Đối với mỗi người dân Việt Nam, năm mới không chỉ là dịp để đón chào những thách thức mới mẻ mà còn là lúc họ tìm về với nguồn cội văn hóa qua hành trình du Xuân hoặc tham gia vào các lễ hội đầu Xuân.

Truyền thống đi lễ chùa đầu năm đã được lưu giữ và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Chùa Hương vừa khai hội hôm 6 tháng Giêng, vậy mà đã đón hàng chục ngàn người về đây lễ Phật, cầu an, mong mỏi những điều tốt đep. Điều này chứng tỏ đi du Xuân, tham gia lễ hội đầu năm, luôn là một hành trình tâm linh văn hóa của người Việt, nó gắn với tôn giáo, tín ngưỡng và các truyền thống nguồn cội lâu đời.

Dịp đầu Xuân năm mới, người Việt có nhiều sự lựa chọn cho hành trình của mình. Có người chọn khám phá những vùng đất xa xôi, tận hưởng không khí mới lạ. Có người đi lễ chùa để vãn cảnh, xin lộc đầu năm. Còn những người khác chỉ đơn giản là trở về với gia đình, ăn chơi nốt rằm tháng Giêng, thăm hỏi người thân, bạn bè kể về chuyện Tết.

Đôi khi du Xuân không cần phải đến những địa điểm ồn ào, náo nhiệt, có khi chỉ là một trải nghiệm đơn giản: Ra khỏi nhà để tận hưởng không khí mùa Xuân ấm áp, ngắm nhìn vạn vật sinh sôi, nảy nở.

Người Việt đi du Xuân trong tâm thế hoan hỉ, khoác lên mình những bộ quần áo mới sặc sỡ, trao nhau những nụ cười ấm áp và ánh mắt yêu thương. Dù cuộc sống đầy thách thức và bộn bề, nhưng khi Xuân sang, Tết đến, tất cả mọi người dường như tạm quên đi những lo lắng của năm cũ để cùng nhau du Xuân, đón chào một năm mới tràn đầy may mắn.

Du Xuân thường gắn với lễ hội. Đó là một phần quan trọng trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự độc đáo và đặc trưng của từng miền đất nước. Lễ hội không chỉ hướng tới đối tượng thiêng liêng mà còn là dịp để mọi người nhìn nhận về nguồn cội, hướng thiện, và góp phần tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mặc dù hội Xuân truyền thống thường khiêm tốn và kéo dài trong thời gian nhất định, nhưng vẫn giữ được sức sống và đặc trưng riêng. Tháng Giêng là thời điểm lễ hội, và dù mỗi vùng có cách tổ chức khác nhau, hội Xuân dân tộc vẫn mang đến không khí nhẹ nhàng, tự nhiên và không phô trương. Tại miền Bắc, hội Xuân đa dạng và phong phú với những lễ hội riêng biệt. Người già và trung niên thường tham gia trẩy hội chùa Hương, hội làng Gióng, với cách ăn mặc đơn giản nhưng chứa đựng lòng thành và sự thành kính đối với Phật, thánh, thần. Mục đích chính của người đi hội là để cầu an gia đạo.

Thanh niên mới lớn, trai thanh gái lịch thì chọn hội Lim để gặp gỡ “liền anh, liền chị”, thưởng thức tài nghệ độc đáo của vùng Kinh Bắc. Hoặc họ thích đi những nơi có thể check in đẹp mắt như Yên Tử, Côn Sơn, Bái Đính, Tràng An…

Mặc dù lễ hội đầu Xuân đối mặt với những hạn chế do bối cảnh thế tục hóa nhưng không hề mất đi ý nghĩa giá trị. Việc duy trì và phát triển nét đẹp truyền thống lễ hội đầu Xuân đã giúp con người hiện đại tìm về cội nguồn văn hóa của mình. Lễ hội luôn là một bảo tàng văn hóa, là nơi đến và đi của nhiều người. Lễ hội, nhất là hội chùa, hội đình rõ ràng đang là một lựa chọn tiêu biểu của nhiều người Việt trong các chuyến du Xuân đầu năm, vì họ thấy ở đó vẫn giữ cho tâm hồn mình sự bình an và niềm tin vào một năm mới an lành và thịnh vượng.

 

Ngô Quốc Đông