Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thu thuế ngôi nhà thứ hai - Sự cần thiết và những quan ngại

Thứ ba, 29/08/2017 - 07:48

(Thanh tra)- Nghị quyết 07 ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã yêu cầu khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nghị quyết 25/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2016-2020 cũng xác định nhiệm vụ nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Bởi vậy, Bộ Tài chính đang ấp ủ kỳ vọng về mở rộng nguồn thu mới cho NSNN từ việc đánh thuế tài sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới... Trước mắt, Bộ này đã giao Vụ Chính sách thuế nghiên cứu dự thảo đánh thuế nhà ở, nhất là những chủ thể có từ 2 - 3 nhà trở lên...

Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng Luật Thuế tài sản không chỉ góp phần tăng thu NSNN, điều tiết lại thu nhập cá nhân, tăng công bằng xã hội, mà còn nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và tăng hiệu quả xã hội trong khai thác và sử dụng bất động sản.

Cả về lý thuyết, pháp lý và thực tiễn, việc xây dựng và triển khai Thuế tài sản cần được chuẩn bị kỹ vì không dễ thu; ngay cả việc đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ 2 trở lên cũng không hề đơn giản, muốn là được, bởi mấy lý do sau:

Thứ nhất, hiện ở Việt Nam chưa có định nghĩa khoa học và thực tế về đối tượng thu thuế là “tài sản”, là “căn nhà” và “căn nhà thứ 2, thứ 3...”. Hơn nữa, việc thu thuế tài sản dễ bị vô hiệu hóa vì bị lách luật, nếu không có quy định về tuổi người được sở hữu tài sản hoặc việc đứng tên hộ tài sản sao cho đủ minh bạch và chặt chẽ...

Thứ hai, Việt Nam đang áp dụng “thuế sử dụng đất” và đang coi quyền sử dụng đất cũng là tài sản của cá nhân và doanh nghiệp, nếu định nghĩa không rõ thì sẽ gây mâu thuẫn, mù mờ, khó áp dụng hoặc tình trạng “thuế trùng thuế”... Không thể đánh đồng ngôi nhà vài chục triệu đồng với ngôi nhà biệt thực cả vài chục tỷ đồng; cũng như không thể đánh thuế ngôi nhà thứ hai, thứ ba trị... mà giá trị tổng các ngôi nhà của người này không bằng một góc nhà của “đại gia” trên cùng địa bàn, mà lại không phải chịu thuế. Điều khó hơn là, giá nhà đất sẽ được tính như thế nào, theo đấu giá hay chỉ căn cứ vào khung định giá chung mà tỉnh địa phương được phép đưa ra hàng năm theo phân cấp quản lý như hiện nay.

Thứ ba, về mặt kỹ thuật, còn cần khảo sát và luận cứ chặt chẽ, tạo căn cứ khoa học, minh bạch và sự đồng thuận xã hội cao về quyền sở hữu và các loại tài sản chịu thuế; cách xác định giá trị tài sản để tính thuế; mức giá trị tài sản khởi điểm tính thuế và các mức thuế cụ thể cho từng loại tài sản và đối tượng sở hữu tài sản chịu thuế tài sản trên những địa phương và thời điểm cụ thể.

Đặc biệt, với những tài sản “của chìm”, giá trị lớn mà người sở hữu gửi ở nước ngoài hay không khai báo, thì có bị đánh thuế hay không và chế tài cho các vi phạm sẽ ra sao?

Ngoài ra, cũng cần thấy trước rằng việc thu thuế tài sản rất dễ là cơ hội cho tham nhũng trong ngành Thuế trước các biến động về cơ cấu, quy mô, tính chất sở hữ và giá trị tài sản cá nhân thuộc diện nộp thuế trên thực tế và cả do các đối tượng thu thuế và người đi thu thuế đồng thuận “ăn chia”, cố tình khai báo giả để trốn thuế.

Hiện nay, tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành nhà ở, khoảng trên dưới 10% đối với nhà chung cư; khoảng trên dưới 30% đối với nhà phố; khoảng trên dưới 50% đối với nhà biệt thự. Việt Nam chưa đánh thuế sở hữu căn nhà thứ 2 trở lên, nên việc đầu tư và sở hữu nhiều căn nhà đang là lựa chọn khá phổ biến với tư cách là kênh đầu tư và tích trữ tài sản rẻ và an toàn của những người có điều kiện tài chính cá nhân thuận lợi. Nếu việc áp dụng thuế nhà thứ hai trở lên được triển khai, chắc chắn người sở hữu căn nhà thứ 2 sẽ cân nhắc, tính toán thiệt hơn giữa việc giữ tài sản của mình dưới dạng là nhà đất, hay gửi tiết kiệm, giữ vàng, ngoại tệ và đầu tư khác... Lợi nhuận kinh doanh nhà đất sẽ giảm đi, thậm chí tài sản cá nhân dưới dạng nhà đất cũng teo tóp đi nếu chi phí hàng năm cho các lại thuế nhà đất tăng thêm. Điều này, đến lượt mình, sẽ kéo theo thu hẹp dòng tiền đầu cơ găm giữ hàng trên thị trường bất động sản và giảm bớt lượng cầu ảo về nhà đất, tức cân đối cung cầu và giá nhà đất sẽ ít nhiều được điều chỉnh, cải thiện có lợi cho sự ổn định và lành mạnh hóa...

Có một kỳ vọng mới là, nếu việc đánh thuế nhà bỏ qua những ngôi nhà giá trị thấp, chỉ tập trung thu thuế những ngôi nhà giá trị cao, thì có thể tạo xung lực mới tích cực cho việc điều chỉnh, gia tăng đầu tư và sở hữu những ngôi nhà giá rẻ đang còn thiếu hụt trên thị trường bất động sản, trong khi thu hẹp hơn dòng tiền đầu tư và sự dư thừa hànghóa trên các phân khúc căn hộ cao cấp, nhà nghỉ dưỡng đắt tiền...?!

Thuế tài sản, trong đó có thuế cho ngôi nhà thứ hai trở lên, là loại mới và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nên không thể nóng vội, duy ý chí, mà phải có lộ trình đủ dài, phải tổ chức khảo sát thực tế và kinh nghiệm quốc tế, xây dựng dự thảo kỹ càng,được lấy ý kiến phản biện và tuyên truyền rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp để tăng sự đồng thuận và hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện.

TS.Nguyễn Minh Phong

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty cổ phần Rạng Đông Holding bị xử phạt 242,5 triệu đồng

Công ty cổ phần Rạng Đông Holding bị xử phạt 242,5 triệu đồng

(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 1383/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (Mã chứng khoán RDP) số tiền 242,5 triệu đồng.

Trần Quý

19:12 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm