Tháng 10/2016, Thanh tra TP Đà Nẵng có kết luận thanh tra việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên bán đảo Sơn Trà. Qua đó, đã chỉ ra 68 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất rừng, buộc tháo dỡ, khôi phục hiện trạng ban đầu.

Từ kiến nghị của Thanh tra, UBND TP Đà Nẵng giao UBND quận Sơn Trà chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức vận động các hộ tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Nếu các hộ không tự giác chấp hành đúng thời gian quy định thì lập thủ tục xử lý hành chính và cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.

Vào tháng 10/2022, UBND quận Sơn Trà huy động lực lượng tháo dỡ 7 lều quán, công trình; 3 trường hợp tự tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu. Đồng thời, quận Sơn Trà ra “tối hậu thư” cho 58 công trình còn lại phải tự tháo dỡ, nếu không chấp hành sẽ lập biên bản xử lý và cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ các công trình. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện vẫn chưa hoàn tất vì việc tháo dỡ gặp khó khăn về thủ tục pháp lý…

Theo báo cáo của UBND quận Sơn Trà, các trường hợp xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà có 3 nhóm, gồm: Công trình tồn tại trên diện tích có hợp đồng giao khoán nhưng không xác định được chủ hợp đồng nhận khoán trồng rừng (11 trường hợp); công trình tồn tại trên diện tích có hợp đồng giao khoán và xác định được chủ hợp đồng giao khoán trồng rừng (26 trường hợp); công trình tồn tại trên diện tích không có hồ sơ giao khoán trồng rừng là 21 trường hợp.

Để có cơ sở cưỡng chế các trường hợp vi phạm, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận đã nghiên cứu các văn bản pháp lý và nhiều lần tham vấn ý kiến của các sở, ban, ngành của TP.  

Theo đó, thống nhất cơ sở pháp lý để xử lý tháo dỡ các trường hợp vi phạm này theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 91 ngày 19/11/2019 của Chính phủ và Điều 10, Luật Đất đai năm 2013 về phân loại đất.

Hiện tại không xác định được thời điểm vi phạm là lúc cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất, cũng như giá đất tại khu vực bán đảo Sơn Trà. Trong khi các hộ xây dựng các công trình trái phép diễn ra trong thời gian dài, trên diện tích đất trồng rừng rộng lớn nên số lợi bất hợp pháp nếu tính được sẽ rất lớn và việc thu khoản lợi bất hợp pháp sẽ khó thực hiện.

Do đó, quận cho rằng chưa có cơ sở đảm bảo về mặt pháp lý để xác định số lợi bất hợp pháp, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

leftcenterrightdel
 Nhiều công trình, hàng quán xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà, nhưng chưa được tháo dỡ. Ảnh: N.P

Cũng theo lãnh đạo UBND quận Sơn Trà, một vướng mắc nữa là đa số các trường hợp nhận giao khoán đất trồng rừng đã chuyển nhượng, cho thuê, hiến tặng trái quy định pháp luật qua nhiều người, nên rất khó xác định được người có hành vi vi phạm xây dựng công trình trái phép để lập biên bản xử lý hành chính và buộc khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Các hồ sơ bàn giao không đảm bảo quy định, thiếu tính chính xác dẫn đến không thể xác định chính xác thời điểm, vị trí, diện tích đất sai phạm để xử lý vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định, cũng là một khó khăn trong xử lý hiện nay.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND quận Sơn Trà cho biết, trong năm 2023, quận sẽ tiếp tục mạnh tay xử lý với 58 trường hợp chây ỳ. Quận đã đề ra lộ trình để xử lý đối với các trường hợp cụ thể, quyết xử lý dứt điểm công trình trái phép ở bán đảo Sơn Trà.

Quận đã phân loại và có phương án xử lý cụ thể từng nhóm, trường hợp xây dựng trái phép, sử dụng đất rừng sai mục đích. 

Trong số 58 trường hợp xây dựng trái phép còn tồn tại trên bán đảo Sơn Trà, có nhiều trường hợp là cán bộ, đảng viên đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Quận đã chỉ đạo Đảng ủy phường Thọ Quang rà soát và làm việc với chi bộ nơi cư trú, cơ quan, đơn vị những người này công tác để vận động tự tháo dỡ, chấp hành nghiêm kết luận thanh tra của Thanh tra TP. Nếu vận động không được, khi hồ sơ pháp lý ổn định, quận sẽ cương quyết cưỡng chế công trình vi phạm, phấn đấu đến năm 2025 xử lý dứt điểm công trình trái phép trên bán đảo Sơn Trà.

Liên quan công tác bàn giao rừng và đất rừng, năm 2022, quận đã phối hợp với các ngành chức năng thanh lý 10 hợp đồng giao khoán.

Đối với 58 trường hợp còn lại, liên quan đến Dự án 327 và các quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) về việc giao cho các nhóm hộ gia đình trồng rừng phát triển sản xuất, UBND quận tiếp tục tổ chức thanh lý đối với các hợp đồng đã hết thời hạn. Những hợp đồng hiện nay sử dụng không đúng mục đích, giao đất trồng rừng nhưng chuyển qua kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch là sai thì phải xử lý. Những trường hợp có hợp đồng nhưng thực tế không sản xuất, không trồng rừng cũng phải xử lý thu hồi.

Những trường hợp không hợp tác, UBND quận chỉ đạo các ngành chức năng đơn phương chấm dứt hợp đồng vì đã vi phạm hợp đồng giao khoán, không trồng rừng mà chuyển sang kinh doanh, sử dụng không đúng mục đích.

Dù Thanh tra TP Đà Nẵng đã chỉ ra từng trường hợp vi phạm đất rừng, kinh doanh dịch vụ trái phép trên đất trồng rừng, bảo vệ rừng, nhưng một thời gian dài không thể xử lý dứt điểm được là có phần "nương tay" của UBND quận Sơn Trà. Bởi lẽ, nhiều trường hợp vi phạm là đảng viên, quan chức của TP nên quận "chùn tay" không thể áp dụng biện pháp mạnh được?

Nguyên Phê