Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Gói 120.000 tỷ giải ngân thấp do nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế

Hương Giang

Thứ hai, 06/11/2023 - 13:48

(Thanh tra) - Gói 120.000 tỷ đồng giải ngân thấp do thiếu nguồn cung, người dân chưa mặn mà đi vay để mua nhà ở xã hội… theo trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng

Các trưởng ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng “mở màn” phiên chất vấn, trả lời chất vấn, sáng ngày 6/11.

Vì sao gói 120.000 tỷ đồng giải ngân thấp?

Phát triển nhà ở xã hội, và gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng với loại hình nhà ở này, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) chất vấn tại sao giải ngân gói này thấp, chỉ khoảng 100 tỷ đồng.

“Khó khăn, vướng mắc và giải pháp ra sao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội”, bà Hương đặt vấn đề.

Đại biểu cũng đặt câu hỏi về giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, công nhân nhằm thực hiện mục tiêu có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới 2030.

Theo bà Hồng, khi chính sách này được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các ngân hàng và đề nghị UBND các tỉnh, thành quan tâm, công bố dự án thuộc chương trình cho vay.

Các ngân hàng cũng đưa ra quy trình nội bộ để triển khai gói tín dụng này. Hiện có 18/63 UBND tỉnh công bố dự án tham gia chương trình, 53 dự án với nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã giải ngân được 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại 3 địa phương.

Nêu nguyên nhân khiến gói này hạn chế, bà Hồng nhấn mạnh, trước tiên do nguồn cung nhà thuộc đối tượng vay - lao động thu nhập thấp, hạn chế. “Nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kĩ lưỡng”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.

Điều kiện cho vay có những điểm chưa phù hợp như quy định về thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở...

Thêm nữa, theo bà Hồng, gói vay này thực hiện 10 năm, trong khi cho vay bất động sản thường kéo dài và giải ngân theo thời gian, nên đạt thấp. Bà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị, mong UBND tỉnh sớm công bố các dự án thuộc chương trình để các ngân hàng triển khai; và phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện.

Thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng

Về thanh toán không dùng tiền mặt, theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước có nhiều giải pháp được đưa ra, như rà soát hành lang pháp lý, sửa đổi, bổ sung, tạo thuận lợi cho việc này.

Nhờ vậy, trong tháng 9, tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán giảm xuống 9,17% so với 11,73% cuối 2020. Lũy kế, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49% về số lượng, giao dịch qua internet tăng 60,3%, kênh điện thoại di động tăng gần 61%, qua QRCode 105%... Trong khi đó, giao dịch qua ATM (rút tiền qua ATM) giảm.

Những chỉ số này cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng, bà Hồng nhấn mạnh.

Nêu khó khăn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói, do thói quen, tâm lý dùng tiền mặt tại nông thôn, vùng sâu, xa và tâm lý e ngại của người dân về rủi ro trong thanh toán.

Vì vậy, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát các văn bản và phối hợp các cơ quan để hoàn thiện hành lang pháp lý; có các biện pháp phòng ngừa để bảo mật thông tin, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách hàng, tăng cường thông tin truyền thông.

Chưa thể bỏ điều hành tăng trưởng tín dụng 

Quan tâm đến giải pháp đạt được chỉ tiêu tín dụng hằng năm, đại biểu Trần Thị Vân băn khoăn khi tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 5,91%.

“Đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để tăng trưởng tín dụng đạt 14% như mục tiêu đề ra, trong khi chỉ còn hai tháng nữa là hết năm 2023”, bà Vân chất vấn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói nguyên nhân tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm thấp chủ yếu do cầu về tín dụng. Số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút. Người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

“Nguồn cung tín dụng được Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng thuận lợi nhất cho các ngân hàng cung tín dụng”, bà Hồng nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rút ngắn thủ tục cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Điều kiện tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa được cải thiện.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu, nghị quyết Quốc hội yêu cầu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng. Ông đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đã triển khai thực hiện chủ trương này thế nào?

Trả lời, bà Hồng nói chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được điều hành bám sát theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Mức tăng trưởng tín dụng hàng năm được Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng đầu năm. Còn phân bổ hạn mức tín dụng dựa theo xếp hạng các tổ chức tín dụng, có tiêu chí rõ ràng về định lượng, định tính.

“Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý có thể thấy, trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng”, theo lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, nếu bỏ chỉ tiêu tín dụng làm tăng trưởng tín dụng, trong khi tăng trưởng tín dụng Việt Nam đang ở mức cao trên GDP theo cảnh báo của WB.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm