Chính vì thế, trải suốt chiều dài lịch sử, nhất là qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc, nhìn chung đồng bào các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đều có lòng yêu nước nồng nàn, đã đóng góp nhiều công sức và xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

Kể từ khi đất nước thống nhất, đồng bào các tôn giáo, tín ngưỡng, với phương châm sống "tốt đời, đẹp đạo", tiếp tục đồng hành cùng dân tộc.

Theo số liệu của Tiểu ban Tuyên truyền Văn hóa, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, đến nay, “Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 38 tổ chức, hệ phái tôn giáo và 01 pháp môn tu hành thuộc 13 tôn giáo, với trên 24 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc, 46 trường đào tạo chức sắc tôn giáo (tương đương từ bậc trung cấp đến trên đại học), 25 ngàn cơ sở thờ tự”(1)

Tại Nghị quyết 25-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước(2).

Trong những năm qua đã xuất hiện hàng vạn hộ đồng bào các tôn giáo, tín ngưỡng đạt nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào xoá đói, giảm nghèo, thi đua làm kinh tế giỏi, thực hiện tốt chính sách phát triển văn hoá - xã hội, xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh. Nhiều làng nghề truyền thống ở vùng đồng bào theo tôn giáo đã được khôi phục, với đội ngũ lao động có tay nghề cao, thu hút và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhiều nơi đã tổ chức hỗ trợ vốn sản xuất cho người nghèo, với nhiều hình thức khác nhau góp phần tích cực giúp đỡ các gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Điều trân trọng là, đồng bào có đạo luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn"... phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam.

Tín đồ các tôn giáo, tín ngưỡng cũng luôn sẵn sàng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai... Nhiều chức sắc, nhà tu hành đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào: Mở sổ vàng tình nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, vườn tình nghĩa, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

Tính đến thời điểm năm 2019, “cả nước có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập. Cả nước có khoảng 300 trường mầm non, 2.000 lớp học tình thương, 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo. Hiện có gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao Đài... đang nuôi dưỡng trên 12.000 trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS, tiếp nhận nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn”(3). Theo đó, đã có nhiều vị chức sắc, nhà tu hành không ngại vất vả, hiểm nguy, tình nguyện giúp đỡ, chăm sóc bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nghèo khó, người bị AIDS giai đoạn cuối không nơi nương tựa... hay tích cực tham gia nuôi dạy trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, người già có hoàn cảnh neo đơn. Điều này càng thể hiện rõ nét trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, khi virus SARS-CoV-2 hoành hành, với tinh thần, đường hướng “nhập thế”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, "giáo dân tốt cũng là công dân tốt", “đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội”… đã có hàng vạn tín đồ, giới chức tôn giáo sẵn sàng đi vào tâm dịch để góp phần mang lại bình yên cho cuộc sống.

Theo đánh giá của Ban Tôn giáo Chính phủ, phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư được quần chúng tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng và đạt nhiều danh hiệu "Cơ sở tôn giáo văn hoá" và "Gia đình văn hoá". Nhiều tổ chức giáo hội có chương trình, kế hoạch cụ thể để hưởng ứng và tham gia như phong trào xây dựng "Chùa cảnh tinh tiến", hay "Chùa cảnh văn hoá" trong Phật giáo. Đồng bào Công giáo ở nhiều địa phương đã có những sáng kiến hay và đề ra những nội dung, tiêu chuẩn cụ thể gắn với đặc điểm, sinh hoạt tôn giáo, đồng thời vận động từng gia đình giáo dân phấn đấu thực hiện để đạt các danh hiệu "Xứ họ đạo tiên tiến", "Gia đình Công giáo gương mẫu".

Ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã xuất hiện những làng văn hoá, khu phố văn hoá với những nét sinh hoạt đạo - đời hoà hợp, với nhiều tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, con người mới. Nhiều khu dân cư ở vùng có đông đồng bào theo tôn giáo đã trở thành những điểm sáng về phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý và các tệ nạn xã hội khác, gìn giữ tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội. Chức sắc và đồng bào theo đạo đã tích cực tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội, thông qua các lời răn dạy, các giáo lý, tín điều và nếp sống đạo đức tôn giáo.

Đoàn kết phát huy dân chủ và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã tạo nên không khí phấn khởi, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân nói chung và trong vùng đồng bào các tôn giáo nói riêng. Qua việc triển khai thực hiện quy chế càng tạo cho đồng bào các tôn giáo thực sự tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào công cuộc đổi mới đất nước, đồng thời phát huy các quyền làm chủ của nhân dân. Đồng bào đã nhận thức sâu sắc hơn về quyền, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh, thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân, góp phần thúc đẩy hiệu quả cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và nhiệm vụ an ninh - quốc phòng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh - Ban Tôn giáo Chính phủ ghi nhận.

Đáng chú ý, cuộc gặp mặt, biểu dương các chức sắc, chức việc có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Thủ tướng Chính phủ tại Đà Nẵng (tháng 8/2019), đã mở ra một hướng tranh thủ hiệu quả. Kết quả cuộc gặp đã động viên, ghi nhận đóng góp của đồng bào có đạo, tạo sự yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Các lễ hội truyền thống tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong xã hội được phát huy, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Các hoạt động vi phạm pháp luật, khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động chống đối cực đoan trong tôn giáo giảm mạnh cả về số vụ và tính chất, quy mô(4).

Tới đây, để kết thúc bài viết, xin được dẫn lại đánh giá đã lâu nhưng đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị của Ban Tôn giáo Chính phủ rằng: “Đồng bào các tôn giáo đã có nhiều đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; nhiều người đã lập công lớn, nêu tấm gương sáng cho muôn đời sau. Đồng bào các tôn giáo luôn luôn là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước, cùng toàn dân xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Các tổ chức tôn giáo là một trong các lực lượng lên tiếng ủng hộ và hưởng ứng rất sớm phong trào thi đua yêu nước, đồng thời đề ra các chương trình hành động cụ thể như ra Lời kêu gọi, Thư chung, Thông bạch... để kêu gọi, động viên toàn thể chức sắc, nhà tu hành và tín đồ hưởng ứng thực hiện”(5).

(1) https://asean2020.vn/web/asean/tin-nguong-ton-giao

(2) Ban Chấp hành Trung ương, Khóa IX, Nghị quyết số 25-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 7) về công tác tôn giáo

(3) Đức Tuân (2019), Thủ tướng gặp mặt, biểu dương các chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu, Báo Điện tử Chính phủ, http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Thu-tuong-gap-mat-bieu-duong-cac-chuc-sac-chuc-viec-ton-giao-tieu-bieu/372627.vgp

(4) Thanh Tuấn (2020), Nâng cao nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Cổng Thông tin Điện tử Bộ Nội vụ, https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/nang-cao-nhan-thuc-ve-tin-nguong-ton-giao-cho-41761.html

(5) Ban Tôn giáo Chính phủ (2006), Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. 

Thành Nam Định