Cơ quan BHXH được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo Luật BHXH từ ngày 1/1/2016.

“Đến nay, chức năng thanh tra chuyên ngành này đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo thu đúng, thu đủ và giảm nợ đọng BHXH, BHYT góp phần hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi an sinh của người lao động”, BHXH Việt Nam thông tin.

Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm

Theo cơ quan BHXH, trước thời điểm ngành BHXH Việt Nam được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, số nợ BHXH, BHYT chiếm tỷ lệ tương đối cao so với tổng số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao. Cụ thể, chiếm 4,86% (năm 2014); 3,74% (năm 2015).

Song từ năm 2016, số nợ đã giảm dần, chỉ còn 1,7% (năm 2018) và 1,6% (năm 2019). Riêng năm 2020, tỷ lệ nợ chiếm 3,35% tổng số phải thu, nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến nợ BHXH gia tăng.

Đặc biệt, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các hành vi vi phạm, từ đó kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu thực hiện chính sách BHXH, BHYT đúng quy định của pháp luật.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, giai đoạn 2016-2021, ngành BHXH đã chủ trì, phối hợp thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT tại 92.554 đơn vị sử dụng lao động.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam vừa ký ban hành Quyết định số 1418/QĐ-BHXH phê duyệt người đủ điều kiện được thí điểm bổ sung giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT.

Theo Quyết định số 1418/QĐ-BHXH, sẽ có 48 giám đốc BHXH cấp huyện đủ điều kiện và được phê duyệt tham gia thí điểm bổ sung giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT. Đây là những cán bộ đều đã có chứng chỉ/chứng nhận đào tạo nghiệp vụ thanh tra.

TP HCM là địa bàn có số giám đốc BHXH cấp huyện tham gia thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành nhiều nhất (16 người); tiếp đến là Hà Nội có 9 người; Bắc Ninh có 4 người; Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai mỗi nơi có 3 người…

Đây là một trong những giải pháp nhằm bổ sung lực lượng, qua đó nâng cao hiệu quả thanh tra chuyên ngành đóng và giảm nợ đọng BHXH, BHYT. 

Qua đó, phát hiện và xử lý 120.615 trường hợp người lao động chưa đóng hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền truy thu 498,4 tỷ đồng; 161.632 trường hợp người lao động đóng thiếu mức đóng với số tiền truy thu 293,3 tỷ đồng; các đơn vị đã khắc phục nộp 11.492,6 tỷ đồng; ban hành 2.258 quyết định xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt với số tiền phải truy nộp 122,7 tỷ đồng.

Bước sang năm 2022, công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được ngành BHXH Việt Nam tăng cường triển khai. Kết quả, tính đến ngày 15/6, đã phát hiện 7.219 người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng 38,1 tỷ đồng; 16.328 người lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng 17,6 tỷ đồng. Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 1.238,3 tỷ đồng, trong đó các đơn vị đã truy nộp được 950,6 tỷ đồng.

Ứng dụng công nghệ trong thanh tra, kiểm tra

Cùng với việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành, BHXH Việt Nam cũng quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu, triển khai nhiều phương pháp để khai thác, phân tích các dữ liệu có sẵn của ngành về số thu, thông tin người tham gia và hưởng BHXH, BHYT để chọn mẫu, đánh giá, xác định những sai sót, lạm dụng, trục lợi cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Hiện phần mềm quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra đang được nâng cấp để bổ sung chức năng xử lý dữ liệu, cảnh báo (xây dựng 121 dấu hiệu nhận diện của 77 hành vi vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; 141 dấu hiệu nhận diện sai sót trong nghiệp vụ). 

Hoạt động thanh tra chuyên ngành của ngành cũng luôn tuân thủ nghiêm túc trình tự, thủ tục, thời gian từ khai lập kế hoạch thanh tra hàng năm cho đến việc thực hiện các bước trong quy trình tiến hành một cuộc thanh tra.

“Hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng của BHXH Việt Nam đã đi vào nề nếp, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, bước đầu khẳng định được vai trò, vị trí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, ông Lò Quân Hiệp, Vụ trưởng Vụ Thanh tra -Kiểm tra (BHXH Việt Nam) thông tin.

Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia và đại biểu Quốc hội, có tình trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh có lãi nhưng vẫn chậm đóng BHXH do công tác quản lý Nhà nước còn thiếu hiệu quả, thiếu biện pháp cưỡng chế hành chính nên chưa đủ sức răn đe dẫn đến “nhờn” luật. Cạnh đó, còn doanh nghiệp sử dụng thang bảng lương để đóng BHXH khác với thang bảng lương để trả lương thực tế...

Vì vậy, các ý kiến cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH, trong đó bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành cho ngành BHXH Việt Nam. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) nói, nếu được bổ sung thanh tra chuyên ngành chi BHXH, BHYT thì đây sẽ là một công cụ quản lý để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời việc này cũng không cần tăng thêm biên chế.

Trần Kiên