Kiến nghị thu hồi hơn 1,993 tỷ đồng và giảm trừ hơn 9,8 tỷ đồng

Dự án hoàn thiện hệ thống cống Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 2796/QĐ BNN-XD ngày 22/7/2022, với tổng mức đầu tư là 190 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ NN&PTNT quản lý.

Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An là chủ đầu tư, dự án xây dựng tại huyện Nam Đàn, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với tổng diện tích đất sử dụng là 10,69ha.

Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển môi trường nông công nghiệp Rạng Đông và Công ty Cổ phần (CP) Tư vấn và Xây dựng công trình Miền Trung là đơn vị tư vấn lập dự án (sau đây gọi là đơn vị tư vấn).

Mục tiêu đầu tư xây dựng dự án là cùng với các công trình khác thực hiện nhiệm vụ nâng cấp, mở rộng  cống Nam Đàn giai đoạn 1, cấp nước tưới cho khoảng 22.650 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp và sinh hoạt của các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh. Thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025.

Dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn và hệ thống kênh, giai đoạn 1 xây mới cống Nam Đàn được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 400/QĐ/BNN-XD ngày 22/2/2010 với tổng mức đầu tư 536,712 tỷ đồng.

Theo cam kết của chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An, đến cuối năm 2015, dự án nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, dự án bị chậm tiến độ và phải đến giữa  tháng 5/2018 mới chính thức thông dòng cống Nam Đàn để phục nước sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân. 

Qua thanh tra đã cho thấy nhiều vấn đề còn tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm. Đoàn thanh tra kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo chủ đầu tư tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, nghiêm túc chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan đến  các tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án; rà soát lại toàn bộ hồ sơ nghiệm thu, thanh toán, quản lý chất lượng  của các gói thầu để nghiệm thu quyết toán, thanh lý hợp đồng; khắc phục các tồn  tại, thiếu sót, khuyết điểm được đoàn thanh tra chỉ ra. 

Đồng thời, chủ đầu tư phải có trách nhiệm đôn đốc, thu hồi hơn 1,993 tỷ đồng đã nghiệm thu, thanh toán thừa cho các nhà thầu và nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ NN&PTNT để nộp ngân sách Nhà nước. Giảm trừ hợp đồng số tiền hơn 9,8 tỷ đồng do tính toán chưa đúng khối lượng công việc thực hiện.

Sai sót từ khâu lập hồ sơ đến nghiệm thu khối lượng

Từ giai đoạn thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán, đơn vị tư vấn đã đưa ra phương án thi công không hợp lý, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cơ quan quản lý điện lực ở địa phương, khiến phải điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và phương án thi công.

Giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công, đoàn thanh tra chỉ ra hàng loạt sai sót từ lập bản vẽ đến thuyết minh thiết kế sai định mức; phê duyệt dự toán xây dựng công trình bao gồm cả chi phí kiểm toán, chi phí thẩm tra phê duyệt quyết toán; đến sai sót trong việc bóc tách khối lượng từ bản vẽ thiết kế để lập dự toán.

Trách nhiệm đối với các tồn tại, thiếu sót nêu trên thuộc về nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu tư vấn thẩm tra, chủ đầu tư” - kết luận thanh tra nêu.

Trong việc thực hiện các hợp đồng xây dựng, chủ đầu tư và nhà thầu đã nghiệm thu thừa hơn 1,993 tỷ đồng trong nhiều gói thầu như: Gói thầu (tư vấn) số 02/2022/TV, 08/2022/TV, 09/2022/TV; số 01; 04/2022/TV; Gói thầu số 06 (lập báo cáo ĐTM); 10/2022/T5V; 06/2022/XL. Trong đó, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Thiên Hoàng và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Minh Hà là các đơn vị được thanh toán thừa nhiều nhất với số tiền lần lượt là hơn 1,523 tỷ đồng và hơn 313,9 triệu đồng tại Gói thầu thi công 06/2022/XL.

Trong số hơn 9,8 tỷ đồng mà chủ đầu tư và các nhà thầu phải giảm trừ giá trị hợp đồng, có hơn 9,3 tỷ đồng là thuộc về Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Thiên Hoàng do tính trùng, tính thừa và điều chỉnh thiết kế rãnh thoát nước (cũng tại Gói thầu 06/2022/XL) nhưng chưa điều chỉnh khối lượng hợp đồng. 

Cùng với những kiến nghị trên, đoàn thanh tra tiếp tục kiến nghị chủ đầu tư căn cứ thuế giá trị gia tăng (VAT) tại từng thời điểm do Nhà nước ban hành để thanh toán (giá trị nghiệm thu, thanh toán thừa 2% thuế VAT - PV) cho khối lượng thực hiện của các hợp đồng còn lại. 

Xử lý trách nhiệm của các nhà thầu tư vấn thiết kế, thẩm tra, giám sát theo hợp đồng vì đã để xảy ra các thiếu sót về khối lượng và chất lượng của Gói thầu 06/2022/XL.

Cụ thể, đối với nhà thầu tư vấn thiết kế: “Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra” theo điểm o, khoản 14.2, Điều 14 của Hợp đồng số 87/2022/TVXD; đối với nhà thầu tư vấn thẩm tra theo Điều 4 “Chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật" của Hợp đồng số 68/2022/HĐTV; đối với nhà thầu tư vấn giám sát: “Bồi thường thiệt hại khi làm sai lệch kết quả giám sát đối với khối lượng thi công không đúng thiết kế...” theo điểm o, khoản 2, Điều 12 của Hợp đồng số 200/2023/HĐTV-TVGS. 

Bên cạnh đó, Cục Quản lý xây dựng công trình có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra chủ đầu tư rà soát, khắc phục các tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm đã nêu theo đúng quy định; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT do Bộ giao quản lý.

Hoàng Nam