Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tỷ phú từ vốn vay

Thứ năm, 26/03/2015 - 18:05

(Thanh tra)- Làm kinh doanh, ai cũng cần vốn. Vốn có thể do quá trình lao động sản xuất tích lũy được, có thể vay mượn bạn bè, anh em họ hàng. Với người nông dân, nguồn vốn càng trở nên khó khăn hơn, khi họ rất khó vay mượn người khác, bởi anh em bạn bè hầu hết cũng đều… giống họ. Lúc này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trở thành cứu cánh của người nông dân, bởi nhờ những nguồn vốn vay, nhiều nông dân đã thoát nghèo và trở nên giàu có, sở hữu số vốn từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.

Bên trong xưởng chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Hưởng. Ảnh: Nhật Minh

Thức ăn chăn nuôi “nuôi” gần 50 lao động

Giải thích lý do vì sao, người nông dân vẫn thường chọn Agribank để vay vốn sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Hưởng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Minh Tâm ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ vốn cho người nông dân theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Agribank Chi nhánh Đông Anh (Agribank Đông Anh) còn tạo được niềm tin với người nông dân nơi đây bởi những thủ tục cho người nông dân vay vốn rất nhanh gọn. Thậm chí, như trường hợp kinh doanh của ông, cách đây vài năm, khi thời điểm lãi suất ngân hàng lên tới đỉnh điểm, Agribank Đông Anh vẫn dành một khoản hạn mức nhất định với lãi suất ưu đãi cho ông vay để tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Làm việc trong ngành lương thực từ năm 1980, đến năm 1985, ông Hưởng chính thức bước chân vào thị trường kinh doanh lương thực. Ông Hưởng cho biết, ông đã đi khắp nơi, từ Bắc chí Nam, từ vùng núi cao đến vùng đồng bằng, vùng biển, thậm chí còn sang cả Lào, Campuchia, để thu mua nguyên liệu tươi về phục vụ cho chế biến nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, theo ông Hưởng, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn manh mún, chất lượng sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thường không đạt yêu cầu, dễ bị nấm mốc, mối mọt. Trong khi đó, nguyên liệu thu mua ở nước ngoài có chất lượng rất tốt, bởi họ luôn chăm lo từ khi thu hoạch cho đến khi bảo quản trong kho. Ngay cả lúc xuất hàng bán đi, họ vẫn kiểm tra để đảm bảo hàng cung cấp cho đối tác luôn đảm bảo chất lượng tốt. Chính vì thế, cho đến nay, để phục vụ cho việc chế biến nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông vẫn phải nhập rất nhiều nguyên liệu tươi từ các nước bạn như Lào, Campuchia.

Lăn lộn với thương trường gần 20 năm, khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, có mối quan hệ với nhiều đối tác, đến năm 2002, ông Hưởng quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại Minh Tâm. Khi thành lập công ty, thuê đất mở nhà xưởng chế biến nguyên liệu khô cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, ông Hưởng lại tiếp tục tự mò mẫm đi tìm mua các loại máy móc về phục vụ cho việc sản xuất. Theo ông Hưởng, không phải ông không muốn mua máy móc của Việt Nam sản xuất, nhưng quả thực, máy móc trong nước không đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu cũng như không có những tính năng đặc thù theo dây chuyền sản xuất của ông. Thế nên, một lần nữa, ông lại phải xuất ngoại để tìm và nhập khẩu máy móc từ nước ngoài về phục vụ sản xuất, chế biến nguyên liệu. Thậm chí, ông còn tự mày mò nghiên cứu, và đã chế tạo thành công máy sấy cũng như dây chuyền băng tải, phục vụ cho hoạt động sản xuất của Công ty Minh Tâm.

Ông Hưởng cho biết, từ khi thành lập công ty, chuyện ông vay vốn ở Agribank Đông Anh nhiều như “cơm bữa”, khi thì vài chục, vài trăm triệu, khi thì vài chục tỷ đồng. Có lần, ông vay nhiều nhất là 120 tỷ đồng, nhưng theo ông Hưởng, hạn mức đó vẫn chưa thực sự đáp ứng hết nhu cầu của người vay vốn. Thế nên, theo ông Hưởng, Agribank Việt Nam nên tăng hạn mức hơn nữa cho các chi nhánh địa phương, để ông có thể vay được Agribank Đông Anh với hạn mức 200 tỷ, như thế mới đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất không chỉ của riêng ông mà của nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn Đông Anh, hiện cũng đang cần những nguồn vốn lớn.

Từ khi thành lập công ty đến nay, mô hình sản xuất, chế biến nguyên liệu khô phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi của ông Hưởng ngày càng mở rộng và phát triển. Đến thời điểm này, công ty của ông có khoảng 40-50 lao động thường xuyên, cho doanh thu mỗi năm khoảng 400-500 tỷ đồng. Đặc biệt, người lao động ở công ty được ông Hưởng “bao” toàn bộ các loại phí bảo hiểm. Theo quy định về chế độ đóng bảo hiểm xã hội, công ty sẽ đóng cho người lao động 18%, còn người lao động sẽ đóng 8%, nhưng ông Hưởng đóng cả 26% cho người lao động. Tương tự, bảo hiểm y tế có tỷ lệ đóng là 3% và 1,5% thì ông Hưởng cũng đóng luôn 4,5% cho người lao động. Cứ thế, đến tháng, đến kỳ, người lao động chỉ việc ký nhận tiền lương, tiền thưởng và chưa bao giờ bị trích trừ 1 đồng nào tiền mua bảo hiểm.

Làm giầu với vật nuôi

Không chỉ là khách hàng thân thiết với Agribank Đông Anh từ khi mới bước chân vào lĩnh vực chăn nuôi, ông Trần Văn Hiệu- Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chăn nuôi Hòa Phát, ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội còn là bạn hàng “ruột” của nhiều đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi, cung cấp con giống, trong đó có cả đơn vị cung cấp giống gà mái ở tận… bên Pháp.

Khởi nghiệp chăn nuôi từ năm 1991, thời gian đầu, ông Hiệu lăn lộn với “thập cẩm” các loại vật nuôi. Làm nhiều, biết nhiều, rút kinh nghiệm nhiều nên ông đã rút ra cho mình bài học kinh doanh, nhập giống gà mái từ Pháp về, kết hợp với gà trống ta khỏe mạnh, chất lượng tốt, sẽ cho ra những lứa gà con làm giống cũng tốt, mà làm thương phẩm cũng rất năng suất.

Ông Hiệu chia sẻ về quá trình chăn nuôi, mở trang trại gà giống và gà thương phẩm. Ảnh: Nhật Minh

Ông Hiệu cho biết, gà mái giống của Việt Nam giá thành chỉ khoảng 15 nghìn đồng/con, trong khi giống gà mái nhập từ Pháp về có giá gấp 10 lần, khoảng 150 nghìn đồng/con. Tuy nhiên, tính về hiệu quả kinh tế, thì rõ ràng, gà mái nhập ngoại hơn hẳn gà nội. Lấy ví dụ, 1 con gà nội chỉ sản sinh ra tối đa 120 con gà giống đạt tiêu chuẩn, trong khi với gà mái nhập ngoại, con số này là 190 con. Hơn nữa, tỷ lệ nuôi tăng trưởng thành công của gà mái nhập ngoại cũng hơn hẳn gà nội. Với gà nội, tỷ lệ nuôi thành công chỉ từ 95-97% nếu chăm sóc thật tốt, còn với gà mái nhập ngoại, tỷ lệ nuôi thành công là 100%, thậm chí là hơn 100%. Lý giải về con số hơn 100%, ông Hiệu cho biết, thông thường, khi nhập gà giống, các đơn vị cung cấp gà giống bao giờ cũng bổ sung thêm từ 2-4% trên tổng số gà bán cho khách hàng mỗi đợt, gọi là bù đắp số lượng gà có thể bị chết, bị bệnh trong quá trình vận chuyển. Với gà nội, tỷ lệ nuôi thành công không bao giờ bằng số gà nhập về, thế nhưng, với gà giống nhập ngoại, khi về đến trang trại, có nhiều đợt, toàn bộ số gà mua theo hợp đồng cũng như số gà bổ sung (2-4%) đều được nuôi và tăng trưởng thành công, như vậy mới có con số tỷ lệ nuôi tăng trưởng thành công là hơn 100%.

Có kinh nghiệm nuôi gà, có đầu ra đầu vào cho đàn gà, nhưng vốn thì thiếu, thế nên, ông Hiệu đã nghĩ ngay đến vốn vay từ Agribank Đông Anh. Cũng như bao người nông dân khác, thời gian đầu, mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, nên ông được Agribank Đông Anh hỗ trợ cho vay hạn mức tối đa theo như quy định. Dần dần, mô hình nuôi gà giống, gà thương phẩm của ông Hiệu ngày càng tăng dần, thì hạn mức vay vốn của Agribank Đông Anh cũng từ đó tăng dần theo năm tháng. Trong quá trình phát triển đó, ông Hiệu luôn được Agribank hỗ trợ, động viên và khuyến khích mở rộng, phát triển mô hình trang trại chăn nuôi gà. Nói đi đôi với làm, tính đến thời điểm này, Agribank Đông Anh đã hỗ trợ cho ông Hiệu vay vốn lên tới hơn 4 tỷ đồng.

Đến năm 2003, khi đàn gà giống và thương phẩm đủ nhiều, ông Hiệu chuyển sang mô hình chăn nuôi trang trại. Đến năm 2009, ông Hiệu áp dụng quy trình chăn nuôi kỹ thuật cao, và đến năm 2010, trang trại gà của ông Hiệu trở thành một trong những trang trại chăn nuôi đầu tiên ở Hà Nội được cấp chứng nhận VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices - Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Tuy nhiên, phải mãi đến năm 2013, trang trại của ông Hiệu mới được các cơ quan chức năng công nhận là… mô hình trang trại chăn nuôi.

Vay vốn đầu tư kinh doanh, vay vốn phát triển, mở rộng chuồng trại chăn nuôi, trải qua hơn 20 năm lăn lộn với nghề chăn nuôi, đến nay, ông Hiệu đã có 6.000m2 chuồng trại, 5 vạn con gà (trong đó có 4 vạn gà trứng thương phẩm, 1 vạn gà bố mẹ giống). Dự tính trong năm 2015, ông Hiệu sẽ nâng đàn gà giống lên thành 2 vạn con gà bố mẹ. Mỗi ngày, đàn gà nhà ông cung cấp khoảng 4.300 trứng, và doanh thu mỗi năm của ông Hiệu từ trang trại gà khoảng 15-18 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 16 người, đồng thời luôn sẵn sàng hỗ trợ người nông dân khác ở Đông Anh nói riêng và trên cả nước nói chung học tập kinh nghiệm nuôi gà giống và gà thương phẩm theo mô hình chăn nuôi trang trại kỹ thuật cao.

Không nuôi số lượng nhiều như trang trại của ông Hiệu, nhưng trọng lượng mỗi con giống ở trang trại của vợ chồng ông Nghiêm Đình Minh, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội lại lớn hơn gấp hàng trăm lần so với con giống ở trang trại ông Hiệu. Bởi lẽ, ông Minh nuôi lợn nái.

Ông Minh cười rất tươi bên những “cục cưng” giúp ông làm giầu. Ảnh: Nhật Minh

Ông Minh chia sẻ, hiện nay, ông có (cả mua và thuê lại) 34.600m2 chuồng trại. Tổng số đàn lợn của gia đình ông vào khoảng 1.200 con, trong đó có 420 con lợn nái giống. Để chăm sóc cho những con vật nuôi này, ông thường xuyên sử dụng 7 lao động.

Cũng như bao người nông dân khác, khởi đầu nghề chăn nuôi lợn của ông cũng là đi vay vốn. Ông vay của người thân trong gia đình, vay của anh em bạn bè, còn thiếu bao nhiêu, ông tìm đến “bà đỡ” Agribank Đông Anh. Thuở ban đầu, Agribank Đông Anh “đỡ” cho ông được dăm triệu, nhưng với cách chăn nuôi có bài bản, bỏ công bỏ sức ngày đêm chăm bẵm cho những “ả” lợn nái, công sức của ông Minh và gia đình đã được đền đáp, bằng số lượng đàn lợn không ngừng gia tăng, bằng hạn mức cho vay của Agribank tăng lên đến con số hàng tỷ đồng. Đến thời điểm này, dư nợ của ông Minh với “bà đỡ” Agribank Đông Anh là ngót nghét… 5 tỷ đồng.

Gặp ông Minh ở trang trại lợn, điều chúng tôi ngạc nhiên là không có mùi hôi thối đặc trưng của chất thải lợn. Ông Minh cười cho biết, từ khi ông lập trang trại nuôi lợn nái đến nay, đã có nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, đoàn kiểm tra vệ sinh môi trường đến “thăm hỏi” ông, nhưng lần nào đoàn đến rồi cũng lại về “tay trắng”, vì trang trại của ông luôn đạt quy chuẩn về vệ sinh môi trường. Để làm được điều này, hàng ngày, ông thu dọn phân lợn, đem phơi khô rồi đóng bao tải bán cho các nhà máy sản xuất phân bón, còn nước thải sinh hoạt và rửa trang trại lợn, ông cho chảy vào những hố ga, để tận dụng luôn khí biogas đó làm chất đốt. “Từ khi có trang trại, nhà tôi đã bao giờ phải mua ga, mua củi về sử dụng đâu. Nhiều ga quá, sử dụng không hết, nhiều khi phải để bếp cháy không. Tôi rất muốn chia sẻ nguồn khí đốt này cho bà con hàng xóm, nhưng tiếc là không thể làm được, vì sợ không đảm bảo an toàn trong quá trình dẫn khí”, ông Minh chia sẻ.

Đam mê với con vật nuôi của mình, ông Minh còn truyền niềm đam mê chăn nuôi sang cho thế hệ con cháu. Chẳng thế mà con gái ông, trong khi bạn bè đua nhau thi y khoa, y dược, thì cô bé chọn vào ngành thú y. Ông tâm đắc lắm. Ít nhất, con mình cũng hiểu được công việc của mình, và hơn thế, con mình cũng đã nhìn thấy tương lai làm giầu nhờ những con vật nuôi này. Không giầu thì sao, khi ông Minh tiết lộ, thu nhập mỗi năm của ông từ trang trại lợn không dưới 1 tỷ đồng. Không chỉ thu nhập, mà vốn của ông hiện có cũng đâu ít. Theo tính toán của ông Minh, hiện tổng đàn lợn mẹ làm giống trong trại ông cũng có giá trị hơn 5 tỷ đồng.

Thế mới biết, nguồn vốn vay, khi được sử dụng hiệu quả, đúng lúc, đúng chỗ, đang mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho người nông dân ở Đông Anh, Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung. Điều đó cũng có một phần đóng góp không nhỏ của các ngân hàng, nhất là Agribank Việt Nam nói chung và Agribank Đông Anh nói riêng.

Nhật Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm