Chủ động hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác thanh tra cho phù hợp

Mở đầu câu chuyện, ông Lê Vũ Tuấn Anh cho biết, năm 2022, Bộ TN&MT thực hiện việc thay đổi cơ cấu tổ chức, vì vậy, công tác điều hành hoạt động của ngành cũng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, đối với công tác thanh tra, Thanh tra Bộ đã chủ động báo cáo lãnh đạo bộ các đầu việc, cùng với đó là hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác thanh tra cho phù hợp với tình hình.

Mặc dù khối lượng công việc rất nhiều, nhưng trong cả năm qua, Thanh tra Bộ và các đơn vị trực thuộc bộ đã thực hiện 58 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 56 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Qua đó, ban hành 80 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 16 tỷ đồng, truy thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền 818 triệu đồng.

Đạt được những kết quả như vậy, ngay từ đầu năm 2022, các đơn vị trực thuộc đã bám sát tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo bộ, chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên cơ sở kế hoạch thanh tra đã được bộ trưởng phê duyệt, tích cực, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đã đề ra, như phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát địa điểm, đối tượng, nội dung thanh tra, báo cáo lãnh đạo bộ trước khi thành lập đoàn thanh tra.

"Nhờ đó, đã điều chỉnh, bổ sung về nội dung và đối tượng thanh tra, xử lý triệt để tình trạng chồng chéo với Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Chánh Thanh tra Bộ chia sẻ.

Kịp thời báo cáo, tham mưu lãnh đạo bộ ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra; tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Chánh Thanh tra Bộ TN&MT cho biết, năm 2023 Thanh tra Bộ sẽ tập trung thanh tra trách nhiệm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị trực thuộc bộ.

Thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực đối với các tổ chức quản lý hồ chứa thủy điện, thủy lợi và đối với UBND cấp tỉnh, cấp huyện. 

Bám sát sự hướng dẫn kịp thời về định hướng kế hoạch thanh tra, chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh đó, sự phối hợp thường xuyên, liên tục của các đơn vị trong bộ cũng như với các sở TN&MT trên toàn quốc cũng là yếu tố quan trọng để tạo nên kết quả.

“Đặc biệt, sự đoàn kết, nỗ lực vào cuộc của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua đã giúp đạt được những kết quả mong đợi”, ông Tuấn Anh nói.

Chú trọng đối thoại, hòa giải

Kết quả thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi tham nhũng, lãng phí về TN&MT, giúp các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, khắc phục các vi phạm, tồn tại.

Đặc biệt, đã cập nhật các quy định mới về TN&MT cho địa phương và đối tượng thanh tra. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TN&MT của các tổ chức và cá nhân; phát hiện những bất cập trong các quy định của pháp luật để tổng hợp và đề xuất sửa đổi…

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC tiếp tục được các cấp lãnh đạo quan tâm. Tại Bộ TN&MT, Bộ trưởng trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, nhất là các trường hợp đông người, bức xúc, phức tạp, kéo dài, gắn việc tiếp công dân với công tác giải quyết KNTC, kịp thời có văn bản yêu cầu địa phương giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền. 

Thời gian qua, Bộ TN&MT đã tổ chức tiếp 137 lượt với 220 người, trong đó có 18 lượt đoàn đông người với 85 người; tiếp nhận và xử lý 3.105 lượt đơn.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cũng đã cử đoàn xác minh 20/20 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, đến nay, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ 6 vụ việc. Cử đoàn xác minh 98/120 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, đến nay đã giải quyết xong 34 vụ việc.

Nội dung công dân đến trình bày chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất và cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tranh chấp đất đai cá nhân.

Điều đáng mừng là, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Nhiều địa phương đã chủ động có văn bản hoặc trực tiếp làm việc với bộ để trao đổi, xin ý kiến về các vướng mắc trong giải quyết vụ việc phức tạp, tạo sự đồng thuận cao trong công tác giải quyết KNTC, tranh chấp đất đai.

Đối với việc giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền, các vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TN&MT đã đổi mới cách thức thực hiện, có văn bản yêu cầu địa phương và người khiếu nại cung cấp hồ sơ, trên cơ sở đó, bộ giao cán bộ nghiên cứu hồ sơ, trao đổi trực tuyến hoặc có văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo làm rõ nội dung tình tiết vụ việc và cung cấp bổ sung hồ sơ, tài liệu. Sau đó phân tích, đánh giá hồ sơ vụ việc, đưa ra phương án giải quyết, cử đoàn xác minh tổ chức tiếp công dân, tổ chức đối thoại, tham mưu bộ trưởng quyết định giải quyết theo quy định…

“Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian thẩm tra, xác minh nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả giải quyết KNTC”, ông Tuấn Anh nói.

Quá trình giải quyết luôn chú trọng vào công tác đối thoại, hòa giải, giải quyết trên cơ sở đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn của vụ việc, từ đó đề xuất biện pháp giải quyết thấu tình, đạt lý, có tính khả thi cao; tham mưu lãnh đạo bộ thanh tra đột xuất để chấn chỉnh, xử lý sai phạm và xem xét KN, phản ánh, kiến nghị của người dân.

Chia tay chúng tôi, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT nói thêm, việc kết thúc các cuộc thanh tra, kiểm tra đảm bảo đúng thời gian; ban hành kết luận chính xác, khách quan, kiến nghị phù hợp có tính khả thi; chú trọng phát hiện tham nhũng qua thanh tra; thực hiện giám sát các đoàn thanh tra; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra; người đứng đầu quan tâm và chủ động tiếp dân; các vụ việc KNTC giải quyết thấu tình, đạt lý là những “bí quyết” để đạt được kết quả cao trong công tác thanh tra, giải quyết KNTC của ngành TN&MT.

Thái Hải