Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát huy vai trò báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản ánh chức năng lập pháp của Quốc hội

Quỳnh Hoa-Diệp Trương

Thứ sáu, 24/12/2021 - 16:19

(Thanh tra) - Trong khuôn khổ Hội nghị Báo chí toàn quốc, lãnh đạo một số cơ quan báo chí đã nhấn mạnh vai trò tiên phong của lực lượng báo chí trong việc đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; nỗ lực phản ánh chức năng lập pháp của Quốc hội, nâng cao chất lượng tuyên truyền hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp...

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh

 * Giữ vững định hướng của Báo Đảng

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chính vì vậy tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp là nhiệm vụ quan trọng của báo chí cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, thường xuyên, lâu dài, đặc trưng của báo Đảng.

Trong tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Báo Nhân Dân đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bám sát thực tiễn cuộc sống để thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, bảo đảm sự định hướng dư luận xã hội; đồng thời chủ động đổi mới, sáng tạo để tăng hiệu quả công tác tuyên truyền. Là đơn vị có nhiều loại hình báo chí, gồm báo in, báo điện tử, truyền hình và mỗi loại hình lại có nhiều ấn phẩm, Báo Nhân Dân tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức và cách tổ chức tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trên nguyên tắc giữ vững định hướng của Báo Đảng. Phương châm là tuyên truyền đúng, trúng, hấp dẫn, đưa thông tin đến bạn đọc nhanh, chính xác, trung thực, đa chiều và khách quan.

Ngay sau khi Trung ương ban hành các Văn kiện Đại hội XIII, Báo Nhân Dân đã tổ chức thực hiện chuyên mục “Tìm hiểu nội dung các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, đăng liên tục nhiều bài viết chuyên sâu của các lãnh đạo, các nhà khoa học phân tích sâu, làm rõ những điểm mới quan trọng trong nội dung các Văn kiện Đại hội XIII. Tiếp đó, những cách làm chủ động, sáng tạo như triển khai các nghị quyết theo chuyên đề, giao việc khó cho người đứng đầu, chọn những điểm đột phá phù hợp thực tế... của các địa phương, đơn vị được thể hiện đa dạng, sinh động. Các bài viết không chỉ phản ánh một chiều mà thẳng thắn chỉ ra những điều còn bất cập khi triển khai nghị quyết gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiến nghị những giải pháp để việc thực hiện chủ trương, nghị quyết đạt hiệu quả. Một nét mới trong tuyên truyền việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII tại các địa phương là việc thường xuyên thực hiện các bài phỏng vấn lãnh đạo các ngành, địa phương, làm phong phú hơn chuyên mục này.

Để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, Trung ương có cách làm mới là tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn quốc đến các điểm cầu là các quận, huyện trong cả nước để kịp thời lan tỏa chủ trương, những định hướng lớn. Thời gian trước, trong và sau các hội nghị lớn này, Báo Nhân Dân đều tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng trên mọi ấn phẩm. Nhân Dân hằng ngày và Nhân Dân điện tử có nhiều bài viết về các nội dung quan trọng của từng hội nghị; các bài viết của các nhà nghiên cứu phân tích những luận điểm trong các bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở các hội nghị; các bài viết phản ánh thực tế triển khai Nghị quyết Đại hội XIII liên quan nội dung từng hội nghị.

“Các ấn phẩm của Báo Nhân dân tận dụng lợi thế riêng là tính chuyên sâu để khai thác triệt để từng vấn đề và gợi ý các giải pháp, đúng với xu hướng mới của báo chí thế giới là “báo chí giải pháp” và “báo chí xây dựng” cùng quan điểm “đọc chậm” để thu nạp nhiều kiến thức, thay vì để bị cuốn đi trong cơn bão tin tức mỗi ngày. Mạnh dạn đầu tư công cụ sản xuất các bài đa phương tiện - từ thông tin đồ họa tương tác, video cho đến các bài mega story phức tạp - để mỗi phóng viên, biên tập viên đều có thể tự sản xuất những nội dung digital phức tạp và hấp dẫn, không cần sự hỗ trợ của nhân viên công nghệ”, Tổng biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh.

Đặc biệt, để kịp thời lan tỏa niềm tin, truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên về bài viết quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Báo Nhân Dân đã sớm tổ chức đợt tuyên truyền lớn, dài ngày trên ấn phẩm Nhân Dân hằng ngày và Nhân Dân điện tử. Báo đã đăng gần 100 bài viết của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong cả nước và các nhà nghiên cứu, các học giả nước ngoài hưởng ứng những luận điểm tâm huyết, tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn về những vấn đề cơ bản nhất của cách mạng nước ta; đồng thời bày tỏ niềm tin về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về khát vọng phát triển đất nước.

Cùng với các chuyên mục “Tâm huyết với chỉ đạo của Tổng Bí thư” và “Dư luận thế giới về bài viết của Tổng Bí thư” trên Nhân Dân hằng ngày, Báo Nhân Dân đã lập riêng một website về vấn đề này, được các đồng nghiệp và công chúng đánh giá là sản phẩm hiếm hoi biến những vấn đề lý luận phức tạp trở nên đơn giản và hấp dẫn. Trên website có bài phát biểu của Tổng Bí thư bằng hình thức văn bản và audio, có những phần tóm tắt để những độc giả khó tính và bận rộn nhất cũng có thể nắm bắt nhanh chóng những vấn đề cốt lõi trong bài phát biểu, đồng thời là kho tư liệu đồ sộ về những ý kiến của chuyên gia, học giả trong nước, nước ngoài và người dân bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ với bài viết của Tổng Bí thư.

Nhắc lại lời nhắc nhở người làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm Báo Nhân Dân “Báo Nhân Dân là tiếng nói mà người dân đặt niềm tin cậy. Báo Nhân Dân là phải chuẩn”, ông Lê Quốc Minh khẳng định: “Báo Nhân Dân luôn bám sát những quan điểm đó khi tuyên truyền nghị quyết nói chung và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nói riêng, để những định hướng lớn của Đảng đến được với người dân chính xác và dễ hiểu, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, hướng tới những dấu mốc quan trọng là 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm lập nước vào năm 2045”.

 * 4 tuyến chương trình phản ánh tiến trình lập pháp

Chia sẻ về nâng cao chất lượng tuyên truyền hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp để báo chí thực sự là cầu nối giữa cử tri và cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh cho biết, trong bối cảnh xã hội đang bị thừa thông tin với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, các nền tảng truyền thông và ai cũng có thể trở thành một nguồn phát hành, độc giả sẽ có xu hướng tìm về với những nội dung  quan tâm và nền tảng  tin tưởng. Cả hai yếu tố này đều là những thách thức  lớn với bất kỳ tờ báo nào.

Từ góc độ sản xuất nội dung, có thể coi việc phản ánh các hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp là việc chọn "thị trường ngách", nơi chỉ có một lượng nhỏ khán giả quan tâm đến các vấn đề chính luận và nhỏ hơn nữa là các cử tri quan tâm đến hoạt động của các cơ quan dân cử, đánh giá sự xứng đáng của những đại biểu do người dân bầu ra. Ở góc độ xây dựng niềm tin, thực tế đã chứng minh, có nhiều tờ báo phải mất nhiều năm để đạt được số lượng người xem kỳ vọng. Ngay cả đối với nhóm nhỏ độc giả này, ông Lê Quang Minh cho rằng, họ chỉ quan tâm xem các đại biểu nói được tiếng nói của người dân hay không, thay mặt dân quyết định gì với những vấn đề hệ trọng của đất nước (chức năng đại diện, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước), giám sát được những người đang sử dụng tiền thuế của dân (chức năng giám sát) và liệu có cải thiện đời sống và sức khỏe của người dân và doanh nghiệp bằng những chính sách hợp lý (chức năng lập pháp).

“Những gì Quốc hội bàn đều liên quan đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Và ngược lại, những vấn đề nổi lên từ đời sống và thực tiễn doanh nghiệp đều nhận được sự quan tâm sát sao của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Nếu báo chí tiếp cận vấn đề từ dưới lên, phản ánh được hơi thở của cuộc sống, chúng ta sẽ tiếp cận được độc giả. Còn nếu ngược lại, chỉ phản ánh theo kiểu điểm tin hôm nay Quốc hội làm gì, ngày mai các đại biểu đi đâu, chúng tôi sẽ chỉ có khán giả”, ông Lê Quang Minh nhấn mạnh.

Xác định lập pháp là chức năng quan trọng của Quốc hội, kể từ năm 2022, Truyền hình Quốc hội Việt Nam dự kiến xây dựng 4 tuyến chương trình để phản ánh tiến trình phức tạp này. Chương trình “Dự thảo luật” sẽ là những cuộc tranh luận về sự cần thiết của một Đạo luật ngay từ khi nó còn đang dưới dạng Dự thảo. “Trước giờ bấm nút” sẽ là Diễn đàn tranh luận lần cuối trước khi các đại biểu bấm nút thông qua hoặc không thông qua một Dự thảo luật trên Diễn đàn Quốc hội. Bằng việc mô tả chân thực phản ứng của các nhóm đối tượng bị tác động, ông Lê Quang Minh hy vọng khán giả sẽ ý thức hơn vai trò của mình trong tiến trình ban hành một văn bản quy phạm pháp luật.

Ngay khi luật đã được thông qua, Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia vào quá trình diễn giải luật với chương trình “Luật và đời sống”, giúp khán giả hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của Luật và những điều chỉnh cụ thể của Luật tới cuộc sống của người dân và hoạt động của Doanh nghiệp. Cuối cùng, khi Luật đã đi vào đời sống bằng các Nghị định và chính sách, Truyền hình Quốc hội Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục bám sát tiến trình này với chương trình “Đối thoại chính sách” nhằm phản ánh những bất cập có thể có trong quá trình Luật đi vào cuộc sống, thậm chí đề xuất sửa đổi Luật trước những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn.

Trong bối cảnh báo chí bị tác động mạnh mẽ bởi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc sản xuất chương trình như thế nào, mới chỉ là điều kiện cần. Xây dựng hệ thống phân phối để tiếp cận nhanh nhất tới tệp khán giả của mình mới là điều kiện đủ. Chia sẻ câu nói nổi tiếng trong tiến trình số hóa các đài truyền hình: “Truyền hình truyền thống sẽ ngày càng mất vị thế, nhưng nội dung truyền hình sẽ ngày càng phát triển”, ông Lê Quang Minh giải thích quá trình tái phân phối nội dung truyền hình trong bối cảnh cuộc cách mạng số. Đó là, sẽ ngày càng ít người về nhà vào lúc 7-8 giờ tối, ngồi trước màn hình tivi để xem Thời sự 45 phút. Nhưng nếu các Đài truyền hình chia nhỏ các tin bài, phóng sự và đưa lên các nền tảng số, số lượng khán giả nhiều khi còn tăng lên do tiếp cận được với người dùng trẻ vốn sinh hoạt thường xuyên trên mạng xã hội.

Do đó, digital là một sân chơi mới nơi tòa soạn và các tờ báo có thể tương tác trực tiếp với khán giả, hiểu khán giả của mình là ai và đo lường được chính xác hiệu quả tuyên truyền của tờ báo. Có những công cụ để làm được điều đó, chỉ có điều, ngày hôm nay, các Tòa soạn không chỉ phải giỏi nghề, họ còn phải giỏi cả công nghệ để tối ưu hóa quá trình phân phối này.

“Làm thế nào để báo chí thực sự là cầu nối giữa cử tri và cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp? Muốn trở thành cầu nối, chúng ta phải xây cầu, tức là xây các kênh phân phối. Và các nền tảng số mà các cơ quan báo chí sở hữu hoặc vận hành chính là những cây cầu đó”, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam chia sẻ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành phố Yên Bái khẩn trương cải tạo mặt bằng, hoàn thành trước ngày 31/12

Thành phố Yên Bái khẩn trương cải tạo mặt bằng, hoàn thành trước ngày 31/12

(Thanh tra) - Để thực hiện mục tiêu chỉnh trang đô thị và đảm bảo vệ sinh môi trường, phục vụ Nhân dân vui Xuân đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, UBND thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã đưa ra yêu cầu khẩn trương đối với các tổ chức, hộ gia đình trong việc hoàn thành cải tạo mặt bằng và xử lý sụt, sạt mái taluy do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Công việc này phải hoàn tất trước ngày 31/12/2024.

Bùi Bình

22:50 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm