bị chữa cháy luôn được chuẩn bị sẵn sàng xung quanh. Lúc này người giám sát an toàn sẽ luôn túc trực tại vị trí trong suốt quá trình làm việc. Quy trình khẩn cấp được lập sẵn và phổ biến cho tất cả nhân viên. Thông thường những việc này sẽ được lên kế hoạch thực hiện vào thời điểm sản xuất thấp nhất để giảm thiểu rủi ro và được kiểm tra kỹ lưỡng sau khi hoàn thành để bảo đảm không có điểm nóng hoặc tia lửa âm ỉ nào còn sót lại.“Những điều căn bản là như vậy, nhưng thực tế đi vào triển khai chúng tôi còn phải thực hiện hàng loạt các thao tác kỹ thuật phức tạp khác mà rất khó để diễn đạt được nếu không dùng từ ngữ chuyên môn. Các công việc phát sinh tia lửa trần này, làm chỉ độ 5-10 phút thôi, nhưng chúng tôi phải lên kế hoạch rất kỹ lưỡng và có thể mất cả ngày để chuẩn bị cho công tác an toàn” - anh Tuân cho hay.Không chỉ buộc phải có những kiến thức sâu rộng về các quy trình kỹ thuật, các quy định an toàn, người giám sát an toàn còn phải có tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng tập trung cao độ, quan sát nhạy bén và kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt để kịp thời ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Trên giàn khoan này, họ thực sự là người bạn đồng hành không thể thiếu và đáng tin cậy, luôn sát cánh cùng đội ngũ công nhân, nhắc nhở, hướng dẫn công nhân làm việc một cách an toàn, hiệu quả.“Mỗi người lao động trên giàn khoan này đều có một gia đình đang chờ họ trở về” - anh Tuân chia sẻ. “Trách nhiệm của tôi là bảo đảm họ được bảo vệ và an toàn trong suốt thời gian làm việc. Đó không chỉ là công việc, mà là một cam kết sâu sắc với sự an toàn và hạnh phúc của mọi người”.Ước tính đến ngày 30-6-2024, cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh đã khai thác hơn 18,5 tỉ m3 khí, hơn 29,5 triệu thùng condensate; các giàn khai thác hoạt động tuyệt đối an toàn, hiệu quả với hệ số làm việc đạt 99,92% - là hệ số khai thác thuộc vào hàng cao nhất trên thế giới; vận hành hơn 4.200 ngày an toàn tuyệt đối mà không để xảy ra bất cứ một sự cố nào gây mất giờ công lao động (Zero LTI).Nhà điều hành dầu khí “An toàn - Chuyên nghiệp”Đối với đơn vị điều hành một dự án khai thác khí và condensate tại nơi có điều kiện địa chất phức tạp bậc nhất trên thế giới, để có thể liên tục duy trì thành tích an toàn tuyệt đối hằng năm, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã không ngừng cải tiến các hệ thống chính sách, quy trình đánh giá nội bộ, các quy chuẩn về an toàn và bộ máy kiểm soát theo hướng chuyên nghiệp hơn, hoàn chỉnh hơn, nhằm chuẩn hóa công việc và cải tiến khi cần thiết. BIENDONG POC cũng đã tiến hành xây dựng, triển khai đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp với mục tiêu từng bước hoàn thiện, nâng cao hơn nữa hệ thống quản lý An toàn - Sức khỏe - Môi trường (ATSKMT), năng lực quản trị, điều hành; đồng thời sử dụng các bên thứ ba (DNV GL, kiểm toán Deloitte…) tiến hành kiểm tra đánh giá.BIENDONG POC là đơn vị đầu tiên trong khối thăm dò khai thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) áp dụng và được tổ chức Det Norske Veritas cấp các chứng chỉ tích hợp hệ thống quản lý chất lượng ATSKMT theo tiêu chuẩn quốc tế: ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 45001:2018.“Người gác lửa” thầm lặng giữa biển khơiNhững năm qua, BIENDONG POC cùng các nhà thầu cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao đã hoàn thành xuất sắc công tác ATSKMT với những kết quả nổi bật: Hệ số làm việc của các giàn khai thác và tàu FSO luôn đạt trên 99,9% (so với mục tiêu là 97%); chỉ số tỷ lệ thương tật TRIR là 0, không có sự cố gây mất giờ công lao động, không có sự cố nghiêm trọng về môi trường (Zero Environmental Incident). Riêng trong năm 2023, BIENDONG POC đã đạt thành tích cao trong phong trào quan sát điều kiện làm việc không an toàn, với 3.962 thẻ quan sát được ghi nhận; đã tổ chức 81 buổi diễn tập tình huống khẩn cấp, 60 cuộc họp về các công tác ATSKMT, 16 lần kiểm tra định kỳ với các nhà thầu dịch vụ nhằm tăng cường hợp tác, nghiêm túc thực hiện các cam kết an toàn.Năm 2024, BIENDONG POC tiếp tục thực hiện, bảo đảm an toàn tuyệt đối, liên tục, hiệu quả thông qua 5 mục tiêu: Tuân thủ theo chương trình hành động và mục tiêu về quản lý QHSE đã được phê duyệt; tổ chức đầy đủ các cuộc họp ATSKMT với các nhà thầu cung cấp dịch vụ định kỳ hằng tháng, quý; triển khai kế hoạch giám sát ATSKMT trong chiến dịch can thiệp giếng và tăng người bảo trì, bảo dưỡng trên các công trình biển; thực hiện các kế hoạch trong công tác ứng phó khẩn cấp về diễn tập tình huống khẩn cấp ngoài khơi, diễn tập ứng phó khẩn cấp hình thức thảo luận bàn tròn, diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu và duy trì cải tiến quy trình, hệ thống quản lý QHSE theo tiêu chuẩn quốc tế.Có thể khẳng định, “An toàn - Chuyên nghiệp” cũng chính là hai giá trị cốt lõi không ngừng được bồi dưỡng, thẩm thấu vào mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cuộc sống của mỗi cán bộ nhân viên, người lao động BIENDONG POC. Bằng cách đặt an toàn lên vị trí hàng đầu, BIENDONG POC không chỉ bảo vệ người lao động, thiết bị và môi trường, mà còn bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.Những người giám sát an toàn chính là những “người gác lửa” thầm lặng, bảo đảm rằng mọi quy trình và biện pháp an toàn được tuân thủ nghiêm ngặt. Họ tuần tra, giám sát, huấn luyện và can thiệp khi cần thiết, tạo nên một văn hóa an toàn mạnh mẽ. Sự tận tâm và chuyên nghiệp của họ còn là nguồn cảm hứng, mang lại niềm tin và sự an tâm cho người lao động; đóng góp trực tiếp vào sự thành công và an toàn của các công trình. Qua đó, góp phần giúp BIENDONG POC đạt được những thành tích ấn tượng, bảo đảm khai thác tuyệt đối an toàn, liên tục, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh hằng năm, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế - năng lượng của đất nước.“An toàn - Chuyên nghiệp” cũng chính là hai giá trị cốt lõi không ngừng được bồi dưỡng, thẩm thấu vào mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cuộc sống của mỗi cán bộ nhân viên, người lao động BIENDONG POC.