Ngày 22/7/2024, Thanh tra tỉnh Bình Dương đã công khai kết luận thanh tra về tình hình thực hiện dự án đầu tư công do BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm.

Theo kết luận, tại BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm được bố trí cụ thể như sau: Năm 2021, tổng số dự án được phân bổ là 29 dự án với tổng số vốn bố trí là hơn 2.246 tỷ đồng, giá trị giải ngân là hơn 790 tỷ đồng, đạt 35% so với kế hoạch vốn; năm 2022, tổng số dự án được phân bổ là 23 dự án với tổng số vốn bố trí là 1.837 tỷ đồng, giá trị giải ngân là hơn 596,8 tỷ đồng, đạt 32% so với kế hoạch vốn; năm 2023, tổng số dự án được phân bổ là 29 dự án với tổng số vốn bố trí là hơn 12.450 tỷ đồng, giá trị giải ngân là hơn 10.518 tỷ đồng, đạt 84% so với kế hoạch vốn…

Đoàn thanh tra đã chọn 3 gói thầu thuộc 2 dự án. Cụ thể: Gói thầu số 01: “Thi công xây dựng đường và cầu Vàm Tư” thuộc dự án xây dựng đường và cầu Vàm Tư; gói thầu số 02: “Thi công xây dựng đoạn 2 lý trình km65+720-km69+920” thuộc dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa; gói thầu số 03: “Thi công xây dựng đoạn 3 lý trình km69+920-km73+369” thuộc dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa.

leftcenterrightdel
Ngày 30/11/2022, ông Võ Ngọc Sang - Phó Giám đốc  BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương ký quyết định phê duyệt Liên danh Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Nguyên Cát và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Ngọc Bảo trúng thầu. Ảnh: Thùy Dương

Kết quả thanh tra cho thấy, hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa một số tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm chưa phù hợp. Cụ thể, tại cả 3 gói thầu, E-HSMT yêu cầu một số vị trí công việc có số lượng nhân sự cao hơn so với các vị trí công việc khác.

Tại gói thầu số 01, hiện công trình đang xét (cấp II) nhưng E-HSMT yêu cầu: “Có chứng chỉ hành nghề … hạng III trở lên” đối với một số nhân sự chủ chốt như cán bộ phụ trách quản lý khối lượng chi phí thanh quyết toán; cán bộ phụ trách công tác trắc đạc và quan trắc là thấp hơn so với quy định tại khoản 2 Điều 72 và khoản 3 Điều 68 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại gói thầu số 03, qua thanh tra đã phát hiện, nội dung yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự, E-HSMT quy định: “Số lượng tối thiểu các hợp đồng tương tự theo mô tả dưới đây mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh hoặc nhà thầu phụ hoặc nhà thầu quản lý…” là chưa phù hợp với hướng dẫn của Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Trách nhiệm đối với những tồn tại, thiếu sót trên thuộc về chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và tổ chuyên gia thẩm định (đơn vị thuộc chủ đầu tư)”, kết luận khẳng định.

Vi phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của các đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu.

Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Chuẩn Việt - đơn vị tư vấn lập HSMT và đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) gói thầu số 01, chịu trách nhiệm về việc lập hồ sơ mời thầu đưa một số điều kiện chưa phù hợp với quy mô, tính chất kỹ thuật của gói thầu.

Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ Xây dựng Quang Minh - đơn vị tư vấn lập HSMT và đánh giá HSDT gói thầu số 02 chịu trách nhiệm về việc lập hồ sơ mời thầu đưa một số điều kiện chưa phù hợp với quy mô, tính chất kỹ thuật của gói thầu.

Công ty Cổ phần Tư vấn Kỹ thuật Xây dựng Đô thị Liên Thành - đơn vị tư vấn lập HSMT và đánh giá HSDT gói thầu số 03 chịu trách nhiệm về việc lập hồ sơ mời thầu đưa một số điều kiện chưa phù hợp với quy mô, tính chất kỹ thuật của gói thầu.

Kết luận cho rằng, vi phạm nêu trên của của các đơn vị tư vấn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 30 đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay hành vi vi phạm trên đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (trong lĩnh vực đấu thầu là 01 năm). Do đó, đề nghị đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc lập HSMT, không để xảy ra các trường hợp thiếu sót có tính chất tương tự tại các gói thầu khác.

leftcenterrightdel
 Ngày 25/11/2022, ông Võ Ngọc Sang - Phó Giám đốc  BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương ký quyết định phê duyệt Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong trúng thầu. Ảnh: Thùy Dương

Theo dữ liệu của PV Báo Thanh tra, gói thầu số 02: “Thi công xây dựng đoạn 2 lý trình km65+720-km69+920” thuộc dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa có giá gói thầu là hơn 172,5 tỷ đồng; chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Nguyên Cát và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Ngọc Bảo với giá trúng thầu hơn 170,6 tỷ đồng (trong đó, dự phòng hơn 8,1 tỷ đồng)…

Còn tại gói thầu số 03: “Thi công xây dựng đoạn 3 lý trình km69+920-km73+369” thuộc dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa, giá gói thầu là hơn 169,677 tỷ đồng; chỉ có 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu là Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong với giá trúng thầu là hơn 169,423 tỷ đồng (trong đó, dự phòng là hơn 8,067 tỷ đồng)…

Theo thống kê từ năm 2023 đến nay, BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư của gần 10 gói thầu có giá trị cao (đa phần các gói thầu này đều có giá trị trên trăm tỷ đồng). Tuy nhiên, qua phân tích số liệu cho thấy, nhiều gói trúng thầu có tỷ lệ tiết kiệm ngân sách rất thấp (đa phần là dưới 1%). Thậm chí, có gói thầu có giá trị trên 1.800 tỷ đồng nhưng giá trúng thầu chỉ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước được khoảng 0,1%...

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phân tích những gói thầu này để làm rõ bức tranh toàn cảnh về hiệu quả tiết kiệm ngân sách Nhà nước thông qua hoạt động đấu thầu cũng như có hay không tình trạng đấu thầu “một mình một ngựa” tại BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương.

Thùy Dương