Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc xóa đói giảm nghèo

Phúc Anh

Thứ tư, 16/08/2023 - 23:33

(Thanh tra)- Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”, các đại biểu tham dự cho rằng, trong nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia. Ảnh: NĐ

Vậy, để phát huy tối đa vai trò của tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) trong công cuộc này, các đại biểu đều cho rằng cần tiếp tục tìm giải pháp mới để phát huy hiệu quả tín dụng chính sách.

Giám sát, phản biện xã hội sẽ phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng tham luận tại hội thảo. Ảnh: NĐ

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, TDCSXH là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhiều khó khăn tự vươn lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đây thực sự là giải pháp sáng tạo và phù hợp với thực tiễn của đất nước ta.

Trong đó, MTTQ Việt Nam có tầm quan trọng trong việc kết nối tập hợp sức mạnh cả hệ thống chính trị xã hội tham gia triển khai tín dụng. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phát huy vai trò tập hợp lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCSXH đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và các đối tượng chính sách khác; tập trung huy động các nguồn lực cho Quỹ Vì người nghèo các cấp và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH thực hiện các chương trình TDCSXH, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng thời tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình tổ chức, triển khai thực hiện TDCSXH. Trên cơ sở đó, phối hợp với Ngân hàng CSXH kịp thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) trong từng thời kỳ.

“Những hoạt động thiết thực của MTTQ đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân về vị trí, vai trò của TDCSXH trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, yếu tố quan trọng TDCSXH phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong 10 năm qua đó là việc triển khai Chỉ thị 40-CT/TW song hành với công tác theo dõi, giám sát thường xuyên.

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: NĐ

Chính vì lẽ đó mà Ban Kinh tế Trung ương đã kiến nghị Ban Bí thư ban hành Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trong đó chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần xác định công tác TDCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến TDCSXH; bố trí đủ, kịp thời nguồn tài chính TDCSXH; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động TDCSXH; các địa phương cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng CSXH…

Kết quả là Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực ngày càng tăng để thực hiện TDCSXH. Đến 31/7/2023, tổng nguồn vốn TDCSXH đạt gần 325 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 190 nghìn tỷ đồng (gấp 2,4 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%; trong đó ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH đến nay đạt gần 35 nghìn tỷ đồng, tăng 30.863 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.

Trong 9 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, tổng doanh số cho vay đạt 605.167 tỷ đồng, với hơn 18.600 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Vốn TDCSXH được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.

Nguồn vốn TDCSXH đã góp phần thu hút, tạo việc làm cho gần 3,3 triệu lao động, trong đó gần 42 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 514 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 11,6 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xây dựng gần 139 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, trên 38 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp…

Góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng nhấn mạnh: Việc thực hiện chính sách tín dụng cho đồng bào DTTS có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bộ trưởng cho biết, qua đánh giá tại các địa phương thực hiện CTMTQG DTTS, vốn TDCSXH đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào các DTTS như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất; ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các DTTS, được người dân hết sức đồng tình và hưởng ứng tích cực.

Từ những kết quả đạt được tiếp tục khẳng định chính sách tín dụng thực hiện CTMTQG DTTS đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một “trụ cột” quan trọng trong các chính sách giảm nghèo bền vững.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng xã hội nói chung, chính sách tín dụng trong CTMTQG DTTS nói riêng trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Ngân hàng CSXH cùng với các bộ, ngành, địa phương cần tích cực triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết và nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc và an sinh xã hội nói chung, chính sách tín dụng xã hội nói riêng dành cho đồng bào DTTS, vùng DTTS và miền núi.

Tập trung huy động nguồn lực để thực hiện tốt các chương trình tín dụng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, bên cạnh đó khuyến khích nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác tham gia thực hiện TDCSXH; tranh thủ khai thác các nguồn lực của các tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn vốn cho vay. Trước mắt, cần bố trí đủ nguồn vốn DTTS trong giai đoạn 2024 - 2025 để tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

Xem xét bổ sung đối tượng cho vay hộ đồng bào DTTS cư trú hợp pháp tại vùng đồng bào DTTS và miền núi được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hộ cận nghèo DTTS được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCSXH, đặc biệt chính sách tín dụng mới ban hành đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, người DTTS và các đối tượng chính sách khác, bảo đảm TDCS được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng nội dung, đúng đối tượng thụ hưởng, không thất thoát…

Thực hiện có hiệu quả TDCSXH trong CTMTQG DTTS cũng góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho đồng bào DTTS, thu hẹp dần khoảng cách mức sống giữa các dân tộc, vùng miền, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm