00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2024

Phương Anh

Chủ nhật, 06/04/2025 - 12:48

(Thanh tra) - Theo đánh giá, thành phố Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 với kết quả đạt 96.17%, cao hơn 4.30% và tăng 1 bậc xếp hạng so với năm 2023. Đây là lần thứ 2 thành phố Hải Phòng dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính.

Đây là lần thứ 2, thành phố Hải Phòng dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính. Ảnh: IT

Ngày 6/42025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025. Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với các điểm cầu tại Trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chỉ số cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo và công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 (SIPAS 2024) và Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ((PAR Index 2024).

Kết quả cho thấy, chỉ số CCHC năm 2024 của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88.37%, cao hơn 1.39% so với năm 2023. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%.

Theo thống kê, 53/63 địa phương có Chỉ số CCHC tăng so với năm 2023, tăng cao nhất là Bình Thuận (+6.39%), tăng thấp nhất là Lai Châu (+0.19%). Tuy nhiên, vẫn còn 9 địa phương có chỉ số giảm, nhưng mức giảm không đáng kể, tỉnh giảm nhiều nhất là 2.94% và tỉnh giảm ít nhất là 0.21%.

Kết quả Chỉ số CCHC 2024 của các tỉnh, thành phố được phân theo 2 nhóm, bao gồm: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 13 tỉnh, thành phố. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 50 tỉnh, thành phố.

Theo đánh giá, thành phố Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 với kết quả đạt 96.17%, cao hơn 4.30% và tăng 1 bậc xếp hạng so với năm 2023. Đây là lần thứ 2 thành phố Hải Phòng dẫn đầu cả nước về Chỉ số CCHC (lần gần nhất là năm 2021); trong lịch sử 13 năm đánh giá thì Hải Phòng có 12 năm liên tiếp nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số CCHC, trong đó 7 năm xếp vị trí thứ 2/63.

Những nỗ lực CCHC mạnh mẽ đã giúp thành phố Hải Phòng tạo nên những kỳ tích trong thời kỳ đổi mới; năm 2024, Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 10 năm liên tiếp; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 4,7 tỷ USD, gấp 2,35 lần so với kế hoạch.

Xếp vị trí thứ 2/63 là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với kết quả đạt 93.35%, tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2023. Một số địa phương khác cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác CCHC, như: Hà Nội, xếp thứ 3/63, đạt 92.75%; Quảng Ninh xếp thứ 4/63, đạt 91.49%; Thái Nguyên, xếp thứ 5/63, đạt 91.47%.

Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 là tỉnh Cao Bằng, đạt 82.95%, mặc dù vậy, kết quả này vẫn cao hơn 1.63% so với đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 (An Giang, năm 2023 chỉ đạt 81.32%).

Ngoài ra, một số địa phương khác cũng cho kết quả Chỉ số CCHC năm 2024 khá thấp là Bắc Kạn, đạt 84.23%, xếp thứ 60/63; Gia Lai, đạt 84.01%, xếp thứ 61/63 và Lâm Đồng, đạt 83.11%, xếp thứ 62/63.

Phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới

So sánh kết quả 8 Chỉ số thành phần cho thấy, năm 2024, có 6/8 chỉ số thành phần tăng điểm; tăng cao nhất là Chỉ số thành phần “Tác động của CCHC đến người dân và phát triển kính tế - xã hội tại địa phương” (+3.79%). 02/8 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2023 đó là các Chỉ số thành phần: “Cải cách tài chính công” (-0.02%) và “Cải cách thể chế” (-1.60%).

So sánh kết quả Chỉ số CCHC giữa 6 vùng kinh tế - xã hội, năm 2024, 6/6 vùng kinh tế - xã hội đều có giá trị trung bình Chỉ số CCHC đạt trên 80% và đều tăng trưởng cao hơn so với năm 2023. Giá trị trung bình cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng với kết quả đạt 90.17%, cao hơn 1.85% so với năm 2023; tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ, đạt 89.44%, cao hơn 1.99% so với năm 2023; đây cũng là vùng kinh tế có giá trị trung bình Chỉ số CCHC tăng trưởng cao nhất so với các vùng kinh tế còn lại.

Xếp vị trí thứ 3 là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đạt 88.51%, cao hơn 1.58% so với năm 2023. Xếp vị trí thứ 4 là vùng Trung du miền núi phía Bắc, đạt 88.20%, cao hơn 0.48% so với năm 2023. Xếp vị trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt là Đồng bằng sông Cửu Long, đạt 87.37% và Tây Nguyên, đạt 85.63%.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, năm 2024, các địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện và hiệu quả; kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2023, phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực.

Các hoạt động chỉ đạo, điều hành CCHC ngày càng có những chuyển biến tích cực cả về tư duy, hành động và hiệu quả đạt được trong thực tiễn. Các địa phương đã tăng cường rà soát, đề xuất tháo gỡ nhiều thể chế, cơ chế, chính sách, góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm qua.

Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, nhiều mô hình mới được triển khai thí điểm, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và Đề án 06 đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cải cách tổ chức bộ máy được triển khai quyết liệt, khẩn trương, khoa học và đạt được nhiều kết quả đột phá. Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tiếp tục là điểm sáng của cải cách, khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện; các ứng dụng, cơ sở dữ liệu được phát triển mạnh mẽ, dữ liệu thường xuyên được cập nhật, kết nối chia sẻ liên thông, phục vụ ngày càng hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND các cấp ở địa phương.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng cho biết, thông qua đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 cũng đã chỉ rõ, việc thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ CCHC còn cho kết quả thấp, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và sự mong đợi của người dân.

Đây là cũng là dịp để các địa phương có điều kiện nghiên cứu, phân tích dữ liệu, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó, ban hành và triển khai các giải pháp, biện pháp khắc phục đối với từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hỗ trợ cán bộ tỉnh Hải Dương nơi ở để công tác tại thành phố Hải Phòng

Hỗ trợ cán bộ tỉnh Hải Dương nơi ở để công tác tại thành phố Hải Phòng

(Thanh tra) - Ngày 17/4, Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương vừa có ý kiến tại Văn bản 2881/VP-QH đề nghị Công ty Cổ phần Thái - Holding bố trí hơn 400 căn hộ trong Dự án Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên để cho cán bộ của Hải Dương thuê với thời gian từ 2 - 3 năm để làm việc tại Trung tâm chính trị - hành chính thành phố Hải Phòng.

Kim Thành

21:37 17/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm