Sắp xếp và quản lý các điểm dân cư trong vùng đất, rừng đã giao còn lỏng lẻo và bị động

Kết luận thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; việc quản lí, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hòa Bình, thời kỳ từ 2011-2018, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, chủ trương sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thời gian qua mới chủ yếu làm thay đổi hình thức tổ chức quản lý; chưa làm thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản theo mục tiêu đề ra.

Do còn có buông lỏng quản lý, áp dụng không đúng chủ trương chính sách khoán nên một số nông, lâm trường không còn thực chất là doanh nghiệp Nhà nước, nhưng vẫn áp dụng cơ chế chính sách sắp xếp, đổi mới như nhau là không phù hợp.

Việc quy hoạch, sắp xếp và quản lý các điểm dân cư trong vùng đất, rừng đã giao cho các nông, lâm trường quản lý còn lỏng lẻo và bị động; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai chưa được triển khai đồng đều ở các khu vực, nhiều nơi còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; đây chính là địa bàn của phần lớn các nông, lâm trường.

Việc đầu tư kinh phí để xác định, cắm mốc ranh giới, đo đạc, lập bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tổ chức giao đất trên thực địa cho nông, lâm trường còn gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng hồ sơ đất đai của các nông, lâm trường chưa đầy đủ, thiếu chính xác, ít nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường cơ bản đã được thực hiện. Tuy nhiên phần diện tích đất nông, lâm trường bàn giao về các địa phương có tỷ lệ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn cao; có nguyên nhân là do thiếu kinh phí để đo đạc, hoặc có nhiều hộ dân chưa làm thủ tục do còn khó khăn về tài chính.

Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai không được giải quyết dứt điểm

Một số nông, lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước khi được sắp xếp lại, sau khi sắp xếp lại đã chuyển đổi loại hình tổ chức, thay đổi quy mô sử dụng đất đai, nhưng chưa thực hiện thủ tục chỉnh lý biến động đất đai theo quy định.

Một số đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây có diện tích cấp lớn hơn diện tích hiện nay đang quản lý, sử dụng, do hồ sơ giao đất không sát thực tế, còn chồng lấn vào diện tích đất của dân đang sử dụng.

Diện tích đất bàn giao cho địa phương quản lý chủ yếu là đất công trình hạ tầng công cộng hoặc các khu đất có vị trí nằm ở xa, các khu đất có khả năng canh tác kém, đất đang có tranh chấp hoặc vi phạm khó giải quyết.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về đất đai tại các nông, lâm trường thời gian gần đây đã được thực hiện; tuy nhiên việc phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất tại một số nông lâm trường của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình có lúc còn hạn chế; vẫn còn tình trạng nông, lâm trường sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, khoán không mang lại hiệu quả, nhưng việc phát hiện, xử lý còn chưa kịp thời, thiếu kiên quyết.

Việc thu hồi đất chưa sử dụng, đất sử dụng không hiệu quả để bàn giao cho địa phương bố trí đất ở, đất sản xuất, thực hiện quy hoạch hoặc giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng còn lúng túng.

Chất lượng công tác kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật của các nông, lâm trường vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời, chưa chủ động phát hiện các vấn đề, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường, trong khi tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường có nhiều biến động và diễn biến phức tạp; có nơi tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tồn tại nhiều năm nhưng không được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh của đơn vị và tình hình xã hội của địa phương.

Mối quan hệ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, trong công tác thanh tra, kiểm tra giữa các sở, ngành với UBND các địa phương có nông, lâm trường chưa thật đồng bộ, thiếu kịp thời, chưa làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chủ quản và địa phương trong giải quyết các tồn tại, vướng mắc về quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp.

Việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường, kết luận chỉ ra, các khu đất phân tán, địa hình phức tạp, không tập trung, nên việc tổ chức quản lý tập trung và hình thành sản xuất chuyên canh cánh đồng mẫu lớn gặp khó khăn, chi phí cao, mặc dù tổng diện tích quản lý rất lớn nhưng bố trí lại phân tán, việc quy hoạch sản xuất cánh đồng mẫu lớn để ứng dụng công nghệ hiện đại theo quy mô công nghiệp khó thực hiện, số hộ dân đang nhận khoán lớn nên việc thu hồi đất để sản xuất tập trung có chi phí cao, phức tạp và gặp nhiều khó khăn, làm tăng chi phí đầu tư ban đầu lên cao, dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả.

Không quản lý chặt chẽ đất khoán

Kết quả sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp vẫn còn hình thức. Đến nay, cơ bản các công ty nông lâm nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất theo quy định. Tuy nhiên, phần diện tích đất các nông, lâm trường kê khai để tính tiền thuê đất, tiền sử dụng đất chủ yếu là diện tích đất phi nông nghiệp, đất xây dựng trụ sở, diện tích này chiếm một phần rất nhỏ so với tổng diện tích đất phải chuyển sang hình thức thuê đất, hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Tại các đơn vị sau chuyển đổi, công tác quản lý đất đai vẫn còn lỏng lẻo, nên một phần diện tích đất trước đây nông, lâm trường đã giao khoán cho người lao động đã bị chuyển mục đích sử dụng hoặc chuyển nhượng trái phép.

Mặt khác, do thực hiện khoán trắng, nên khi thực hiện chuyển đổi, công tác quản lý đất đai, định hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, không thu hồi được các diện tích khoán và đang sử dụng không đúng mục đích.

Việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, như giao khoán không đúng đối tượng trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp.

Nhiều nông, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo sở, ngành và đơn vị liên quan kiểm ra, rà soát và chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; lập bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng bàn giao về cho địa phương quản lý để làm căn cứ thực hiện thu hồi, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thiết lập hồ sơ quản lý.

Tổ chức ký hợp đồng thuê đất và thực hiện việc xác định giá thuê đất sản xuất nông, lâm nghiệp phù họp đối với các công ty TNHH sau khi chuyến đối, sắp xếp, thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định, tránh thất thu ngân sách Nhà nước; rà soát, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với các hộ là công nhân nông, lâm trường đã được giao đất từ trước khi chuyển đổi, sắp xếp theo quy định.

Chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý, sử dụng đất đai; tổ chức thực hiện xử lý sau thanh tra theo quy định pháp luật…

Thái Hải