Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quyết liệt cùng “67”

Thứ năm, 11/06/2015 - 13:21

Ngay sau khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành, Agribank ngay lập tức “vào cuộc” rất quyết liệt cùng hệ thống ngân hàng cả nước với mong muốn đưa chính sách của Đảng, Chính phủ sớm đi vào cuộc sống và người dân sớm được hưởng lợi từ chương trình này.

Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành phát biểu tại Hội nghị triển khai NĐ 67 do NHNN phối hợp Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi tổ chức

Chủ động tiếp cận khách hàng

Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định rõ: Đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, chủ tàu được vay vốn NHTM tối đa 95% tổng giá trị đầu tư mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm; Đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn NHTM tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.

Nhận thấy rõ những lợi ích mà ngư dân sẽ được hưởng từ triển khai NĐ 67, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, toàn hệ thống Agribank tích cực “vào cuộc”, tham gia các đoàn công tác của NHNN trong các chuyến đi về vùng biển, tiếp xúc lắng nghe ý kiến của ngư dân, tham gia các hội nghị có liên quan của NHNN tổ chức để nắm bắt, lĩnh hội các ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương… Các chi nhánh của Agribank trong hệ thống với ưu thế mạng lưới phủ sóng xuống tận xã, phường, thị trấn, cán bộ tín dụng bám sát địa bàn, đã gặp gỡ trực tiếp với những ngư dân có nhu cầu vay vốn, hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục…

Về nguồn vốn dành cho chương trình này, phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vào tháng 9/2014,  ông Tiết Văn Thành - Tổng Giám đốc Agribank – một trong những ngân hàng thương mại giữ vai trò “trụ cột” trong triển khai chương trình này cho biết: Agribank đã có kế hoạch dành nguồn vốn 5000 tỷ đồng để cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67. Các Chi nhánh Agribank ở giáp biển đã tiếp tục chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và tiếp cận với khách hàng có nhu cầu vay vốn đóng tàu để tư vấn các quy định của Agribank.

Tại các địa phương đã có danh sách phê duyệt đóng tàu như Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bà rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Bạc Liêu, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận... Agribank đã tiếp cận được 448/543 tàu được phê duyệt đóng mới, đã nhận được hồ sơ của 56 tàu và đã ký kết 19 hợp đồng tín dụng. Tại các tỉnh chưa có danh sách phê duyệt như Cà Mau, Hải Phòng, Ninh Bình, Trà Vinh…, các chi nhánh Agribank đang tích cực tiến hành thẩm định sơ bộ khách hàng và trình UBND tỉnh chờ phê duyệt danh sách. Với sự vào cuộc quyết liệt cùng "67" của toàn hệ thống, đến 15/5/2015, dư nợ cho vay theo NĐ 67 theo cam kết của Agribank đạt trên 199 tỷ đồng, trong đó có những địa phương có số lượng tàu nhiều được Agribank cam kết hỗ trợ nguồn vốn như Tiền Giang (12 tàu), Bình Thuận (05 tàu), Quảng Bình (05 tàu)… và đến nay Agribank đã giải ngân trên 63 tỷ đồng. Có những con tàu đầu tiên cả nước được đóng mới bằng nguồn vốn của Agribank theo NĐ 67 tại Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình cũng đã được hạ thủy, giúp ngư dân nơi đây vươn khơi, bám biển, góp phần phát triển kinh tế biển tại địa phương.

Agribank ký kết hợp đồng tín dụng với ngư dân tại Bình Thuận cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo NĐ 67



Tích cực gỡ “nút thắt”

Từ thực tiễn sau hơn 9 tháng triển khai, NĐ 67 đang gặp phải một số “nút thắt”, “điểm nghẽn” như: Giữa quy định của NĐ 67 về sử dụng máy mới 100% trong khi có trường hợp mong muốn của ngư dân được sử dụng máy cũ nhằm tiết giảm chi phí; Ngân hàng gặp khó trong việc thẩm định dự toán con tàu vì chưa có quy định về định mức kỹ thuật và giá khái toán tham khảo; Vướng mắc trong phê duyệt thiết kế mẫu tàu; Các đơn vị bảo hiểm chủ yếu chỉ nhận bảo hiểm thân vỏ tàu, không bảo hiểm phần ngư lưới cụ. Nghị định 67/2014/NĐ-CP là chính sách mới gồm nhiều chính sách về thủy sản trong các lĩnh vực tín dụng, bảo hiểm, đầu tư… cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ của nhiều bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và người dân, nhưng trên thực tế tại các địa phương, các chính sách chưa được tiến hành đồng bộ (như việc hỗ trợ thuế, phí cho các chủ tàu từ ngân sách chưa hoặc chậm được triển khai làm thêm khó khăn cho các chủ tàu trong bổ sung vốn đối ứng; cảng cá chưa phù hợp với neo đậu những con tàu lớn; ngư dân thiếu kinh nghiệm trong việc vận hành tàu công suất lớn, kinh nghiệm đánh bắt xa bờ…); vấn đề bao tiêu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức của người dân chưa đầy đủ và thấu đáo về vay vốn đóng tàu…

"Con tàu 67" vỏ gỗ 700 CV đầu tiên của cả nước được Agribank đầu tư vốn theo NĐ 67 được hạ thủy vào ngày 30/3/2015 tại Thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Với nhận thức, nếu tháo gỡ nhanh được những “nút thắt”, “điểm nghẽn” nêu trên sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ triển khai NĐ 67, Agribank tiếp tục bám sát địa bàn, cùng các chi nhánh trong hệ thống trên cơ sở tổng kết thực tiễn triển khai, đưa ra các đề xuất giải pháp có liên quan sát với tình hình thực tế, cụ thể: Thứ nhất, cần sớm có câu trả lời về vấn đề có cho phép ngư dân dùng máy cũ hay không; Thứ hai, cần sớm ban hành các định mức kỹ thuật cũng như giá khái toán của các loại tàu. Để đảm bảo việc thẩm định giá dự toán đóng tàu của các cơ sở đóng tàu đưa ra, nên chăng cho phép ngân hàng và chủ tàu thuê công ty tư vấn thẩm định giá, phí thuê tư vấn thẩm định được tính vào tổng giá trị đầu tư con tàu; Thứ ba, cần sớm đưa ra các mẫu tàu phù hợp và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các điều chỉnh về mẫu tàu và dự toán đóng tàu; Thứ tư, các doanh nghiệp bảo hiểm cần nghiên cứu đưa ra sản phẩm bảo hiểm ngư lưới cụ phù hợp; Thứ năm, các chính sách của Nghị định 67/2014/NĐ-CP cần phải được thực hiện đồng bộ để đảm bảo hiệu quả đồng vốn của ngư dân và ngân hàng khi tàu vươn khơi; Thứ sáu, cần triển khai thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả sản xuất của ngư dân; Thứ bảy, chính quyền địa phương cần phối hợp với các ngân hàng thương mại tăng cường tuyên truyền cho ngư dân hiểu đúng tinh thần của Nghị định 67, đồng thời xem xét, tạo điều kiện để ngư dân có thể tiếp cận những mô hình thí điểm, tạo tâm lý yên tâm đầu tư cho ngư dân…


Với mong muốn, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các Bộ, Ngành có liên quan ở Trung ương và sự phối hợp chặt chẽ tích cực của các địa phương, Agribank tin tưởng rằng, trong thời gian tới, những “nút thắt”, “điểm nghẽn” này sẽ nhanh chóng được tháo gỡ để ngày càng có nhiều hơn những “con tàu 67”, giúp ngư dân có điều kiện vươn khơi, bám biển, làm giàu chính đáng trên ngư trường truyền thống của mình.

Viết Chung – Website Agribank

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hoàn thành việc đối chiếu sinh trắc học đối với khách hàng trước ngày 1/1/2025

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hoàn thành việc đối chiếu sinh trắc học đối với khách hàng trước ngày 1/1/2025

(Thanh tra) - Nhằm phục vụ tốt nhu cầu thanh toán trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025, ngày 15/12, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản cầu các đơn vị liên quan thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), Napas và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt.

Nguyễn Điểm

17:59 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm