Tuy nhiên, sang đến đợt dịch thứ 4, virus chủng Delta nguy hiểm hơn và dễ lây lan khiến cho mô hình cũ không kịp thích ứng, đã gây tổn thất lớn về người và của ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM.

Như vậy, bài học muôn thuở khi chống giặc "biết địch biết ta thì trăm trận trăm thắng" là luôn đúng.

Về phía "địch", virus chủng Delta dễ lây hơn, độc tính cao hơn, gây tử vong nhiều hơn mà chúng ta lại chưa lường hết được mức độ nguy hiểm của nó để mà đối phó.

Về phía "ta", một số địa phương dường như chưa nắm được hết những quy luật vận động, sinh hoạt tập quán của xã hội, khiến cho công tác quản lý điều hành khi chống dịch chủng mới còn bất cập. Một số người dân, thay vì hợp lực với chính quyền đối phó virus thì lại quay ra đối phó chính quyền để mưu sinh, để thỏa mãn nhu cầu riêng, làm cho virus có cơ hội lây lan hơn. Chính quyền một số địa phương, thay vì tập trung truy quét đúng vào đối tượng là virus thì lại đi ngăn sông cấm chợ cả hoạt động kinh tế huyết mạch của người dân và doanh nghiệp dẫn đến thiệt hại đơn thiệt hại kép.

Cho nên, tổng kết lại các bài học chống "giặc" vừa qua, chúng ta phải xem lại, để hiểu cho rõ hơn, đầy đủ hơn cả 2 phe "ta" và "địch" để từ đó mới có thể "trăm trận trăm thắng" được.

Theo đó, cần lập kế hoạch bài bản chống dịch với sự hiểu biết đúng và đủ, cả về dịch COVID-19 chủng mới và về bản thân chúng ta.

Thứ nhất, hiểu biết về COVID 19 chủng mới:

Liên tục phải cập nhật đầy đủ thông tin về virus chủng mới xuất hiện để lập phương án chống virus xâm nhập lây lan, và phương pháp điều trị hiệu quả nhất khi dịch xuất hiện. Virus chủng mới lây lan thế nào, độc tính đến đâu, có thuốc đặc trị không, kháng vắc xin không?

Đặc điểm chung của virus là ký sinh vật chủ, không thể tự sinh sản được ngoài môi trường mà phải bám vào sinh vật chủ mới sinh sản được. Cho nên cũng như các chủng virus khác, các chủng COVID-19 không thể tự nhân lên lan rộng ngoài môi trường được, mà chúng phải xâm nhập vào phổi của con người, từ đó mà lây lan sang người khác. Do vậy, số lượng COVID-19 ở ngoài môi trường bị hạn chế dần chứ không sinh sôi nảy nở như các loại vi khuẩn tự sinh sản được ở ngoài môi trường.

Điều đó có nghĩa là, khi COVID-19 ở ngoài cơ thể người thì rất dễ tiêu diệt, chỉ cần phun khử trùng bao vây diện rộng là chúng sẽ bị quét sạch nhanh chóng khỏi môi trường, không có cơ hội xâm nhập vào phổi con người để nhân lên lây lan trong cộng đồng. Đó là điểm yếu cốt tử của COVID-19 tất cả các chủng mới mà chúng ta cần phải khai thác để quét sạch chúng.

Thứ hai, hiểu biết về chính chúng ta:

Về hoạt động của xã hội: Xã hội chúng ta đang có những hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... gì phải nắm được hết, nắm được rành rẽ từng hoạt động, để xây dựng phương án quản lý phù hợp khi dịch COVID- 19 với những đặc điểm của virus chủng mới xuất hiện. Thậm chí, phải lấy ý kiến xã hội về các hoạt động trong tình hình dịch COVID-19 ra sao.

Về thói quen tập quán sinh hoạt của người dân: Mỗi địa phương có thể có văn hóa sinh hoạt, tập quán riêng theo đặc điểm vùng miền, cho nên rất cần lấy ý kiến cộng đồng tại địa phương ấy. Có hiểu được tâm tư nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp thì chính quyền địa phương mới có phương án chống dịch phù hợp nhất được, hạn chế được thiệt hại kép vừa do virus gây ra vừa do cách quản lý bất cập, chưa theo kịp tình hình gây ra. Cộng đồng dân cư luôn đa dạng không thể đồng nhất, cho nên phương án quản lý cũng phải linh hoạt để bám sát sự đa dạng của xã hội.

Về cơ sở hạ tầng: Hệ thống giao thông hoạt động thế nào khi có dịch để đảm bảo chức năng lưu thông mà vẫn phòng chống dịch được? Các nơi tập trung đông người trong nhà như công xưởng, bệnh viện, trường học... phải điều chỉnh kiến trúc thế nào mới đảm bảo giãn cách phòng chống dịch được?

Về quản lý của địa phương: Hiện đã sâu sát người dân và doanh nghiệp chưa? Đã gần dân hiểu dân chưa? Có nơi nào còn quan liêu hình thức không?... Đó là những vấn đề mà Nhà nước phải nắm chắc được, để kịp thời chỉ đạo điều hành chấn chỉnh các địa phương chống dịch hiệu quả không để xảy ra tổn thất.

Về năng lực hệ thống y tế: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và thuốc, đội ngũ nhân lực y tế hiện đáp ứng được đến cấp độ nào của dịch? Phải khắc phục những thiếu hụt gì khi đáp ứng các cấp độ dịch cao hơn? Dịch đến cấp độ nào thì quá sức chịu đựng của hệ thống y tế?

Về năng lực ngân sách thực hiện: Với khả năng chi trả được bao nhiêu cho cấp độ dịch cao nhất? Dịch đến cấp độ nào thì quá khả năng chi trả của ngân sách?

Từ sự hiểu biết cặn kẽ về "địch" và ta thì chúng ta mới chủ động xây dựng được kịch bản chống "giặc" COVID phù hợp nhất và thành công nhất. Để tiếp tục chống "giặc" COVID-19 thành công, nguyên tắc bất di bất dịch vẫn phải là: "Biết địch, biết ta thì trăm trận trăm thắng".

CTV Phạm Mạnh Hà